Hơn 10 năm duy trì bếp ăn từ thiện ở ngôi trường vùng sâu
Chứng kiến nhiều học sinh phải để bụng đói đến trường, các thầy cô Trường tiểu học Thới Quản 2 (Kiên Giang) đã kết hợp cùng phụ huynh mở bếp ăn từ thiện, giúp các em có bữa ăn đủ dinh dưỡng để học tốt hơn.
Trường tiểu học Thới Quản 2 nằm tại ấp Thới Trung, xã Thới Quản, huyện Gò Quao là ngôi trường thuộc vùng sâu vùng xa, tỷ lệ học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo rất cao. Chứng kiến nhiều em để bụng đói đến trường, có em chỉ ăn qua loa gói mì, củ khoai trước giờ học khiến các thầy cô không khỏi xót xa.
Từ thực tế đó, tập thể giáo viên của trường đã phối hợp cùng phụ huynh vận động mì gói để nấu cho các em ăn no bụng, có sức để học tốt hơn. Dần dần, nhiều nhà hảo tâm biết đến và ủng hộ, năm 2014 bếp ăn từ thiện tại trường được thành lập và duy trì đến nay.
Để có chỗ ăn khang trang, bữa ăn chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các em, Ban giám hiệu nhà trường, Chi hội Chữ thập đỏ và Hội phụ huynh học sinh vận động kinh phí xây dựng, sửa sang, mở rộng diện tích khu bếp, mua sắm các vật dụng cần thiết như bàn ghế, quạt gió, nồi hấp cơm, tủ lạnh,… Bếp ăn từ thiện sẽ được mở vào thứ 3, 4, 5 hằng tuần với thực đơn thay đổi thường xuyên.

Hằng năm, nhóm Huynh Helping Hands, do bà Võ Thị Hồng Khanh làm trưởng nhóm, sẽ hỗ trợ kinh phí duy trì bếp ăn. Ngoài ra, nhà trường còn kết nối với các nhóm từ thiện khác để bữa ăn thêm phần dinh dưỡng, ngon miệng. Ngoài tài trợ cho bếp ăn từ thiện, nhà trường cũng vận động học bổng, bảo hiểm y tế, tập sách, đồng phục… cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Đảm nhận công việc đứng bếp từ khi bếp ăn từ thiện mới thành lập cho đến nay, ông Danh Dần, bảo vệ Trường tiểu học Thới Quản 2, chia sẻ: "Vợ chồng tôi phụ trách đi chợ và chế biến món ăn hơn 10 năm qua nên hiểu rõ khẩu vị của các em. Chúng tôi luôn cố gắng nấu thật ngon để các em ăn ngon miệng. Mỗi lần nấu, tôi chuẩn bị gần 90 suất cơm. Nhìn các em vui cười, có bữa cơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng mọi cực nhọc trong tôi đều tan biến hết".

Nhờ sự hỗ trợ của bếp ăn, các em học sinh khó khăn đã yên tâm đến lớp, tập trung học tập, không còn chịu cảnh bụng đói, lo lắng về bữa trưa. Em Thị Thanh Thúy (dân tộc Khmer), hiện đang theo học lớp 5 tại Trường tiểu học Thới Quản 2, cho biết: "Nhà con cách xa trường, mỗi lần đạp về phải mất 15 - 20 phút. Con ăn tại bếp ăn của trường từ năm lớp 1 đến nay. Nhờ có thầy cô và các cô chú mà con có bữa ăn ngon, dinh dưỡng, đủ sức khỏe để ở lại học buổi chiều".
Thầy Nguyễn Hữu Dị, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thới Quản 2, chia sẻ: "Chi hội Chữ thập đỏ thường xuyên tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc duy trì bếp ăn từ thiện. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp với Ban đại diện phụ huynh học sinh vận động nhiều nguồn lực đảm bảo duy trì phục vụ bữa ăn cho các em. Nhờ mô hình bếp ăn từ thiện này, chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được nâng lên".

Với việc làm thiết thực và ý nghĩa, mô hình "Bếp ăn từ thiện" của Trường tiểu học Thới Quản 2 đã được Ban Tuyên giáo T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận T.Ư) chứng nhận và biểu dương tại Chương trình "Giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" khu vực phía nam năm 2024 và đăng ký mô hình dân vận khéo cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Xem thêm: Việt Nam lần đầu ghép tim nhân tạo để duy trì sự sống cho người phụ nữ 46 tuổi
Tin liên quan
Cổ nhân cho rằng nếu thế hệ sau hiểu đúng và vận dụng khéo léo lời dặn "nghèo không động tam nghệ, giàu không gần tam nhân" thì cuộc đời sẽ bình yên.
Nhặt được chiếc ví có hơn 5.1 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều giấy tờ tùy thân, 3 học sinh lớp 6 trường THCS Trần Cao Vân đã lập tức mang đến Công an phường Thuận Hòa trình báo và nhờ tìm người đánh rơi để trả lại.
Sinh ra thiếu thốn tình cha, giờ đây Dũng lại mang trong mình căn bệnh ung thư máu. Gia đình nghèo đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục điều trị cho Dũng.