Anh Sáu "bao đồng" và những câu chuyện sống đẹp
Anh Trần Thiện Phương được người thân quen gọi là anh Sáu. Và chính anh cũng thích cái tên đó vì nó gần gũi, chân chất như tấm lòng và những việc thiện nguyện rất... "bao đồng" của anh và cộng sự.
Tạo cuộc sống mới cho người hồi gia…
Chở tôi bằng chiếc xe máy cà tàng đến chỗ anh Tr. (hơn 40 tuổi, từng có 10 năm thụ án tù) đang làm công việc trông giữ xe máy cho một quán ăn trên đường Ký Con (Q.1), anh Phương cười khà khà nói: "Bạn này lúc trước ở ngoài đời "không vừa đâu", nhưng hồi gia và về với em hơn 5 năm nay rồi, giờ thì rất lễ phép, rất kỷ luật và chịu khó, vợ con đàng hoàng". Khi chúng tôi ghé, quán đã vắng nhưng cũng còn gần chục chiếc xe máy đậu ngay ngắn ở phần vỉa hè quy định. Tr. da hơi đen, dáng nhanh nhẹn, đứng cạnh đó trông coi. Chị chủ quán tươi cười: "Anh Sáu tới kìa Tr. ơi, lấy nước mời ảnh rồi ngồi nói chuyện chút xíu đi!". Tr. "Dạ" rồi kéo ghế ngồi ở vỉa hè để vừa trông xe, vừa nói chuyện. Có khách ghé ăn, Tr. nhanh nhẹn bước ra đón, hướng dẫn khách vào quán. Như đã "giao ước", tôi không phỏng vấn Tr., mà chỉ ngồi nghe hai người chuyện trò tự nhiên. "Hôm qua em nhận lương chưa, ổn hả?", Phương hỏi. "Dạ rồi, cũng đỡ anh!", Tr. trả lời. "Dạo này mưa khách còn đông không, mệt không?", Phương hỏi tiếp. "Giờ em mới được nghỉ chút xíu đó, chút quán lại đông lắm, đâu được ngồi đây!", Tr. gãi đầu nói như phân trần... Chia tay Tr., Phương tiếp tục chở tôi ghé một tiệm cà phê ở góc đường kế đó gặp ông T., hơn 50 tuổi, một người cũng mấy lần ở tù, nay trông giữ xe máy ở đây. "Anh Sáu hả, thằng M. mới ghé và nhắc anh đó!", ông T. mở lời chào. "À, cái chuyện hôm bữa chớ gì, xong rồi. Anh xài hết lương chưa?", Phương cười khà khà hỏi chọc ghẹo. "Đâu có, mới nhận hôm qua mà!", ông T. thật thà trả lời...
Từ một cậu bé có tuổi thơ bất hạnh, từng bỏ nhà đi bụi từ nhỏ, Trần Thiện Phương (50 tuổi, Giám đốc Công ty Leosix - trụ sở tại P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM) đã vượt bao khó khăn, bao lần thất bại, để hiện sở hữu một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giữ xe máy tại các quán ăn, cơ sở dịch vụ tại khu vực Q.1 và Q.10, TP.HCM. Có lẽ từ quãng đời đắng cay của mình, Phương thấu hiểu nên đã tạo điều kiện để hàng chục người từng vi phạm pháp luật nay hồi gia có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. "Anh em ở nhiều nơi, người ở TP.HCM, người ở các tỉnh thành khác. Mỗi người đảm nhận một vị trí, lương bình quân mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng. Ngó đơn giản vậy chứ khó lắm, anh em mỗi người mỗi tính và cuộc đời của họ không ai giống ai. Có người trượt ngã hết bận này đến bận khác, nên khi trở về với cuộc sống đời thường rất chơi vơi, lạc lõng vì mang nặng mặc cảm và sự dị nghị, lánh xa của không ít người, nhất là người thân, chòm xóm. Mình phải có tình yêu thương thật sự, cùng sẻ chia, gần gũi với anh em, coi họ như người ruột thịt. Ai có gia đình, nhà cửa thì ở, không nhà cửa mình lo luôn, ở chung ăn chung. Vậy anh em mới thương mới quý, tin tưởng tìm đến, hợp tác với mình để làm lại cuộc đời", anh tâm sự.
…Và những câu chuyện đẹp khác
Còn nhớ cách nay 2 năm, trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành, Phương cùng các cộng sự đã len lỏi đến từng hẻm nhỏ khắp các quận huyện ở TP.HCM để tiếp tế nhu yếu phẩm cho nhiều người, nhất là bà con khó khăn, rồi hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, trao thuốc cho những người bị F0... Ngoài ra, anh còn quan tâm đến những người nước ngoài bị kẹt lại TP.HCM. Anh giải thích: "Không phải họ lười biếng không chịu làm việc nên không có cái ăn, chỗ ở, mà vì dịch bùng phát, họ mất việc, về nước không được, ở lại cũng không xong, dịch đẩy họ vào thế khó nên mình phải tìm cách giúp".
Trong văn phòng làm việc nhỏ của anh (đường Đề Thám, P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM), ngoài bộ bàn ghế đơn sơ, 1 bộ máy tính để nhân viên làm việc, chỉ thấy treo mấy giấy khen của các địa phương, tổ chức ở TP.HCM và một số tỉnh. Thì ra anh còn tham gia các hoạt động từ thiện của Hội Chữ thập đỏ, ủng hộ quỹ giúp người nghèo, trao học bổng, làm thiện nguyện ở các nơi khác. Tôi hỏi: "Cuộc sống còn khó khăn chồng chất như thế, lấy đâu kinh phí để giúp nơi này, nơi kia?". Phương cười nói: "Tiền túi mình bỏ ra nên không có tính toán gì hết, cứ có là giúp. Mình có giàu sang gì đâu, thấy bà con nghèo giúp được thì giúp thôi. Còn với anh em hồi gia, mình chỉ mong họ trưởng thành, an định cuộc sống là mừng rồi".
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Lê Văn Phúc: 16 tuổi lập nhóm thiện nguyện, 20 tuổi sở hữu "gia" tài nhiều dự án, chiến dịch từ tâm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận