Tư duy "đóa hoa nở muộn": Đừng bỏ cuộc sớm, không bao giờ là quá già để đạt được thành công!
Có một loại tư duy là "đóa hoa nở muộn" - late bloomer, có nghĩa là chẳng bao giờ là quá muộn để đi tìm thành công cho mình.
Chẳng bao giờ là quá muộn để đi tìm thành công cho mình. Thành công là một thứ gì đó mang tính tương đối và cá nhân. Nó không có định nghĩa toàn cầu, mà là do mỗi người tự quyết định. Đó chính là tư duy "Late Bloomer" - Đóa hoa nở muộn. Tư duy này có nghĩa là, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được thành công ở giai đoạn muộn của cuộc đời, vì vậy đừng bao giờ bỏ cuộc quá sớm!
Tại sao thế giới vẫn luôn nói với chúng ta điều này? Tại sao mọi người cứ chạy theo sự công nhận từ người khác? Mục đích đáng giá nhất trong đời này là trở thành chính bạn, dù điều này có ý nghĩa thế nào với bạn, bất chấp cả tuổi tác. Thành công sớm chưa chắc đã là thành công lâu dài. Chúng ta đều thành công nhất định trong một thời điểm nào đó.
Phải tới 50 tuổi Charles Darwin mới xuất bản cuốn sách “Nguồn gốc các loài” - tác phẩm đã tạo nên cuộc cách mạng định hình chủ đề tiến hóa mãi mãi.
George R. R. Martin đã 48 tuổi khi tiểu thuyết Game of Thrones được xuất bản. Khi nó được chuyển thể thành series phim trên kênh HBO, ông đã 63 tuổi.
Có thể bạn chưa từng nghe về Vera Wang. Bà từng là vận động viên trượt băng nghệ thuật và nhà báo trước khi gia nhập làng thời trang vào năm 40 tuổi. Giờ đây, bà là một trong những nhà thiết kế váy cưới cao cấp trên thế giới.
Những tấm gương thành công trên đã giúp chúng ta nhận ra, chẳng bao giờ là quá muộn để theo đuổi giấc mơ và chẳng bao giờ là quá muộn để đi tìm thành công. Dưới đây là 4 kinh nghiệm quý báu mà chúng ta có thể học được từ những con người thành công muộn màng này.
Không bao giờ là quá muộn để chọn bản thân mình
Nếu từng đi máy bay, bạn chắc hẳn sẽ nghe thấy lời tiếp viên hàng không dặn: Trong tình huống khẩn cấp, bạn nên đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước khi giúp trẻ em và những hành khách khác.
Họ làm vậy là có lý do cả. Nếu không đeo mặt nạ cho mình trước, bạn sẽ chẳng đủ khả năng mà cứu người khác. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho cuộc sống thực.
Những người thành công - tác giả sách bán chạy, doanh nhân thành đạt, họa sĩ tài năng - đều chọn sống vì bản thân mình và theo đuổi những thứ giúp họ trở thành người tốt nhất.Khi chọn sống vì bản thân mình, bạn sẽ trở nên tự tin hơn, vững vàng theo đuổi mục tiêu cá nhân và làm những thứ khiến mình vui vẻ.Bạn dạy mọi người biết nên đối xử với bạn như thế nào, bằng cách cho họ thấy tầm quan trọng của những suy nghĩ, ý tưởng và cảm xúc của bạn. Suy cho cùng, bạn không thể hy vọng người ta coi trọng mình khi mà bạn còn chẳng coi trọng bản thân.
Những người thành công luôn lựa chọn chính mình.
Không bao giờ là quá muộn để học những điều mới mẻ
Không bao giờ là quá muộn để tiếp thu những bài học cuộc sống, hay lấy cho mình tấm bằng đại học.
40 tuổi mới bắt đầu học thạc sĩ thì sao? Thạc sĩ chỉ mất 2 năm để hoàn thành. Dù có chấp nhận thử thách này hay không, bạn cũng sẽ phải chạm ngưỡng 42 tuổi. Có vấn đề gì đâu nếu 52 tuổi bạn mới bắt đầu học điêu khắc hay mở quầy rượu đầu tiên ở tuổi 62?
Muốn thành công và hạnh phúc, bạn phải nắm bắt được cơ hội đang đến với mình, không phải cố nắm bắt chúng trong một độ tuổi nhất địnhHầu hết chúng ta đều dành cả tuổi trung niên để chăm sóc người khác. Khi con cái trưởng thành và ra ở riêng, đây chính là lúc để mọi người quan tâm đến chính bản thân mình.
Khi đã giúp những người khác sẵn sàng vươn tới thành công của họ, hãy chuẩn bị vững chắc cho hành trang vươn tới thành công của chính mình.Hãy cầm cây cọ lên, phủi bụi đang bám trên cây đàn piano, hoặc lên một kế hoạch kinh doanh mới. Dù giấc mơ của bạn là gì, hãy hoàn thành nó.
Chẳng bao giờ là quá muộn để đi vòng quanh thế giới, để trở thành một đầu bếp tài hoa, để tập nhảy dù, để theo đuổi hội họa, để viết một cuốn sách, để lấy bằng cao học, để tiết kiệm cho tuổi già, để theo đuổi một dự án tâm huyết…
Bạn không nên lấy tuổi tác ra làm lý do - vì bạn có đủ khả năng để học hỏi và thành công, kể cả khi bạn nghĩ điều này là không thể.James Altucher - tác giả cuốn sách “Choose Yourself” - gợi ý: “Hãy giả vờ như thể tất cả mọi người có mặt trên hành tinh này là để dạy bạn. Những người nổi tiếng, những người quá cố, hàng xóm, người thân, đồng nghiệp. Điều này sẽ giúp bạn trở thành một người khiêm nhường. Bạn sẽ học hỏi nhiều điều từ mọi người, bạn sẽ trân trọng họ hơn, và họ cũng sẽ trân trọng bạn hơn. Bởi ai cũng thích được chỉ dạy.”
Không bao giờ là quá muộn để đầu tư vào bản thân mình
“Chúng ta phải dám là bản thân mình, dù điều đó có đáng sợ hay lạ lùng đến thế nào đi nữa”, May Sarton - nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia người Mỹ - từng nói.
Sự trưởng thành bắt đầu từ khi bạn sinh ra và tiếp tục trong suốt cuộc đời bạn. Ngay cả khi cơ thể ngừng phát triển, tinh thần và cảm xúc vẫn tiếp tục thay đổi theo thời gian.
Sự phát triển về mặt nhận thức, sự trưởng thành từ những trải nghiệm, sự phát triển về cảm xúc theo thời gian đem lại cho chúng ta vô vàn lợi ích. Qua năm tháng, thành công trang bị cho chúng ta một cái nhìn lạc quan hơn về thế giới, tặng chúng ta nhiều thời gian hơn để hoàn thành những giấc mơ cá nhân. Nhờ đó, chúng ta cũng có thêm nhiều thời gian để nuôi dưỡng và chăm sóc cái tôi của mình.
Nỗ lực phát triển bản thân theo thời gian sẽ giúp bạn trưởng thành một cách dễ dàng hơn - nếu như bạn biết học hỏi từ sai lầm, chia sẻ trí tuệ với những người xung quanh, học cách sống một cuộc đời thoải mái.
“Thành công đến từ việc không ngừng trau dồi khả năng của mình trên mọi lĩnh vực - về óc sáng tạo, về mặt tài chính, về tinh thần và về thể chất. Hãy luôn tự hỏi bản thân: Mình cần cải thiện điều gì? Mình nên nói chuyện với ai? Mình nên nhìn vào điều gì?”, James Altucher - tác giả cuốn “Choose Yourself” hướng dẫn.Thành công tuổi trung niên sẽ giúp bạn học cách trân trọng lợi ích của việc sống thọ, hiểu được sức mạnh của trải nghiệm và gặt hái lợi ích của trí khôn.
Không bao giờ là quá muộn để đứng lên từ thất bại
Một thứ mà chẳng ai trong số chúng ta có thể thoát được ngay cả khi trưởng thành chính là phạm sai lầm - bởi đó là một phần cuộc sống. Trên thực tế, phạm sai lầm là cách để chúng ta học hỏi.
Bị bỏng vì chạm tay vào bếp nóng, chúng ta sẽ không bao giờ chạm vào nó nữa. Một sai lầm xảy ra nghĩa là một bài học được tiếp thu. Những người lớn tuổi đều hiểu rằng sai lầm là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng cũng đem lại giá trị thực tiễn.
Học hỏi từ chính sai lầm sẽ giúp bạn từ nạn nhân trở thành người chiến thắng, khắc phục thiếu sót để rút ra kinh nghiệm.
Đứng lên từ thất bại có nghĩa là học cách thích nghi với thay đổi, học cách kiên trì đối mặt với nghịch cảnh.
Những người thành công muộn màng có biết thêm một điều quan trọng nữa về sai lầm - họ biết cách dùng sai lầm để làm bàn đạp cho thành công.
Trí tuệ được trau dồi qua năm tháng chẳng thể đảm bảo rằng bạn sẽ không bao giờ gặp phạm sai lầm. Tuy nhiên, bạn sẽ học được cách biến trở ngại thành động lực, biến thảm họa thành chất xúc tác đưa bạn tới thành công.
Đừng bao cho rằng mình đã lãng phí 30 năm cuộc đời, mà hãy nghĩ rằng mình còn hàng chục năm đang chờ phía trước. Một trong những câu hỏi quan trọng nhất đời người là: Bạn dự định làm gì với nó?
Tuổi tác không quyết định thành công, mà chính ý chí và mong muốn tạo nên đột phá sẽ định hình nó.
Chẳng bao giờ là quá muộn để học hỏi, để phát triển, để sống vì bản thân và để đứng dậy từ thất bại. Đừng để tuổi tác cản trở bạn. Bạn định làm gì với những năm tháng quý giá đang chờ bạn ở trước mặt kia?
Tổng hợp
Xem thêm: Tư duy ranh giới: "Kim chỉ nam" dẫn lỗi bất kì người thành công nào cũng nắm chắc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận