10 điều thú vị về cuộc đời Lý Công Uẩn - vị hoàng đế khởi dựng nhà Lý
Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) cùng với triều đình nhà Lý làm rạng danh nước Việt, viết nên trang sử hào hùng trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Lý Công Uẩn (8/3/974 - 31/3/1028), tên thật là Lý Công Uẩn, vị hoàng đế sáng lập ra nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông cai trị đất nước từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1208.
Lý Công Uẩn xuất thân quan võ dưới triều đình nhà Tiền Lê. Năm 1009, nhân khi vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê là Lê Long Đĩnh qua đời, con trai còn nhỏ, Lý Công Uẩn được lực lượng Đào Cam Mộc và thiền sư Vạn Hạnh tôn làm hoàng đế.
Trong thời gian trị vì đất nước, ông dành nhiều thời gian và tâm sức để đánh dẹp các nơi phản loạn, vì cơ bản, Đại Cồ Việt vẫn chưa thu phục được lòng tin của các dân tộc vùng biên cương. Triều đình trung ương dần được củng cố, các thế lực phiên quân bị đánh tan, kinh đô dời từ Hoa Lư về thành Đại La vào tháng 7/1010 và thành này đổi tên thành Thăng Long, mở đầu cho sự phát triển hưng thịnh kéo dài 216 năm.
Bên cạnh đó, Lý Công Uẩn còn cho sửa sang chính trị, xây dựng quân đội, phát triển kinh tế, trọng đãi tăng sĩ... để đưa đất nước đi vào vòng ổn định, ngày càng phát triển. Lý Công Uẩn qua đời ngày 31/3/1028, hưởng thọ 54 tuổi.
Không chỉ là vị hoàng đế sáng lập nhà Lý, mở ra thời kỳ đất nước hưng thịnh hơn 200 năm, Lý Công Uẩn còn thu hút sự quan tâm của hậu thế bởi cuộc đời ẩn chứa rất nhiều điều thú vị. Cụ thể:
1. Vị vua có xuất thân mờ ảo nhất sử Việt
Theo các ghi chép của sử cũ, chỉ biết "mẹ ông là người họ Phạm, trong một lần đi chùa Tiêu Sơn thì giao hợp với thần rồi có mang..." chứ không biết cha ông là ai. Sau khi đăng cơ, ông truy phong cha mình là Hiển Khánh Vương.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng: Lý Thái Tổ có một người anh trai (sau phong làm Vũ Uy Vương) và một người em trai (sau phong là Dực Thánh Vương) chứ không hề nhắc đến tên cha.
2. Điềm báo kỳ lạ về việc đăng cơ
Vua Lý Công Uẩn có điềm báo lạ kỳ về việc đăng cơ làm vua với 2 việc. Đầu tiên là sự việc trước viện Cảm Tuyển, chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đốm lông đen thành hình hai chữ "thiên tử". Kẻ thức giả nói đó là điềm năm Tuất sinh thiên tử. Điều này ứng với năm sinh của Lý Công Uẩn là năm Giáp Tuất (974).
Điềm báo thứ hai là trong một lần trời giông, cây gạo cổ thụ ở làng Cổ Pháp bị sét đánh tước vỏ bên ngoài, lộ ra mấy câu thơ:
"Thụ căn điểu điểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
Chấn cung kiến nhật
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình".
Bài thơ này có nội dung tiên đoán việc nhà Lý nối nghiệp nhà Tiền Lê cũng như tên các triều đại phong kiến kế tiếp trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX.
3. Lý Công Uẩn là con rể vua Lê Đại Hành
Theo chính sử, sau khi đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược Đại Cồ Việt của nhà Tống, đầu năm Nhâm Ngọc (982), vua Lê Đại Hành đã lập Thái hậu Dương Vân Nga của triều Đinh làm một trong năm Hoàng hậu của ông và phong cho bà làm Đại Thắng Minh hoàng hậu.
Chính sử không nói vua Lê Đại Hành và Dương Vân Nga có với nhau bao nhiêu người con. Nhưng theo thần tích ở cố đô Hoa Lưa thì 2 người có 1 cô con gái tên là Lê Thị Phất Ngân.
Khi công chúa trưởng thành, vua Lê Đại Hành đem gả cho Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn. Năm 1000, công chúa Phất Ngân sinh cho Lý Công Uẩn 1 người con trai, đặt tên là Lý Phật Mã (có tên khác là Lý Đức Chính) tức Lý Thái Tông sau này.
4. Lý Thái Tổ là vị vua cao tuổi nhất khi ở ngôi
Có thể bạn không biết, trong 9 đời vua triều Lý thì Lý Công Uẩn là vị vua cao tuổi nhất khi lên ngôi. Ông sinh năm 974, đăng cơ năm 1010, lúc đó mới 36 tuổi.
5. Vị vua có tôn hiệu ban đầu dài nhất lịch sử
Lý Công Uẩn là vị vua có tôn hiệu ban đầu dài nhất lịch sử Việt Nam (52 chữ). Tôn hiệu là tên vua được triều đình đặt trong những ngày đặc biệt như lên ngôi, ngày thượng thọ ngũ tuần, lục tuần, ngày thắng trận trở về... Trong những dịp này, đình thần tổ chức buổi lễ mừng thọ, đồng thời dâng lên vua một tôn hiệu để ca ngợi.
Và Lý Thái Tổ có tôn hiệu ban đầu là: Phụng Thiên Chí Lý Ứng Vận Tự Tại Thánh Minh Long Hiện Duệ Văn Anh Vũ Sùng Nhân Quảng Hiếu Thiên Hạ Thái Bình Khâm Minh Quảng Trạch Chương Minh Vạn Bang Hiển Ứng Phù Cảm Uy Chấn Phiên Man Duệ Mưu Thần Trợ Thánh Trị Tắc Thiên Đạo Chính Hoàng Đế.
6. Vị vua lập nhiều Hoàng hậu nhất lịch sử Việt Nam
Lý Công Uẩn là vị hoàng đế lập nhiều Hoàng hậu nhất lịch sử Việt Nam. Khi mới đăng cơ vua lập 6 Hoàng hậu. Năm 1016, thêm 3 Hoàng hậu nữa. Tổng cộng là 9 Hoàng hậu.
Trong số 9 hoàng hậu của Lý Thái Tổ có một số được sử cũ ghi danh hiệu như: Giáo hoàng hậu (tức công chúa Phất Ngân), Tá Quốc hoàng hậu, Lập Nguyên hoàng hậu, còn lại đều không rõ tên họ.
7. Vị vua đầu tiên đích thân xử lý kiện cáo trong nước
Lý Công Uẩn là vị vua đầu tiên xuống chiếu sẽ đích thân xử lý kiện cáo trong nước "Từ nay ai có chuyện thưa kiện nhau thì cho đến triều tâu bày, vua sẽ giải quyết" (Theo Đại Việt sử ký toàn thư).
8. Vị vua đầu tiên chú ý đến tăng cường đoàn kết dân tộc và biên cương tổ quốc
Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên chú ý đến việc tăng cường tình đoàn kết dân tộc và biên cương tổ quốc, thể hiện qua việc ông phong tước và gả công chúa cho tù trưởng dân tộc ở miền núi. Lý Thái Tổ dùng quan hệ hôn nhân để ràng buộc tầng lớp thống trị miền núi, lôi kéo các châu mục, tù trưởng có thế lực.
9. Vị vua đầu tiên miễn thuế cho dân
Lý Công Uẩn cũng là vị hoàng đế đầu tiên miễn thuế cho dân trong một thời gian nhất định "Tháng 12 năm Canh Tuất (1010) đại xá các thuế má trong thiên hạ trong vòng 3 năm ..." (Theo Đại Việt sử ký toàn thư). Đây chính là một trong những biện pháp nhằm khuyến khích và phục hồi sản xuất nông nghiệp của vua Lý Thái Tổ.
10. Vị vua đầu tiên quan tâm đến việc dạy dỗ, chuẩn bị người kế vị
Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên quan tâm đến việc dạy dỗ, chuẩn bị người kế vị. Sau khi lên ngôi, ông đã lập Phật Mã làm Đông Cung Thái tử, cử các văn thần đến dạy Thái tử học.
Ngoài ra, để rèn luyện thêm phẩm cách và năng lực cho người kế vị, năm Nhâm Tý (1012), Lý Thái Tổ hạ lệnh cho xây dựng cung Long Đức ở bên ngoài Hoàng thành và cho Thái tử ra đó ở, nhằm mục đích để Thái tử sống gần thần dân trăm họ, tự mình quan sát, tìm hiểu và thấu hiểu mọi việc trong cuộc sống hằng ngày của người dân.
Đại Việt sử lược có chép rằng: "Xây cung Long Đức ở ngoài thành cho Thái tử ở để biết hết việc dân" và trong sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép tương tự: "Sắc phong Hoàng Thái tử Phật Mã làm Khai Thiên Vương, làm cung Long Đức ở ngoài thành cho ở, ý muốn Thái tử hiểu biết mọi việc của dân". Đó chính là cách mà Lý Thái Tổ muốn Thái tử, người sau này sẽ kế vị hiểu được cuộc sống đa dạng của người dân, gần gũi nhân dân để rồi đưa ra những chính sách đúng đắn khi trị vì đất nước.
Xem thêm: Giai thoại ly kỳ về "mệnh đế vương" của vua Lý Thái Tổ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận