Chú rể ở Hưng Yên bật khóc trong đám cưới, nghe câu chuyện phía sau ai cũng xúc động xót xa
Khoảnh khắc thắp hương gia tiên để rước đi rước vợ về dinh, chú rể ở Hưng Yên đã không kìm nén được bật khóc vì nhớ mẹ… nhà con đã xây, vợ cũng cưới về nhưng mẹ không còn nữa.
Vào hôm 13/4, trong đám cưới của mình, anh Trần Văn Tiến (SN 1997, Hưng Yên) đã có khoảnh khắc không cầm được nước mắt khiến ai chứng kiến cũng phải thắt lòng.
Mẹ anh mất 2 năm trước do ung thư dạ dày. Ngày mẹ ra đi Tiến chưa kịp xây nhà báo hiếu, chưa lấy vợ sinh con để mẹ được ẵm bồng cháu nội. Điều đó khiến anh luôn đau đáu trong lòng.

Lúc thay đồ chuẩn bị đi đón dâu, Tiến được chị gái ruột giúp cài hoa cưới trên ngực áo. Nghe chị gái thủ thỉ: “Lẽ ra người cài hoa áo cho em là mẹ nhưng mẹ mất rồi thì để chị làm thay”.
Câu nói ấy khiến anh xúc động nghẹn ngào. “Lúc thắp hương cho mẹ để đi đón dâu, nhìn di ảnh mẹ tôi không kìm nén được. Tôi vừa thương mẹ, vừa tủi thân vì ngày đi rước vợ lại không có mẹ đi cùng. Mẹ tôi lam lũ, vất vả cả đời để kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Mẹ có hai tâm nguyện là được chứng kiến tôi xây nhà mới và lập gia đình. Giờ nhà tôi đã xây xong rồi, vợ cũng cưới về rồi nhưng mẹ lại không còn nữa”, Tiến xúc động kể.
Nhờ người thân động viên, chú rể ở Hưng Yên đã ổn định lại cảm xúc, vui vẻ đi đón dâu. Đám cưới diễn ra suôn sẻ, trọn vẹn và để lại cho anh nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Tiến là con út trong một gia đình thuần nông ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Theo lời Tiến kể, trước đây nhà anh rất nghèo, bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm tiền nuôi con cái ăn học.

“Nhà cũ của tôi là căn nhà 2 gian nền đất, mái ngói cũ dột nát, mỗi khi trời mưa là phải đem thau hứng khắp nhà. Chị em tôi lớn lên trong căn nhà như thế, nên thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của bố mẹ”, Tiến kể.
Từ khi còn là học sinh phổ thông, Tiến đã ấp ủ giấc mơ xây cho bố mẹ căn nhà khang trang. Năm 2019, Tiến quyết định sang Nhật làm việc theo diện xuất khẩu lao động.
Thời gian đầu, anh làm việc trong ngành nông nghiệp. Vào vụ mùa, anh phải dậy từ 3-4 giờ sáng, làm 13-14 tiếng/ngày. “Làm nông, công việc vừa nhiều vừa vất vả. Nhưng đổi lại, thu nhập cũng ổn. Tôi chi tiêu tiết kiệm, chỉ mua những gì thực sự cần thiết cho bản thân. Trước khi mua một món đồ, tôi đều suy nghĩ kỹ càng. Tôi muốn tích cóp tiền để về xây nhà cho bố mẹ”, Tiến kể.
Năm 2021, Tiến chuyển sang làm cho một công ty vận chuyển 2 chiều Việt – Nhật. Đây được xem là bước ngoặt của anh khi nguồn thu nhập được tăng đáng kể.

Ngoài việc công ty, Tiến còn xây kênh TikTok chia sẻ về cuộc sống lao động tại Nhật Bản. Mỗi video Tiến đăng tải thu hút vài trăm nghìn cho đến hàng triệu lượt xem. Nhờ đó, anh cũng có nguồn thu nhập đáng kể từ công việc sáng tạo nội dung trên TikTok.
Năm 2024, Tiến hoàn thành tâm nguyện xây nhà báo hiếu đấng sinh thành. Với chi phí 1,8 tỷ đồng, anh xây được căn nhà 2 tầng to đẹp với đầy đủ nội thất. “Ở tuổi 74, cuối cùng bố tôi cũng được sống trong căn nhà khang trang, tiện nghi. Thật may, tôi vẫn kịp báo hiếu bố”, Tiến nói.
Những năm tháng lao động tại Nhật Bản, Tiến có cơ duyên gặp gỡ với Nguyễn Hoàng Lan (SN 2002, cùng quê Hưng Yên). Họ gặp nhau, yêu nhau và trở thành điểm tựa tinh thần cho nhau trong những năm tháng vất vả nơi xứ người.
Khi tình cảm chín muồi, cả hai quyết định tiến tới. Tiến và vợ cũng quyết định về quê sinh sống và làm việc để chăm lo, phụng dưỡng cho người bố già yếu.
“Nhìn lại những năm tháng qua và những thành quả đạt được ở hiện tại, tôi rất hạnh phúc. Có thể lo được cho gia đình là một cảm xúc rất khó diễn tả. Nhưng tôi vẫn phải cố gắng nhiều hơn vì sự thành công của tôi vẫn chậm hơn sự già đi của bố. Hơn nữa, giờ đây tôi còn phải làm trụ cột cho tổ ấm nhỏ của mình nữa”, Tiến chia sẻ.
Xem thêm: Nữ phi hành gia gốc Việt mang theo 169 hạt sen giống bay vào không gian
Tin liên quan
Giữa ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu, ông ngỡ như thấy bóng bà Sáu ngồi bên bếp, mỉm cười bảo: “Ông ơi, khuya rồi, đi ngủ sớm ông ơi…”
Câu chuyện về Khôi và cô Hạnh không chỉ là câu chuyện của một học trò thành đạt biết ơn thầy cô, mà còn là bài học lớn về ơn nghĩa ở đời.
Người phụ nữ 46 tuổi bị suy tim giai đoạn cuối đã được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép tim nhân tạo bán phần để duy trì sự sống.
Bài mới

Chỉ trong vòng 3 năm (1963-1970) ở mặt trận Trị Thiên, “vua mìn” Trịnh Tố Tâm đã chỉ huy đơn vị đánh 58 trận, diệt 1.500 tên địch, phá hủy 61 xe quân sự, đánh bật 19 đoàn tàu hỏa... Riêng ông đã tiêu diệt được 272 tên địch, bắn rơi và phá hủy 3 máy bay và cực kỳ nổi tiếng với câu nói: "Tất cả chúng mày đã bị một mình tao bao vây!"

Trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg được công bố mới đây, Bill Gates lần đầu tiên sau nhiều năm rơi khỏi top 10 người giàu nhất thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông giảm 30%, tương đương 52 tỷ USD, sau khi Bloomberg điều chỉnh cách tính để phản ánh chính xác hơn các khoản quyên góp từ thiện khổng lồ của vị đồng sáng lập Microsoft.

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hai 18 tuổi lén mẹ đăng ký đi kháng chiến chống Mỹ và không trở về. Hơn 60 năm nay, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang (Hội An, Quảng Nam cũ) vẫn ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó có thể tìm được hài cốt con trai thay vào ngôi mộ gió được lập nhiều năm nay.

Giữa những trang giấy đã úa màu thời gian, 109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui nâng niu gìn giữ chính là những mảnh hồn xưa còn sót lại của một thời đạn lửa. Mỗi con chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, nỗi mong nhớ và cả tinh thần bất khuất của một thế hệ đã sống, đã yêu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những bức thư ấy đã theo chân người lính qua rừng sâu, suối cạn, qua những năm tháng hành quân gian khổ và hôm nay, chúng vẫn còn đó như những nhân chứng thầm lặng kể lại bản anh hùng ca của một thời không thể nào quên.

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.