Thạc sĩ Harvard bỏ việc lương cao, về Việt Nam khởi nghiệp với rác: Dám nghĩ dám làm hiếm thấy
Đang là thạc sĩ Harvard, có lương thu nhập cả ngàn đô một tháng, anh Huỳnh Hạnh Phúc lại bỏ việc, về Việt Nam khởi nghiệp.
Anh Huỳnh Hạnh Phúc sinh năm 1986, là một doanh nhân sở hữu profile đầy ấn tượng. Anh từng đạt học bổng toàn phần ĐH Harvard ngành Thạc sĩ Hành chính công; học bổng toàn phần ĐH Missouri ngành Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Trước khi khởi nghiệp, anh từng làm vị trí Strategic and Business Operation Manager tại Grab Singapore với mức lương 5.000 USD/tháng.
Có thể nói, cuộc sống của anh Phúc là ước mơ của nhiều người. Thế nhưng, khi đang thành công rực rỡ, 8x lại có một bước đi táo bạo. Tháng 10/2015, anh bỏ việc, về nước sáng lập dự án Teach for Vietnam (Giảng dạy vì Việt Nam). Sau đó anh trở thành một thành viên của mạng lưới giáo dục toàn cầu Teach for All vào tháng 4/2017.
Teach For Vietnam là tổ chức giáo dục phi lợi nhuân vì trẻ em vùng sâu vùng xa Việt Nam. Doanh nghiệp tuyển dụng bạn trẻ từ các chuyên ngành khác nhau, thông qua đào tạo nghiệp vụ sẽ tham gia giảng dạy bằng tiếng Anh ở hệ thống công lập.
Từ 2017 - 2019, dự án triển khai ở Tây Ninh, đồng hành 527 giáo viên, hỗ trợ 31964 học sinh. Qua kết quả giảng dạy và hướng dẫn, 71% lớp học có điểm số tiếng Anh tiến bộ; 90% Ban giám hiệu và 87% các giáo viên hài lòng về chương trình.
Sau khi Teach For Vietnam bắt đầu hoạt động ổn định, anh Huỳnh Hạnh Phúc lại có một hướng đi mới - CTCP Green Connect được thành lập từ đó. Đây là một doanh nghiệp đang cung cấp giải pháp xử lý rác, biến rác thành tài nguyên, khép kín vòng tuần hoàn từ "rác" quay trở lại bàn ăn.
Dự án bắt đầu từ tháng 3/2022, từ một cơ sở nhỏ ở quận 12, TP.HCM. Doanh nghiệp xử lý 200-300kg chất thải mỗi ngày bằng cách áp dụng phương pháp xử lý ấu trùng ruồi lính đen (BSFL). Ấu trùng ruồi lính đen đã được sử dụng nhiều nơi trên thế giới và hiện thay thế cho đạm cá, nó có đặc tính xử lý được rác rất nhanh trong 1 thời gian ngắn.
Bước tiếp theo, Green Connect bắt đầu triển khai ý tưởng sang nuôi gà ăn BSFL. Đến tháng 7/2022, dự án bàn bạc với Mondelez Kinh Đô với ý tưởng táo bạo "từ rác thải đến gà, trứng hữu cơ. Ý tưởng này đã nhận được khoản tài trợ chiến lược 30.000 USD để triển khai mô hình, nuôi hơn 1.500 con gà trên tán keo Vĩnh Cửu rừng.
Tháng 3 năm nay, Green Connect đã mở rộng cơ sở đến huyện Nho Trạch, tỉnh Đồng Nai, nâng công suất xử lý lên 1,5 tấn mỗi ngày. Doanh nhân 8x cho biết, mô hình dự án đang được mở rộng sang Hà Tĩnh, Hà Nội và Đà Nẵng.
Dự án đang được "nuôi sống" từ rác và phụ phẩm hữu cơ gom từ các cửa hàng và siêu thị, trở thành một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn. Các đối tác lớn của dự án hiện nay có thể kể đến như Mondelez Kinh Đô, Pizza 4P's, Chicken Texas, Pizza Hut, Mega Market...
Các đối tác được hướng dẫn phân loại rác đúng cách: Xé nhãn dán, bỏ các mút xốp hay các màng bọc thực phẩm, dây thun… và rắc ủ men vi sinh do Green Connect cung cấp. Rác được đóng trong các thùng kín, thu gom và chuyển đến trang trại ở Nhơn Trạch, Đồng Nai ngay trong ngày.
Nguồn rác sau đó được phân loại. Với thực phẩm ôi thiu, hư hỏng nặng dùng nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Quy trình rác được xử lý hoàn toàn bởi ấu trùng ruồi lính đen mất khoảng 11 ngày. Riêng sản phẩm còn tươi, đảm bảo tái sử dụng có thể cho gà ăn trực tiếp.
Với quy trình này, CEO Huỳnh Hạnh Phúc cho biết đang giải quyết ít nhất 2 tấn rác/ngày. Sắp tới, với việc mở rộng quy mô và đàn gà trưởng thành, công suất sẽ lên đến 4 tấn rác/ngày tương đương 1440 tấn/năm 2023.
Trang trại Green Connect hiện đang nuôi thả rông khoảng 1.700 chú gà vĩnh cửu (gà được nuôi sống trong môi trường núi rừng tự nhiên) và khoảng 5.000 chú gà hạnh phúc (được nuôi dưỡng môi trường nhân tạo hoàn toàn có không gian bay nhảy, vui đùa đúng tiêu chuẩn quốc tế của HFAC - Humane Farm Animal Care, Tổ chức bảo vệ phúc lợi cho vật nuôi).
Theo Nhịp sống thị trường
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận