Vì sao "ông Phật làm súng" Trần Đại Nghĩa bỏ lương 22 lạng vàng theo Bác Hồ về nước?

Sau cuộc gặp Bác Hồ ở Pháp, người trí thức Trần Đại Nghĩa quyết định theo Bác về nước chiến đấu. Ông đã có những phát minh làm lay chuyển cục diện chiến trường.

Đỗ Thu Nga
11:34 23/07/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong cuốn “Trần Đại Nghĩa - Nhà bác học Việt Minh” (NXB Trẻ, 2015), tác giả Thành Đức - cựu chiến binh quân giới, thư ký giúp việc của giáo sư, thiếu tướng Trần Đại Nghĩa từ việc tìm hiểu các nguồn tư liệu khả tín và qua lời kể của chính nhân vật mà ông trực tiếp được nghe, đã phác họa lên chân dung một "đại tri thức", một nhà khoa học lớn, một vị tướng đã đem tài năng, tâm đức dâng hiến cho tổ quốc.

Với những phát minh làm lung lay cục diện chiến trường mà ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là "ông Phật làm súng". Người đời gọi Trần Đại Nghĩa là "ông vua vũ khí" của Việt Nam.

Và vào ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, Trần Đại Nghĩa có ghi vào cuốn sổ tay của mình một câu: “Đã hoàn thành nhiệm vụ!”. Lúc sinh thời ông từng nói: “Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”.

Và như thế, được phụng sự, đóng góp công sức cho dân tộc đã là lí tưởng mà  ông muốn cho cuộc đời mình.

vi-sao-tran-dai-nghia-bo-luong-22-luong-vang-theo-bac-ho-ve-nuoc-3
Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa

Người tri thức bỏ lương 22 lạng vàng theo Bác về nước chiến đấu

Trần Đại Nghĩa ((1913-1997) tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ở Chánh Hiệp, Tam Bình, Vĩnh Long. Cha ông là Phạm Văn Mùi làm nghề dạy học, mẹ là bà Lý Thị Diệu. Ông mồ côi cha năm 6 tuổi. Khi đó ông vẫn được đi học là nhờ sự tần tảo của mẹ và sự hy sinh của chị gái.

Chị gái ông mới 8 tuổi đã nghỉ học ở nhà cùng mẹ làm lụng nuôi em trai ăn học. Đến năm 1930 thi đỗ nhị cấp Pétrus Ký tại Sài Gòn. Vốn là đứa trẻ thông minh nên khi là học sinh trường Petrus Ký nổi tiếng Sài Gòn, cậu học trò Phạm Quang Lễ luôn đứng đầu lớp. 

Vì học giỏi nên ngày đó chính quyền Pháp có ý đưa Lễ ra Hà Nội học làm quan. Song ông từ chối vì đó là công việc "bán nước, hại dân". Thay vì làm quan, ông tập chung vào học tập tri thức.

Từ khi còn trẻ, cậu học trò nghèo đã có quy nghĩa: Nước Việt Nam có truyền thống đánh giặc cả nghìn năm, lòng can đảm và lòng yêu nước đều không thiếu, nhưng người Việt Nam vẫn bị thực dân Pháp khuất phục là do không có vũ khí hiện đại như Pháp. Chính vì thế ông quyết định sang Pháp du học. 

vi-sao-tran-dai-nghia-bo-luong-22-luong-vang-theo-bac-ho-ve-nuoc-0
Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa - "ông Phật vũ khí" của Việt Nam

Năm 1933, ông đỗ thủ khoa Tú tài bản xứ, lẫn tú tài Tây. Nhờ sự giúp đỡ của nhà báo Vương Quang Ngưu, ông được trường Chasseloup Laubat cấp cho một năm học bổng sang Pháp theo học một lớp dự bị để thi vào đại học. Năm 1936, ông trở thành sinh viên Đại học quốc gia Paris và bước đầu mở ra cánh cửa con đường nghiên cứu vũ khí. 

Sau khi có tấm bằng kỹ sư, ông làm việc tại Pháp. Đến năm 1942, ông sang Đức làm trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí. Trong thời gian này, ông miệt mài đọc sách, nghiên cứu để đợi cơ hội về giúp nước.

Đến ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Hay tin, ông đã ra tận sân bay Le Bourget để chào đón Người.

Được bác sĩ Hoàng Xuân Mãn (em ruột của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn) - Chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp giới thiệu, ông được tiếp kiến Bác Hồ. Sau đó, nhiều lần ông được tháp tùng Bác đi thăm nói chuyện với Việt kiều. Những ngày ở gần Bác, ông cảm phục và quý mến vị lãnh tụ của dân tộc. Trí tuệ, sự uyên bác của Bác đã cho ông niềm tin để đi theo Người, thực hiện hoài bão đã ấp ủ bao năm. 

Trong một cuộc gặp gỡ kiều bào Việt ở Pháp, Bác đã lắng nghe nguyện vọng của Phạm Quang Lễ. Bác hỏi: "Chú về nước chế tạo vũ khí, cách mạng sẽ rất cần. Nhưng trong nước khổ lắm. Chú có chịu nổi không?". Phạm Quang lễ gật đầu liền và đáp: "Thưa Bác, cháu đã chờ đợi ngày này suốt 11 năm trời”. 

Trong những lần nói chuyện với bác, ông đã chia sẻ về những điều học được và 30.000 trang tài liệu về vũ khí ông thu thập được. Bác nói ông cần giữ kín để tránh phiền hà về sau.

vi-sao-tran-dai-nghia-bo-luong-22-luong-vang-theo-bac-ho-ve-nuoc-8
Cuối tháng 9/1946, Phạm Quang Lễ (đeo kính, đứng hàng sau cùng) cùng các trí thức Việt kiều theo Bác trở về Tổ quốc trên chiến hạm Dumont d’Urville (Ảnh tư liệu)

Hội nghị Fontainebleau không thành, sau khi ký bản Tạm ước với 14/9/1946 với Pháp, Bác đã cho gọi Phạm Quang Lễ: “Bác sắp về nước, chú chuẩn bị để vài ngày nữa chúng ta lên đường về nước. Chú sẵn sàng chưa?”. Ông sung sướng trả lời: “Thưa Bác, cháu đã sẵn sàng”.

Đến ngày 19/9/1946, ông về nước cùng Bác trên chiến hạm Dumont d’Urville từ cảng Toulon và mang theo 1 tấn tài liệu được đóng hòm dán nhãn “ngoại giao”.

Trong hồi ký Trở về Tổ quốc kính yêu, tác giả Thành Đức dẫn lại trong sách, ông đã chia sẻ những gửi gắm của mình với bạn bè ở Paris. Trước khi theo Bác trở về Tổ quốc, ông được hưởng mức lương của kỹ sư trưởng là 5.500 fance/tháng, tương đương với 22 lạng vàng.

Những phát minh làm lay chuyển cục diện chiến trường

Và cái tên Trần Đại Nghĩa mà Bác đặt cho ông năm đó đã trở thành cái tên đưa ông vào lịch sử ngành chế tạo vũ khí của Việt Nam. Hành trang trở về của ông là 1 tấn sách về vũ khí. Ông trở thành Cục trưởng đầu tiên của Cục quân giới với nhiệm vụ “lo vũ khí cho bộ đội”. 

Về Ứng Hòa, ông tiếp tục lo việc nghiên cứu chế tạo súng Bazooka. Từ những kiến thức đã thu thập được từ nước ngoài, ông cùng các đồng chí của mình đã chế thử thành công Bazooka (B60), sau đó ông hoàn chỉnh bản vẽ chi tiết và chuyển đến các xưởng quân giới ở Việt Bắc.

vi-sao-tran-dai-nghia-bo-luong-22-luong-vang-theo-bac-ho-ve-nuoc-7
Súng Bazooka Cục Quân giới Việt Nam sản xuất năm 1947, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Vào đầu tháng 3/1947, súng Bazooka đã lập chiến công đầu tiên. 10 quả đạn và 3 khẩu súng chuyển về Trung đoàn Thủ đô do tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy đã bắn cháy 2 xe tăng của thực dân Pháp tại chùa Trầm, Quốc Oai (Hà Tây cũ) khi chúng đánh chiếm thị xã Hà Đông. Đến tháng 4/1947, Bazooka đi vào sản xuất hàng loạt, gửi các chiến trường.

Ghi nhận cống hiến của Trần Đại Nghĩa, trong đợt phong tướng đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 117-SL ngày 25/1/1948, phong ông quân hàm thiếu tướng.

Sau Bazooka, Trần Đại Nghĩa đã cùng các kỹ sư cộng sự gần gũi như Lê Tâm, Nguyễn Trinh Tiếp tiếp tục nghiên cứu một loại vũ khí mạnh hơn, có khả năng tiêu diệt các boongke, lô cốt kiểu mới của địch. Súng đại bác SKZ 60 đã chế thử thành công. Đây là loại vũ khí công đồn nặng khoảng 26kg, có thể tháo rời mang vác, đầu đạn nặng khoảng 9kg, có thể xuyên thủng bê tông dày khoảng 60cm, khi bắn ở cự ly tối ưu. 

SKZ 60 được ứng dụng ngay trên chiến trường và lần đầu lập chiến công xuất sắc, phá tan boongke kiên cố của giặc Pháp trong chiến thắng ở Phố Ràng, chiến thắng Phố Lu trong chiến dịch Lê Hồng Phong cuối năm 1949.

Trong cuốn Chiến tranh Đông Dương, xuất bản tại Paris năm 1963, ký giả Lucien Bodart viết: "Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ 8kg mà người Việt chế tạo trong các hang núi ở Đông Dương. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được tháp canh của chúng tôi".

Bên cạnh việc chế tạo súng, Trần Đại Nghĩa còn chỉ đạo anh em Cục Quân giới chế tạo bom bay. Đầu năm 1948, sau gần 3 tháng nghiên cứu, bom bay của Việt Nam được ra đời. Đến đầu năm 1949, bộ đội ta bắn thử loại bom này. Khi bắn quả đạn bay qua sông Hồng rơi đúng trung tâm chỉ huy của Pháp ở Bắc Cổ. Tuy thiệt hại không lớn nhưng loại bom này đã làm quân địch hoang mang.

vi-sao-tran-dai-nghia-bo-luong-22-luong-vang-theo-bac-ho-ve-nuoc-6
SKZ 60 do do cán bộ, công nhân ngành Quân giới Việt Nam sản xuất

Trần Đại Nghĩa còn đứng dậy ở nhiều lớp đào tạo kỹ thuật vũ khí của cách mạng. Qua các bài giảng, ông trang bị cho anh em kiến thức cơ bản về vũ khí. Hầu hết học viên do ông đào tạo sau này đều là những cán bộ chủ chốt.

Sau 3 năm "lo vũ khí cho bộ đội", thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đưa ngành quân giới non trẻ của Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Những vũ khí Cục quân giới chế tạo ra đã góp phần không nhỏ vào các chiến thắng vang dội trên chiến trường, đặc biệt là chiến dịch biên giới 1950. Năm 1952 tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ nhất ông được vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang.

Sau chiến thắng Điện Biên phủ, Hiệp định Genève ký kết, Trần Đại Nghĩa được cử làm Thứ trưởng Bộ Công thương. Năm 1966, trước sự leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, ông được điều động trở lại phục vụ quân đội với cương vị là Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, chuyên trách về mặt kỹ thuật vũ khí quốc phòng. 

Trần Đại Nghĩa có rất nhiều đóng góp lớn trong việc tìm biện pháp kỹ thuật chống chiến tranh phá hoại, phá hệ thống thủy lôi của địch, chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho bộ đội đặc công, tìm phương án đánh B52, góp phần cải tiến SAM 2.

"Ông Tướng gàn"

Vai trò của ngành chế tạo vũ khí được Bác Hồ coi trọng, thể hiện qua những đặc quyền mà Bác dành cho Trần Đại Nghĩa. Ngày đó, bác thường dặn quân nhu: "Chú Nghĩa nghiện thuốc lá. Phải nhớ chuẩn bị đủ thuốc lá cho chú ấy hút để chú ấy còn nghiên cứu”. Và Trần Đại Nghĩa là 1 trong số rất ít người có thể gọi điện hay đến gặp Bác mà không cần thông qua bất cứ ai. Nhưng Trần Đại Nghĩa lại có cuộc sống giản dị, dúng như lời ông hứa với Bác khi trở về Việt Nam theo cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Khánh - phu nhân của ông Trần Đại Nghĩa, là người hiểu hơn ai hết về lối sống giản dị của ông. Cả hai gặp nhau ở chiến khu Việt Bắc khi ông đang là Cục trưởng Cục Quân giới, còn bà là y tá của Cục. 

Hồi ở Pháp ông thề không lấy vợ để cống hiến trọn vẹn cho cách mạng. Những cô gái Pháp xinh đẹp ngỏ ý ông đều từ chối khép. Nhưng khi ở chiến khu, gặp bà Khánh, ông đã từ bỏ ý định không lấy vợ.

Đám cưới của ông được tổ chức tại Việt Bắc. Trước hôm đám cưới, có người định viết thư báo với Bác để Bác cho ít quà làm đám cưới cho ông, ông gạt đi: “Bác còn bao nhiêu việc, đừng làm phiền Bác việc cỏn con”.

Ông vét trong túi còn 50 đồng, đi mua bao mắc cọp ở chợ thị xã về làm cỗ cưới. Anh các cục, các đơn vị đến ăn cưới, thấy thế bèn góp vài đồng để các anh nuôi mua đồ nấu cỗ cưới cho ông.

vi-sao-tran-dai-nghia-bo-luong-22-luong-vang-theo-bac-ho-ve-nuoc-5
Ông bà GS.VS Trần Đại Nghĩa cùng con cháu

Bà Nguyễn Thị Khánh kể, ngày chưa cưới ông, dù đã nghe kể về sự tài giỏi của ông và rất phục ông, nhưng bà vẫn nhận ra là ông rất “gàn”, ăn mặc lôi thôi, đầu tóc bù xù, trong đầu lúc nào cũng chỉ có vũ khí. Nhưng vì anh em vun vào, bà đã lấy ông – dù ông hơn bà tới 14 tuổi.

Sau đám cưới, bà Khánh chứng kiến hết cái "gàn" của chồng. Bà bảo, ông có thói xấu lớn là ở bẩn. Ông chẳng mấy khi tắm rửa, giặt giũ quần áo, đầu tóc cũng bù xù. Làm bất cứ việc gì mà để mất thời gian đọc tài liệu, nghiên cứu vũ khí, ông đều tiếc.

Kết quả của cuộc hôn nhân ở chiến khu là 4 người con. Cả 4 con đều do bà tự tay chăm sóc, nuôi nấng. Việc du nhất tồn tại  trong đầu ông là vũ khí và vũ khí. Có những lúc bà gọi ông ra ăn cơm, mà ông cứ ngồi im như phỗng vì đang mải mê đọc một tài liệu hay.

Sau kháng chiến chống Pháp về Hà Nội, ông bà được phân cho ở tại số nhà 56 Hàng Chuối, cùng với một gia đình khác. Cấp dưới đến nhà thấy chật chội nói với ông: “Sao thủ trưởng không lên tiếng? Thủ trưởng phải được ở một chỗ tốt hơn như thế này”. Ông gạt đi: “Thế này là tốt lắm rồi. Có người còn không có nhà mà ở”.

Từng là Cục trưởng Cục quân giới, là Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, rồi là Thứ trưởng Bộ Công thương, cùng với nhiều chức vụ khác, nhưng đến lúc về già, ông vẫn chẳng có gì.

Đến cuối những năm 1980, ông đưa cả gia đình vào nam sinh sống. Thanh phố cấp cho ông căn nhà nhỏ từ  thời trước 1975 trong con ngõ trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận. Năm này qua năm khác, những nhà cao tầng mọc lên xung quanh, lấn chiếm đất nhà ông, bà nhắc nhưng ông bảo "kệ người ta, họ thích lấn thì cứ cho họ lấn, mình vẫn còn nhà để ở".

Cũng có lúc bà than phiền với ông vì các nhà bên cạnh đều xây cao lên, nhà ông bà vẫn ở thấp, nên mỗi khi trời mưa, nước lại ngập nhà”, ông cũng tặc lưỡi: “Nhà ngập thì ta tát nước ra chứ sao, lại khô như thường”. Biết tính chồng nên diết rồi bà Khánh cũng không than phiền điều gì nữa. Bà âm thầm đi bên ông, hy sinh cho ông, vui vẻ ở cùng ông trong căn nhà cũ kỹ suốt mấy chục năm.

Ông là Thiếu tướng, là Giáo sư, Viện sĩ, là Anh hùng Lao động được phong danh hiệu đợt đầu tiên, cái đó ai cũng biết. Nhưng sau lưng ông, người vợ của ông đã phải vất vả, khổ cực như thế nào, thì không phải ai cũng biết.

Ngày ấy, nếu ở Pháp có lẽ ông đã sung sướng, giàu có rồi nhưng ông quyết định về Việt Nam, cống hiến cho Tổ quốc để hôm nay chúng ta có hòa bình, độc lập.

Xem thêm: Anh hùng LLVTND Kostas Saratidis - Nguyễn Văn Lập: Người lính da trắng mang "trái tim Việt Nam”

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận