Chân dung vị Hoàng hậu xuất thân vô cùng cao quý, 2 lần cứu vua khỏi thú dữ

Bảo Thánh Hoàng hậu là con gái đầu của Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành Công chúa. Bà là vợ vua Trần Nhân Tông. Sử sách ghi chép, bà mang mệnh mẫu nghi thiên hạ từ lúc lọt lòng.

Đỗ Thu Nga
13:00 17/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thường thấy, là phận nữ nhi ai cũng mỏng manh, cần được bảo vệ. Thế nhưng sử sách Việt Nam ghi nhận có không ít nhân vật lịch sử là nữ nhi nhưng không hề mềm yếu, nhút nhát. Điển hình như câu chuyện liên quan đến Bảo Thánh Hoàng hậu 2 lần bảo vệ chồng trước nanh vuốt của thú dữ.

Xuất thân vô cùng hiển hách của Bảo Thánh Hoàng hậu

Chúng ta ai cũng biết, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là bậc danh tướng kiệt hiệt, anh hùng dân tộc. Ông từng giữ vai trò quan trọng vào loại hàng đầu trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. 

Thế nhưng ít ai biết được, trên phương diện tình cảm, ông lại là người cực kỳ lãng mạn và táo bạo. Sử sách có rất nhiều tư liệu nhắc đến cuộc hôn nhân của ông và Thiên Thành công chúa. Đó là chuyện tình xưa nay hiếm có và có lẽ cũng chỉ có thể diễn ra trong bối cảnh hết sức phức tạp và rối rắm của hậu cung nhà Trần.

Không có tư nào nào ghi đích xác ngôi thứ của Thiên Thành công chúa. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ viết rằng, bà là trưởng công chúa (trên cơ sở đó, người đời sau suy luận rằng, bà là con gái trưởng của vua Trần Thái Tông). Còn trong Việt sử Thông giám cương mục thì ghi bà là con gái của Trần Thừa (tức Thái Thượng Hoàng đầu tiên của nhà Trần, cha của Trần Thái Tông cũng như Trần Liễu). 

bao-thanh-hoang-hau-va-2-lan-cuu-vua-tran-nhan-tong-khoi-thu-du-8
Trần Quốc Tuấn từng có màn cướp dâu chấn động triều đình

Nếu vậy, xét về thứ bậc, bà cũng là em gái Trần Thái Tông và của phụ thân Trần Quốc Tuấn, An sinh vương Trần Liễu. Song theo một số nhà nghiên cứu, Thiên Thành công chúa không thể là trưởng công chúa của Trần Thừa được vì ông còn có một công chúa khác là Thụy Bà công chúa, lớn hơn Thiên Thành công chúa. Không có lý do gì để Trần Thừa lại cùng lúc có 2 trưởng công chúa được.

Do sự sắp đặt của Thái sư Trần Thủ Độ nên Trần Cảnh sau khi đăng cơ, sáng lập ra nhà Trần đã rời bỏ Lý Chiêu Hoàng - nữ đế vương nhà Lý để lấy Lý Thị Oanh (Thuận Thiên công chúa, chị ruột của Lý Chiêu Hoàng, trước đó từng là vợ của Trần Liễu và đang có mang với chồng, về sau sinh ra Trần Quốc Khang được coi như là hoàng tử của Trần Thái Tông).

Năm 1251, Trần Thái Tông có ý định gả công chúa Thiên Thành cho Trung Thành vương (không rõ tên). Lúc này, Trần Quốc Tuấn đem lòng yêu công chúa Thiên Thành đến mức vượt mọi rào cản lẻn vào phòng công chúa đang tá túc. Sau đó, Trần Thái Tông biết chuyện đành đem công chúa gả cho Trần Quốc Tuấn. Sính lễ của nhà trai là 10 mâm vàng. 

Sau khi cưới Thiên Thành công chúa được một thời gian, Trần Quốc Tuấn đón sự chào đời của con gái đầu lòng, đặt tên là Trần Thị Trinh. Do cha có công lớn với xã tắc nên bà được phong làm Quyên Thanh công chúa. 

Nói về xuất thân của Quyên Thanh, sử sách có chép: Bà có xuất thân vô cùng hiển hách, cha là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, mẹ là Nguyên Từ Quốc mẫu (Thiên Thành Công chúa). Bà là cháu nội của An Sinh vương - con trưởng của Thái Tổ Hoàng đế. Bên cạnh đó, Thái Tổ Hoàng đế cũng chính là ông ngoại của bà. Sinh ra đã có nền tảng như vậy, số phận dường như sắp đặt sẵn bà sẽ là mẫu nghi thiên hạ.

Theo Đại Việt sử ký toàn tư, đến mùa Đông năm Nguyên Phong thứ 8 (1258), trưởng Hoàng tử Trần Khâm (sau là vua Trần Nhân Tông) chào đời. Đến tháng Chạp năm 1274, trưởng Hoàng tử được vua cha Trần Thánh Tông phong làm Hoàng Thái tử. Đồng thời, Trần Thánh Tông cũng ban hôn cho con với con gái trưởng Trần Thị Trinh (Quyên Thanh Công chúa) của Trần Hưng Đạo làm Hoàng Thái tử phi.

Hai năm sau, Hoàng Thái tử phi hạ sinh Hoàng tử Trần Thuyên. Thời điểm đó, Trần Thuyên được lập làm Đông cung Thái tử. Năm 1278, vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho Trần Khâm (vua Trần Nhân Tông). Khi ấy, công chúa Quyên Thanh được phong làm Hoàng hậu Bảo Thánh.

bao-thanh-hoang-hau-va-2-lan-cuu-vua-tran-nhan-tong-khoi-thu-du-0
Tranh vẽ Bảo Thánh Hoàng hậu

Sử sách chép, Bảo Thánh Hoàng hậu là người có tính tình nhu mì, thông minh sáng suốt lại nhân hậu. Hoàng đế Trần Nhân Tông rất sủng vợ. Từ khi họ còn ở Đông cung cho đến lúc lên ngôi, sự yêu thương, chiều chuộng đó vẫn không hề suy giảm. 

Thêm nữa, từ lúc sinh ra, Trần Thuyên - con trai của hai người đã được lập làm Thái tử nên địa vị trong cung của Bảo Thánh Hoàng hậu vững càng thêm vững. 

Chính sử còn chép rằng, sau khi kết hôn vài tháng, trưởng Hoàng tử Trần Khâm (vua Trần Nhân Tông sau này) vì quá mộ đạo nên nửa đêm trốn khỏi cung tới tá túc ở một ngôi chùa trên Yên Tử. Khi phát hiện thấy trưởng nam biến mất, vua Trần Thánh Tông đã vội vàng cử người đi tìm, khuyên giải ông về.

Trở về cung, Trần Khâm vẫn nằm mộng thấy một đóa sen vàng mọc từ rốn mình nên đã ngày ngày ăn chay, cả người gầy guộc. Vua Trần Thánh Tông thấy vậy rất đau lòng, vừa khóc vừa khuyên ông, ông mới thôi việc ăn chay.

Trong tình huống này, Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu vẫn cam chịu để "tòng phu" đúng đạo và giữ cho quan hệ vợ chồng được êm ấm. Bà có thể được tôn vinh như một tấm gương nhẫn chịu vì chồng sáng chói trong sử sách. 

Vào năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai là Thái tử Trần Thuyên (vua Trần Anh Tông) rồi làm Thái Thượng hoàng. Bảo Thánh Hoàng hậu cũng được suy tôn thành Bảo Thánh Hoàng thái hậu.

Chuyện Bảo Thánh Hoàng hậu 2 lần cứu vua khỏi thú dữ

Không chỉ là bà hoàng thông minh sáng suốt, nhân hậu đối với kẻ dưới, Bảo Thánh còn mang trong mình  một tinh thần quả cảm vô song mà ngay cả nam nhi cũng không dễ sánh được. Trong những tình huống nguy hiểm nhất, tinh thần đó đã được bộc lộ một cách rất tự nhiên và đáng khâm phục. Đó là tích bà 2 lần cứu chồng khỏi thú dữ.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép sự kiện đó như sau: "Thái hậu nhu mì đức tốt, thông minh sáng suốt, nhân hậu với kẻ dưới. Thượng hoàng có lần làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu, sai quân sĩ đánh nhau với hổ, Thượng hoàng ngự trên lầu để xem, Thái hậu và phi tần đều theo hầu.

Lầu thấp, song chuồng hổ và thềm cũng thấp, hổ bỗng nhiên thoát khỏi chuồng trèo lên lầu. Người trên lầu đều tan chạy cả. Chỉ có Thượng hoàng và Thái hậu cùng 4-5 thị nữ còn ở đó. Thái hậu nghĩ không khỏi bị hại, mới lấy chiếc chiếu che cho Thượng hoàng và tự che mình. Hổ lên lầu gầm rống rồi nhảy xuống không vồ hại ai cả.

Lại một lần Thượng hoàng ngự điện Thiên An xem đấu voi ở Long Trì. Con voi bỗng nhiên xổng thoát, xông tới, định lên điện, tả hữu đều sợ hãi tan chạy cả, chỉ có Thái hậu vẫn ở đó".

Theo một nhận định sau này, hai sự kiện ngăn cản hổ và voi đều diễn ra khi bà đang là Hoàng hậu. Những ghi chép này đều có sau khi bà qua đời nên mới để danh xưng Thái hậu. 

bao-thanh-hoang-hau-va-2-lan-cuu-vua-tran-nhan-tong-khoi-thu-du-4
Bảo Thánh Hoàng hậu dám đối mặt với hổ, bảo vệ vua Trần Nhân Tông

Đời sau, nhắc lại những câu chuyện này, sử gia Ngô Sĩ Liên đã bình: “Hổ hay vồ, voi hay quật, há chẳng đáng khiếp sợ sao. Thế mà Thái hậu đương lúc chúng lồng lộn xông xáo, tâm thần không dao động, bình tĩnh đối phó vì bà suy nghĩ chín chắn, lý lẽ đã sáng tỏ vậy.

Kể người đàn bà dáng điệu mềm yếu mà có thể như thế, so với nàng Tiệp Dư ngày xưa đứng chắn gấu (cho vua), có lẽ cũng không thẹn gì...”.

Bảo Thánh Hoàng hậu tuy là phận nữ nhân nhưng mang trong mình dòng máu con nhà võ tướng, dũng cảm và rất kiên trinh. Cho dù hiểm nguy bà vẫn sát cánh bên chồng. Và quay ngược thời gian về thời điểm vua Trần Nhân Tông chỉ huy kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược, bà cũng ở hậu phương giúp vua ổn định cung thất.

Bảo Thánh Hoàng hậu đã có một đời vinh hiển nhưng lại mất sớm, trước chồng mình đến 15 năm. Tháng 9/1293, Bảo Thánh hoàng hậu đột ngột qua đời ở Lỗ Giang, phủ Long Hưng (nay là tỉnh Thái Bình).

Sau khi vợ mất, đến tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294), Thượng hoàng Trần Nhân Tông cũng xuất gia tại hành cung Vũ Lâm. 5 năm sau, ngài rời đến Yên Tử, lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu Đà, đạo hiệu là Trúc Lâm đại sĩ.

Năm 1309, cháu nội của bà là Đông cung Thái tử Mạnh được phong làm Hoàng thái tử, bà được truy tôn là Khâm từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu.

Sau khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông mất vào năm 1308, Khâm từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu được đưa vào hợp táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng...

Xem thêm: Bà hoàng có số phận bi thảm nhất sử Việt: Bỗng dưng thất sủng, hạ độc giết vua, bị cháu nội ban chết vì lý do không ngờ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận