"Vua thép" Andrew Carnegie: Trước khi có thành công, ai cũng cần làm 3 việc này
Vua thép Andrew Carnegie là đối thủ “sừng sỏ” một thời của ông trùm dầu mỏ Rockefeller, nhiều lần kéo chính Rockefeller khỏi ngôi vị người giàu nhất thế giới.
Andrew Carnegie xuất thân từ một gia đình nghèo khó, đi làm công nhân từ năm 13 tuổi, dựa vào chính hiểu biết thực tế để thành công xây dựng đế chế thép lớn nhất thế giới. Tỷ phú người Mỹ là tấm gương hoàn hảo nhất về cách vượt lên số phận để “đổi đời”.
Trong cuốn tự truyện của mình, Carnegie từng tiết lộ 3 nguyên tắc để tạo nên bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, tạo đà thành công trong tương lai của một người.
Đặt mục tiêu rõ ràng trong mọi việc
Nhà văn nổi tiếng Neville Goddard, tác giả cuốn sách “Luật hấp dẫn” từng nói "Những mong muốn rõ ràng là hạt giống cho quyền lực và kế hoạch thể hiện bản thân”. Để đạt được thành tựu trong cuộc sống, bạn phải đặt ra một mục tiêu cụ thể và rõ ràng, không phải là mong muốn mơ hồ như "trở nên giàu có" hoặc "trở nên thành công".
Khi còn nhỏ, Carnegie từng nói sẽ kiếm được nhiều tiền như cha mình. 15 tuổi ông hứa sẽ mua cho cha mẹ một chiếc xe ngựa thật đẹp. 20 tuổi Carnegie nói sẽ thành lập một công ty và đưa gia đình sống tại một căn nhà lớn. 40 tuổi, “vua thép” tuyên bố sẽ giúp đỡ người nghèo khổ trong xã hội.
Lần nào những câu nói mang đầy tham vọng của Carnegie cũng bị coi là điên rồ. Nhưng trên thực tế, cậu bé 13 tuổi đã nhận được mức lương giống như cha mình. Năm 29 tuổi, ông bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình với công ty thép. Đến đầu thế kỷ 20, doanh nghiệp này trở thành công ty thép lớn nhất thế giới, với hơn 20.000 nhân viên và sản lượng của nó vượt xa sản lượng thép quốc gia của Vương quốc Anh, doanh thu hàng năm cao tới 40 triệu USD.
Có những mục tiêu rõ ràng và cụ thể được thiết lập trong từng giai đoạn, Carnegie đã đạt được thành công rực rỡ, từ một cậu bé nghèo trở thành ông trùm thép giàu có.
Victor Hugo từng nói: “Chỉ cần bạn dám nghĩ và dám làm, cuộc sống sẽ mang đến cho bạn những điều mà bạn vẫn kỳ vọng”. Nói cách khác, chỉ cần đặt ra mục tiêu, không ngại “chiến đấu” hết mình, bạn có thể đạt được kết quả trên cả mong đợi.
Luôn phải học hỏi kiến thức mới
Carnegie từng làm công việc đưa tin trong 3 năm. Khi đó ông biết rằng nếu tiếp tục như vậy mình mãi chỉ là người đưa tin, tương lai sẽ bị hạn chế. Vậy nên bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, Carnegie sẽ trò chuyện với nhân viên điện báo hoặc nghỉ ngơi gần máy điện báo.
Nhìn qua ai cũng tưởng Carnegie chỉ vô tình lang thang nhưng thực tế, ông âm thầm học hỏi và nắm vững công nghệ gửi điện báo. Điều này đã giúp ông có lợi thế là người đưa tin duy nhất có thể gửi và nhận điện tin. Khi điện tín viên đi vắng, Carnegie sẽ được bưu điện phân công thay thế.
Dần dần mọi người coi ông là một điện tín viên - vị trí cao hơn người đưa tin trong bưu điện. Ngay sau đó, khi có vị trí tuyển dụng nhân viên điện báo trong một chi nhánh, bưu điện đã chuyển Carnegie đến đó, nhờ vậy mà lương của ông tăng gấp đôi, sự nghiệp rộng mở.
Đôi khi học thêm một lĩnh vực mới có thể là khởi đầu cho một bước đột phá trong cuộc đời bạn, đặc biệt là khi bạn muốn “nhảy việc”, làm ngành nghề mới. Carnegie luôn cho rằng kiến thức hữu ích ở khắp mọi nơi, hoạt động theo cách này hoặc cách khác.
Sau khi thành lập nhà máy thép, Carnegie định cư ở New York, gặp gỡ nhiều nhà đầu cơ ở phố Wall. Mặc dù làm công nghiệp nhưng những kiến thức về giao dịch chứng khoán ông đều nắm được nhờ công việc điện báo năm nào.
Tạo lợi thế khác biệt
Bước ngoặt thứ 2 trong cuộc đời Carnegie đến từ việc tạo ra một lợi thế khiến mình khác biệt. Nhân viên điện báo là một công việc rất nhàn rỗi, ngoài việc gửi và nhận tin nhắn, những lúc khác hầu như không có việc gì làm. Nhiều nhân viên điện báo chọn giết thời gian bằng cách tán gẫu và đọc báo. Thế nhưng Carnegie lại dành thời gian rảnh rỗi của mình để nghiên cứu sâu về điện báo. Nhờ vậy ông phát triển được một kỹ năng đặc biệt: chỉ nghe âm thanh từ máy điện báo là sẽ biết mình nhận thông tin gì.
Ông trùm đường sắt Thomas Scott, một trong các quan chức hàng đầu của ngành đường sắt, có giao dịch kinh doanh với bưu điện nên thường xuyên ghé đến chỗ làm của Carnegie. Vị này nhìn thấy khả năng độc nhất vô nhị của Carnegie nên đã mời ông vào công ty đường sắt làm nhân viên điện báo và trợ lý với mức lương cao hơn.
Đây là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời của Carnegie, không chỉ ở khía cạnh thu nhập mà còn là cơ hội để ông tiếp xúc với những điều mới mẻ, tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về công nghiệp đường sắt và kinh doanh nói chung và là nền tảng cho sự phát triển sau này của Carnegie.
Bất kể ở nơi làm việc hay trong lĩnh vực kinh doanh, bạn đều sẽ cảm nhận được sự cạnh tranh khốc liệt. Vậy nên điều cần làm là đào sâu hơn vào công việc hoặc sở thích hiện tại, nâng cao tính chuyên nghiệp để hình thành những lợi thế độc đáo riêng.
Xem thêm: Tỷ phú Rockefeller dặn dò con sâu cay: Muốn làm giàu, phải "chịu khổ" làm 2 điều ai cũng ghét!
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận