2 cuộc gặp gỡ xúc động của Bác Hồ với người thân: Tiếng “anh Cả” đầu tiên sau 37 năm xa cách biền biệt
Cuộc gặp gỡ đầy xúc động của Bác Hồ với người chị ruột Nguyễn Thị Thanh và anh ruột Nguyễn Sinh Khiêm diễn ra trong bối cảnh chính quyền cách mạng vừa thành lập, đang đứng trước tình thế vô cùng cam go của nạn thù trong, giặc ngoài
Giọt nước mắt của Bác Hồ trong giây phút gặp chị gái
Theo Báo Nghệ An, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà Nguyễn Thị Thanh (chị ruột Bác Hồ) sau thời gian hoạt động cách mạng ở nhiều nơi đã chuyển về xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Thời điểm này, bà ngoài 60 tuổi. Tại đây bà được Đảng và chính quyền chăm sóc chu đáo.
Khi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc (em trai mình), cuối năm 1946, bà đã ra Hà Nội để thăm Người. Đồng chí Hồ Chí Quang chính là người chứng kiến cuộc gặp gỡ đầy cảm động giữa Bác Hồ và chị gái. Sau này, câu chuyện được ghi chép trong hồi ký "Bác Hồ gặp chị và người anh ruột".
Trong hồi ký có viết: Hôm ấy, vào lúc 11h30’ ngày 27/10/1946 vừa nhìn thấy Bác, bà Thanh vừa gọi, vừa chạy lại ôm lấy Bác: “Cậu, cậu, cậu khoẻ không?” và Bác khóc, nước mắt Bác thấm vào cánh tay áo của bà, mắt Bác chớp chớp, Bác lấy khăn lau mắt mình và nói: “Chị khoẻ không? Em biết chị chờ lâu, nhưng vì em đang bận tiếp các đồng chí Nam Bộ ra, chưa thể dứt việc được”.
Sau phút giây cảm động ấy, Bác và bà Thanh đi lại phía bàn. Bác kéo ghế mời bà Thanh ngồi, bà Thanh hỏi Bác: “Cậu đi lâu thế có nhớ quê hương không? Còn nhớ chị ngồi ru võng cho cậu ngủ, chị hát ru bài non nước không? Thuở đó, gia đình ta khá vất vả”.
Nói đến đây, bà Thanh lại khóc khiến nét mặt Bác bùi ngùi cảm động. Bác lấy khăn chấm chấm đôi mắt mình, vừa hút thuốc, vừa nhìn ra cửa sổ, Bác nói: "Chị ơi, quê hương nghĩa nặng ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình, những chiến sĩ cách mạng chân chính đều là những người con chí hiếu. Chị ơi, ở nước ngoài, có đôi khi đêm khuya thanh vắng, bỗng chốc nghe một lời ru con của người mình, thì lòng dạ mình lại càng thêm nhớ đất nước, quê hương, bà con”.
Bác hỏi đến làng Kim Liên, làng Hoàng Trù (quê nội và quê ngoại của Bác), người ông nội anh Nguyễn Sinh Thọ (cháu gọi Bác Hồ bằng ông), một số cụ ở quê nhà. Lúc này bà Thanh và anh Thọ lần lượt trả lời. Sau khi nói chuyện với chị gái và anh Thọ, bác quay sang để tay lên vai tôi và hỏi: “Thế còn cháu quê ở làng nào?”. Tôi trả lời: “Thưa ông, cháu quê ở làng Thọ Toán cuối huyện Nam Đàn”.
Nói đến đây, tôi sợ Bác không biết làng tôi, tôi thưa tiếp: “Thưa ông, làng cháu ở gần làng Phổ Đông, Phổ Tứ, làng Nam Kim, gần sông Lam, gần cầu sắt Yên Xuân”. Bác nói: “Ờ, ờ, ông nhớ rồi, vùng đó có bãi giữa khá to của sông Lam, có lần ông đã đi đò dọc qua đó để đưa thư cho các cụ hoạt động chống đế quốc Pháp”. Rồi Bác hỏi cha mẹ tôi, hỏi tôi gặp và quen bác Hồ Tùng Mậu từ bao giờ? Tôi lần lượt trả lời Bác Hồ. Bác nói: “Tuy xa quê lâu, nhưng ông vẫn nhớ hàng dâm bụt, dãy chè xanh, đến tương, món cá khô, đến hát dặm Nghệ - Tĩnh”. Bác hỏi chúng tôi có hay đi hát phường vải không? Và Bác mỉm cười.
Bà Thanh sực nhớ và nói: “Chị biếu cậu một chai tương Nam Đàn và hai con gà”. Vừa nói, bà vừa chỉ vào góc tường chỗ để chai tương và hai con gà. Bác vui vẻ đáp: “Cảm ơn chị và hai cháu, tương thì để thỉnh thoảng mời cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) cùng ăn cho vui, gà để nuôi cho nó đẻ trứng”.
Bà Thanh thân mật hỏi Bác: Khi nào cậu về thăm quê được?. Bác nhìn ra ngoài cửa sổ, một lát sau, Bác trả lời: “Em cũng muốn về thăm quê, nhưng chắc chắn còn lâu, vì việc nước còn nặng nề lắm”. Hai chị em đôi mắt ngấn lệ.
Sau lần gặp gỡ đó, bà Thanh trở về sống ở làng Kim Liên. Cuộc đời bà Thanh là tấm gương về lòng yêu nước thương dân, thông minh hiếu học và chí công vô tư. Bà đã hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng và bà xứng đáng là người chị cả đáng kính của Bác Hồ
Tiếng "anh Cả" đầu tiên sau 37 năm trời xa cách biền biệt
Sự kiện Chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp người anh ruột Nguyễn Sinh Khiêm ở Hà Nội đã từng được đề cập trên Báo Công an nhân dân (năm 2000 và 2009). Nhưng Sống Đẹp xin chia sẻ lại để bạn độc có cơ hội tìm hiểu về Bác Hồ và những cuộc gặp gỡ đầy xúc động với người thân.
Nhà văn Sơn Tùng là người có duyên và may mắn được trò chuyện thân tình với 2 người ruột thịt của Bác Hồ là bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm. Nhà văn đã kể lại về cuộc gặp gỡ của Bác Hồ với người anh Nguyễn Sinh Khiêm ở Hà Nội.
Anh cả Nguyễn Sinh Khiêm sinh năm 1888, từng bị thực dân Pháp theo dõi sát sao, bị bắt giam nhiều lần. Ngày 16/8/1941, Nguyễn Sinh Khiêm mới được ra khỏi nhà tù của Pháp ở Vinh. Ra khỏi tù đế quốc Pháp ít lâu, ông Nguyễn Sinh Khiêm cùng thầy học là Hồ Phi Huyền - nhà huyền học đi khắp quê Nam Đàn, tìm kiếm nơi có phong cảnh đẹp, cuối cùng bác tìm được một vị trí rất đắc địa ở Động Tranh, núi Đại Huệ thuộc địa phận xã Nam Giang, huyện Nam Đàn để đưa hài cốt người mẹ kính yêu Hoàng Thị Loan cát táng ở đó.
Trong những ngày hừng hực không khí cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Nam Đàn, đầu đội mũ calô, vai khoác súng gỗ, bác Nguyễn Sinh Khiêm đã hăng hái cùng với nhân dân địa phương đi diễu hành biểu dương lực lượng cách mạng.
Năm 1946, vài ngày sau khi bà Nguyễn Thị Thanh ở Hà Nội về thì ông Nguyễn Sinh Khiêm lên đường từ Nghệ An ra Hà Nội. Lúc đầu ông đi bộ từ huyện Nam Đàn ra ga Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) quãng đường ước chừng 70km. Lúc đó oonhg lấy vé ga Cầu Giát, nhiều bà con ở đây đã chạy đến vây kín lấy ông, ai cũng khẳng định ông là Chủ tịch Hồ Chí Minh "cải trang vi hành".
Nhà báo, nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Bằng (Viện Mác - Lê nin đã về hưu) lúc bấy giờ là cán bộ huyện Quỳnh Lưu cũng tưởng là Bác Hồ, xúc động nhìn Người. Bởi trông ông Sinh Khiêm giống hệt Bác Hồ. Lúc ấy, ông Khiêm vui vẻ cải chính với bà con, khẳng định mình là dân thường.
Đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội), ông Nguyễn Sinh Khiêm vừa bước ra khỏi cổng ga thì đồng bào ở đây lại ùa ra vây kín. Bà con Hà Nội cứ khăng khăng ông là Bác Hồ "cải trang vi hành" xem xét tình hình.
Lúc ấy, ông Khiêm lại vui vẻ giải thích mình chỉ là người dân xứ Nghệ ra thăm Thủ đô, không phải Bác Hồ. Nhưng bà con không tin, may lúc ấy có một số chiến sĩ Công an phát hiện liền gọi điện về báo cáo lãnh đạo Nha Công an Trung ương. Nội dung nêu rõ: "Có một cụ già nói giọng Nghệ Tĩnh, có râu, khuôn mặt rất giống Bác Hồ, nhân dân tin là Bác Hồ nên vây kín chưa đi được. Nhiều khả năng đây là người anh ruột của Bác".
Lúc đó, đồng chí Lê Giản - Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương nghe báo cáo, chột dạ liền cử ngay cán bộ đưa xe ra ga Hàng Cỏ đón người khách. Khi được hỏi: "Thưa Cụ, có phải Cụ là anh trai Bác Hồ thì mời cụ lên xe chúng cháu đón về", bất đắc dĩ có lẽ vì cần thoát khỏi đám đông nên cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã lên xe về Nha Công an Trung ương.
Sau đó, đồng chí Lê Giản báo cáo với Bi thư của Bác Hồ lúc ấy là ông Vũ Đình Huỳnh nhờ ông báo cáo với Bác chuyện ông Nguyễn Sinh Khiêm ra thăm. Đồng chí Lê Giản biết chắc đây là anh ruột Bác Hồ nên mạnh dạn thưa: "Thưa bác, bác ra thăm Hồ Chủ tịch mà không thông báo trước để chúng cháu cho xe đón đỡ vất vả".
Vừa nghe xong, ông Sinh Khiêm trả lời: "Ông làm chức trách Nhà nước mà ăn nói buồn cười. Lẽ đời thì em thăm anh, chứ anh nào thấy em làm to lại ra thăm. Tôi ra đây là thăm Thủ đô nước Việt Nam mới xem thế nào, chứ không phải thăm em làm Chủ tịch nước".
Nghe vậy, đồng chí Lê Giản khẩn khoản xin lỗi ông Khiêm.
Khi nghe chuyện anh trai ra Hà Nội, Bác Hồ lặng đi, xúc động. Nhớ lần trước, lúc Bác Hồ đang chủ trì cuộc họp quan trọng bàn chuyện cấp gạo cho quân Tàu Tưởng, khi nghe thư ký nói bà Nguyễn Thị Thanh ra thăm, Bác Hồ bàng hoàng cả người, hai tay bám chặt vào bàn để kìm nén nỗi xúc động quá đỗi lớn; nhiều người lúc ấy thấy mắt Bác Hồ rớm lệ...
Gần 40 xa quê vì việc nước, Bác Hồ mới gặp lại người chị ruột và hôm nay lại được gặp lại anh trai. Nhưng tình hình năm 1946 rất phức tạp, nhất là về mặt trị an, an ninh. Có nhiều hôm Bác phải bí mặt rời chỗ ngủ để tránh bọn Quân dân đảng manh động. Nghe Bí thư Vũ Đình Huynh báo cáo, Bác Hồ căn dặn đại ý:
"Nhờ chú Huỳnh lo tiếp anh tôi - Anh tôi ở tù ra, cũng thích uống rượu. Nhờ kiếm cho anh tôi một ít rượu trắng, loại ngon; một ít sách báo để anh tôi đọc. Cảm thông với anh là tối nay tôi sẽ đến...".
Đầu năm 1946, trời mưa, Bác Hồ hóa trang mặc áo the, đội ô cùng đi bộ với 2 người là Bí thư Vũ Đình Huỳnh và người Thư ký Vũ Kỳ. Sau khi vào phòng làm việc của đồng chí Lê Giản ở phố Trần Hưng Đạo có cửa ra vào phía phố Dã Tượng, Bác Hồ cởi áo the ra.
Đồng chí Lê Giản mở cửa phòng riêng. Vừa thấy anh trai, Bác Hồ chạy đến ôm lấy rồi khẽ kêu lên: :Anh Cả!". Tiếng gọi tên anh Cả đầu tiên sau 37 năm trời xa cách biền biệt. Bác Nguyễn Sinh Khiêm cũng ôm lấy Bác Hồ rồi nghẹn ngào thốt lên: "Chú râu đã dài thế này à?". Rồi hai anh em ôm nhau khóc. Người thư ký nhẹ nhàng khép cửa lại rồi nhè nhẹ lui ra...
Sau lần gặp ông Nguyễn Sinh Khiêm đó, Bác Hồ lại tiếp tục việc của đất nước và 11 năm sau (1957) mới về thăm quê lần đầu tiên. Còn ông Khiêm, sau lần gặp đó đã trở về quê nhà Kim Liên sống trong tình yêu thương của nhân dân, chính quyền địa phương. Ông Khiêm từ trần vào ngày 15/10/1959 tại làng Kim Liên, hưởng thọ 62 tuổi.
Sau khi nhận được tin, Bác Hồ đang bận công tác xa, không thể về được nên đã chuyển bức điện đến Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV nhờ chuyển cho làng Kim Liên, với nội dung: “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyện lượng cho một người đã hy sinh tình nhà vì phải lo cho việc nước”.
Xem thêm: Vì sao "ông Phật làm súng" Trần Đại Nghĩa bỏ lương 22 lạng vàng theo Bác Hồ về nước?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận