Anh hùng LLVTND Kostas Saratidis - Nguyễn Văn Lập: Người lính da trắng mang "trái tim Việt Nam”
Vẫn còn nhớ mãi câu nói của anh bộ đội Nguyễn Văn Lập: "Tôi sống ở Hy Lạp nhưng tôi vẫn thấy mình là người Việt 80%, cách sống vẫn là người Việt Nam, nghĩ bằng tiếng Việt trước, tiếng Hy Lạp sau...".
Ngày 25/6 (theo giờ Hy Lạp, tối 25/6 giờ Việt Nam), người chiến sĩ Cộng sản, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập (công dân Hy Lạp) đã qua đời ở tuổi 94. Hàng triệu trái tim Việt Nam cảm thấy vô cùng tiếc thương trước sự ra đi của "anh bộ đội cụ Hồ".
Trên mạng xã hội, người thân của ông viết: "Hôm qua lúc 12h trưa 25/6/2021 người cha và ông cố kính yêu của chúng tôi, Kostas Sarantidis đã rời bỏ chúng tôi. Nhưng ông không rời bỏ tâm trí và trái tim chúng tôi. Ông để lại đầy yêu thương trong vòng tay của những người thân yêu.
Chúc anh hùng của chúng ta đi mạnh khỏe!".
Theo TTXVN, ông Kostas Sarantidis đã trút hơi thở cuối cùng bên người thân tại thủ đô Athens (Hy Lạp).
Người lính da trắng của Bộ đội Cụ Hồ
Ông Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lâp được xem là nhân chứng lịch sử, một người lính da trắng của Bộ đội Cụ Hồ. Ông cũng là người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam.
Ông Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập sinh năm 1927 trong 1 gia đình công nhân ở miền Bắc Hy Lạp. Năm 1943 (khi mới 16 tuổi), ông bị bắt đưa sang Đức phục vụ chế độ phát xít Hitler. Đến Nam Tư, ông trốn thoát, sống vật vờ trên những chuyến tàu ngược xuôi dọc biên giới Nam Tư - Hy Lạp.
Khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, khi mới 17 tuổi, Kostas Sarantidis bị bắt đi lao động khổ sai cho Đức vì buôn lậu thuốc lá. Sau đó sang Ý và kẹt lại ở đó vì Hy Lạp còn trong nội chiến. Để sinh tồn, ông đành ghi danh vào đội lính lê dương Pháp và được đưa lên tàu biển đến Sài Gòn với mục tiêu diệt phát xít Nhật.
Khi tàu cập bến Sài Gòn, đứng trên boong nhìn thành phố, ông thấy quang cảnh trái ngược. Nước sông Sài Gòn đầy rác, xác động vật. Trên mặt đất là hầm trú ẩn, những nhà kho đầy xe quân sự Mỹ. Vừa đến nơi, tiểu đoàn 3 lê dương của ông đã bị đưa lên tàu lửa ra miền Trung. Đến ga Thủ Đức, giữa ban ngày, 1 tên lính lê dương đã nổ súng bắn chết 1 ông già chỉ vì ông thấy lính tây, sợ quá bỏ chạy.
Những ngày tiếp theo, trên đường lên Đà Lạt, xuống Phan Rang, Phan Thiết, ông tận mắt chứng kiến cảnh giết người, cướp của, đốt nhà của lính lê dương. Ông kinh hãi vô cùng, nước mắt ràn rụa, tim đập loạn nhịp.
Máu trong tim ông sôi lên, ông quyết dứt khỏi quân xâm lực Pháp, đứng về phía người Việt Nam. Và khi đóng quân ở Bình Hòa, Mũi Né (Bình Thuận), Kostas làm quen với một cô gái xinh đẹp, "vợ" tên thiếu úy Pháp - cấp trên của anh. Sau này biết cô là điệp viên kháng chiến Mai Lê. Việc liên lạc bí mật, khôn khéo giữa anh với Mai Lê và người tù Việt Minh Lê Trung Bền do đơn vị anh canh giữ diễn ra đầy bí mật và ly kỳ.
Sau này ông đã thoát khỏi đội quân lê dương để ra vùng tự do Bình Thuận, rủ thêm 1 lính lê dương là Merinos cùng đi. Anh còn giải thoát cho Lê Trung Biền và 25 người tù khác. Ở vùng tự do, ông ra nhập hàng ngũ kháng chiến, lấy tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập, chính thức trở thành "anh Bộ đội Cụ Hồ".
Trong hồi ký "Tại sao tôi theo Việt Minh", Kostas giải thích: Tên Nguyễn Văn Lập là sự kết hợp của họ Nguyễn, theo Nguyễn Ái Quốc, Văn là văn hóa, Lập là lập nên, xây dựng, lập lại. Còn bạn ông - Santo Merinos cũng đổi tên thành Nguyễn Văn Vỹ (sau này hy sinh ở chiến trường Lào năm 1951).
Trong gần 10 năm tham gia quân ngũ, Kostas từng trải qua nhiều trận đánh quan trọng với quân đội Việt Nam. Cụ thể, ngày 13/4/1948, đơn vị ông chống càn tại Hương An - Bà Rén, tiêu diệt 200 quân đối phương.
Tháng 11/1948, ông là người đầu tiên bắn rơi máy bay của Pháp tại Quảng Nam. Ông cũng từng làm Tổng Giám thị Trại tù binh Âu Phi số 3 ở Quảng Ngãi. Tháng 6/1950, ông được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay tại Trung đoàn 803 ở Tuy Hòa, Phú Yên.
Sau hiệp nghị Giơ-ne-vơ 1954, tập kết ra miền Bắc, ông tham gia chống đối, chống địch cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, làm trung đội trưởng đội cung tiêu ở sân bay Gia Lập, làm lái xe tải ở các mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng, làm phiên dịch cho chuyên gia Cộng hòa dân chủ Đức ở nhà máy in Tiến Bộ. Nhiều lần ông được mời đóng các vai Pháp, Mỹ trong một số bộ phim của Việt Nam. Bất cứ nhiệm vụ nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc.
Cuộc sống chật vật ở nơi cố hương
Được biết, trong thời gian ở tại đơn vị, Kostas lập gia đình với bà Huỳnh Thị Sơn (quê huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) song không có con. Đến năm 1954, hòa bình lập lại, vợ chồng ông tập kết ra Bắc. Ông vẫn trong quân ngũ còn vợ vào phụ trách ở nông trường Thanh Hóa. Sau này vì một số lý do khách quan mà họ chia tay.
Năm 1956, ông phục viên, về làm cho xưởng phim và thỉnh thoảng được mời đóng vai người Pháp, Mỹ... Cũng trong thời gian này, ông kết hôn với một thiếu nữ Hà thành tên Đỗ Thị Chung.
Năm 1965, sau gần 20 năm sống ở Việt Nam, ông làm đơn xin hồi hương về Hy Lạp. Các con ông cũng đều được đặt tên bằng tên Việt Nam là: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Thuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và Nguyễn Tự Do. Các cháu cũng vậy: Nguyễn Phục Sinh, Nguyễn Hồ Minh… Hòm thư báo trước cổng nhà ông trên đường phố Rodos ở Athens vẫn ghi cả 2 cái tên Việt Nam và Hy Lạp: Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập.
Những năm đầu ở cố hương, gia đình ông gặp nhiều khó khăn, túng bấn. Không có quốc tịch Hy Lạp, vắng mặt quá lâu, không trải qua quân dịch nên ông không tìm được việc làm. Gia đình sống song căn buồng 10m2, ông phải đi xin chân gà, đầu gà người ta bỏ đi để an qua ngày.
Dần dà, ông được công nhận là công dân Hy Lạp. Bằng lái xe Việt Nam cấp được công nhận giá trị, ông xin làm tài xế xe tải kiếm ăn. Tuy cuộc sống vất vả nhưng cả 4 người con của ông đều học hành thành đạt.
Năm 1975, ở Hy Lạp ông nhận được tin Việt Nam đại thắng, đất nước thống nhất. Ông sung sướng vô cùng. Ông cất giữ những kỷ vật của Việt Nam như báu vật.
Chàng rể Tây nặng lòng với "quê hương thứ hai"
Sống ở Hy Lạp nhưng ông Nguyễn Văn Lập luôn hướng về Việt Nam. Ông gia nhập Đảng cộng sản Hy Lạp, làm nòng cốt lập Hội người Việt Nam ở Hy Lạp, vận động quyên góp tiền gửi sang Việt Nam ủng hộ nạn nhân bị chất độc da cam, người nghèo.
Sau khi hòa bình lập lại, cuộc sống của ông ổn định hơn, ông đã nhiều lần trở về Việt Nam thăm chiến trường xưa, thăm đồng đội. Vào năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm Quốc khánh, Chính phủ Việt Nam đã mời vợ chồng ông về dự và đưa đi thăm Điện Biên. Nhiều lần khác, ông trở về Việt Nam thăm Quảng Nam, Quảng Ngãi... Có lần ông tháp tùng Tổng thống Hy Lạp sang thăm Việt Nam. Ông được các nhà lãnh đạo Việt Nam: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Minh Triết... tiếp thân mật.
Ở Hy Lạp, ngoài thời gian bận rộn với công việc, ông Lập còn ấp ủ cho ra đời cuốn từ điển Hy Lạp - Việt Nam. Cuốn bản thảo viết tay khá dày dặn với vốn tiếng Việt phong phú đã được ông Lập chuyển ngữ, trong số đó có không ít từ vẫn còn dấu ấn phương ngữ Khu 5 - mảnh đất mà ông từng có nhiều năm gắn bó và coi như quê hương thứ hai của mình.
Nói về Việt Nam, ông Lập từng chia sẻ: “Năm mươi năm sống tại Hy Lạp nhưng tôi vẫn thấy mình là người Việt 80%, cách sống vẫn là người Việt Nam, nghĩ bằng tiếng Việt trước, tiếng Hy Lạp sau. Tôi còn có khả năng viết văn, viết hồi ký bằng tiếng Việt Nam. Trông mặt mũi tôi nhiều người cũng bảo tôi là người Việt Nam. Vì tôi đã ăn cơm Việt Nam, nước mắm Việt Nam... Tên tôi vẫn là Nguyễn Văn Lập, không có gì thay đổi. Cả đất nước Việt Nam này đều là bạn của tôi; những người lạ, gặp nói chuyện một tí cũng là bạn”.
Vào tháng 8/2011, Nhà xuất bản Quân đội phát hành cuốn sách “Chiến sĩ Quốc tế - Bộ đội Cụ Hồ: Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập”. Cuốn sách gồm 3 phần. Hai phần đầu là hai tập hồi ký “Tại sao tôi theo Việt Minh” và “Ở một trại tù binh Nam Việt Nam” của ông Kostas viết để tưởng nhớ lại những năm tháng chiến tranh tại Việt Nam, tưởng nhớ đến những người bạn, những con người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vừa để tôn vinh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta, ca ngợi sự khoan hồng, nhân đạo của quân đội ta đối với những tù binh bị bắt… Phần ba là "Câu chuyện nghĩa tình" cảm nhận của đồng đội, bạn bè ông sau bao năm xa cách.
Sau khi xuất bản, ông tự mình đi vận động Việt kiều, người thân và bạn bè ở Hy Lạp mua sách, rồi dành toàn bộ tiền đó quyên góp cho trẻ em chất độc da cam cũng như hỗ trợ một số cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong ở Đà Nẵng.
Với những đóng góp cho quê hương Việt Nam, Nhà nước ta đã tặng ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị. Ngày 9/11/2010, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết quyết định công nhận là công dân Việt Nam, điều mà ông mong đợi trong nhiều năm. Tháng 5 năm nay 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định số 934-QĐ/CTN tặng ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Lễ trao tặng sẽ được tổ chức trọng thể tại Bộ Quốc phòng Việt Nam vào cuối tháng 8/2013.
Sự ra đi của ông Nguyễn Văn Lập để lại nhiều thương tiếc cho đồng bào. Với người dân Việt Nam, ông mãi mãi là "anh lính Bộ đội Cụ Hồ" xuất sắc nhất!
Xem thêm: 12 tướng lĩnh tài danh của Pháp và Mỹ đại bại dưới tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận