Quách Thị Bích Nụ: "Người lái đò" vừa chăm sóc mầm non đất nước, vừa miệt mài đưa trẻ tới trường suốt 15 năm

Hơn 15 năm qua, mặc cho bao nỗi vất vả khó khăn, cô giáo Quách Thị Bích Nụ (Hòa Bình) vẫn miệt mài với công việc lái đò đưa học sinh tới trường.

Chi Nguyễn
15:01 18/11/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bán bò mua đò đưa học sinh đi học

Tính đến nay cô giáo Quách Thị Bích Nụ (SN 1987, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đã có hơn 15 năm gắn bó với trẻ em vùng cao. Cô tâm sự, mỗi chuyến đò rời bến là cô lại thêm niềm hy vọng về tương lai của các mầm non đất nước được "nở hoa". 

Cô Nụ nhớ lại, vào năm 2005, cô vừa tốt nghiệp THPT, lại ấp ủ muốn theo nghề giáo nên đã viết đơn tình nguyện xin làm hợp đồng ở trường mầm non vùng khó tại huyện Đà Bắc. Đó là trường Mầm non Đồng Ruộng (xóm Hạ, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc), một trong những trường khó khăn và thuộc diện nghèo nhất tỉnh. 

quach-thi-bich-nu-co-giao-hon-15-nam-lai-do-dua-hoc-sinh-toi-truong
Điểm trường Nhạp nơi cô Nụ gắn bó nhiều năm

Được biết, trường có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ đặt tại các bản: Hày, Hồm và Nhạp. Trong đó, nếu muốn đi dạy ở điểm trường bản Nhạp, cô Nụ bắt buộc phải chèo thuyền qua suối. Cô giáo nhớ lại: "Thời điểm tôi nhận công tác, trường mới thành lập được 2 năm. Khi ấy, cơ sở vật chất thiếu thốn, thô sơ. Trường xây trên nền đất gồ ghề nên giáo viên phải bê từng viên đá, xếp bằng mặt sàn cho học sinh tiện sinh hoạt".

Ngày thường, suối Nhạp chảy hiền hòa, nhưng đến mùa lũ đến thì trở nên hung dữ bất thường. Thương học trò, cô tình nguyện làm người đưa đò, hàng ngày chở học sinh vượt suối đi học. Cứ thế, mỗi ngày cô giáo vùng sâu lại miệt mài vừa chăm trẻ, vừa lái đò đưa các em đi về.

quach-thi-bich-nu-co-giao-hon-15-nam-lai-do-dua-hoc-sinh-toi-truong
Thương học sinh vất vả, nhận nhiệm vụ giảng dạy các em, rồi hàng ngày đưa đón, coi như con cái trong nhà nên tôi quyết tâm gắn bó...

Năm 2007, cô lập gia đình, rồi tranh thủ đi học thêm các khóa nâng cao để hoàn thiện chuyên môn và nghiệp vụ. Sau vài năm vượt suối, con đò ban đầu ngày một trở nên xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vì thế, cô về bàn bạc, thuyết phục chồng và bố mẹ, rồi cả nhà cùng nhau bán đi tài sản quý giá của gia đình là con bò để đóng thuyền mới.  

Cô giáo 8x tâm sự: "Thương học sinh vất vả, nhận nhiệm vụ giảng dạy các em, rồi hàng ngày đưa đón, coi như con cái trong nhà nên tôi quyết tâm gắn bó... Nhiều khó khăn, nhưng cố gắng vượt qua, có lúc chồng gắt lên kêu mệt quá thì nghỉ, nhưng xong lại thôi sáng hôm sau vẫn dậy kiểm tra sửa chữa thuyền máy sớm giúp tôi đi làm".              

Vượt sóng gió để ươm mầm trẻ thơ

Hơn 15 năm qua, cô Quách Thị Bích Nụ đã chứng kiến không ít những câu chuyện khó khăn, thấm thía sự thiệt thòi mà học trò nơi đây gặp phải. Cô nhớ nhất là trận lũ lịch sử xảy ra vào năm 2017, khi ấy bản Nhạp là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Biết bao căn nhà của dân trong bản bị vùi lấp trong đất đá, nhiều gia đình mất trắng, trong đó có cả vợ chồng cô.

Cô Nụ nhớ lại: "Nửa đêm lũ ập đến, 2 cô giáo mầm non vẫn đang ở trường và chưa kịp di dời. Rất may, mấy bác hàng xóm chạy vội lên, kịp thời báo tin để 2 cô thoát khỏi vùng nguy hiểm. Ngay sau đó, tôi cùng chồng và một số thanh niên lên hỗ trợ, đưa các cô giáo cùng người già, trẻ nhỏ vội vã di chuyển đến nơi tập kết an toàn". 

quach-thi-bich-nu-co-giao-hon-15-nam-lai-do-dua-hoc-sinh-toi-truong
Giờ đây, vẫn đều đặn ngày 2 lần, 20 cô trò lại cùng nhau đi thuyền, rẽ nước sông tới trường

Sau cơn lũ dữ, chính quyền và lực lượng dân quân định phương nhanh chóng tới bản Nhạp để hỗ trợ bà con khắc phục tạm thời. Dân quân dựng tạm lều giữa rừng luồng, làm nơi trú ngụ cho bà con trong bản. Cô giáo tâm sự, khi ấy người dân đi đến đâu, các cô đi tới đó. Ròng rã suốt 1 năm dài sau đó là những ngày cô trò ở điểm trường Nhạp phải sống trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. 

Rất may sau đó, điểm trường đã được các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng lại, khang trang hơn, rộng rãi hơn. Cuộc sống của người dân ở khu tái định cư cũng dần trở lại bình thường, các em nhỏ được đến trường. Hồi tưởng lại những ngày tháng đó, cô tâm sự: "Mình đã thương các con thì cố gắng lên một chút. Hôm nay mình đã cố gắng rồi, ngày mai cố thêm chút nữa để vượt qua. Tôi vẫn động viên đồng nghiệp của mình như vậy!".

Được người dân địa phương và đồng nghiệp tin tưởng, cô Nụ đã được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Ruộng vào năm 2013. Đó cũng là lúc mà chiếc thuyền cũ mua từ lúc bán bò dần xập xệ, cô lại tích cóp tiền bạc, mua một chiếc thuyền máy mới. Giờ đây, vẫn đều đặn ngày 2 lần, 20 cô trò lại cùng nhau đi thuyền, rẽ nước sông tới trường.

quach-thi-bich-nu-co-giao-hon-15-nam-lai-do-dua-hoc-sinh-toi-truong
Niềm vui lớn nhất là chứng kiến các học sinh đi học hàng ngày, về nhà khỏe mạnh

Nhận xét về đồng nghiệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Ruộng cô Lường Thị Tươi cho biết: "Cô Nụ đạt nhiều thành tích trong quá trình công tác. Đó là những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nhà trường. Cô hết lòng vì trẻ thơ, luôn chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết và tận tình với đồng nghiệp. Ở địa phương, cô được đồng nghiệp và phụ huynh tin tưởng, nể trọng". Ông Quản Văn Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc - cho biết: "Cô Nụ là tấm gương sáng để đồng nghiệp noi theo. Cô luôn nỗ lực vượt khó để làm tròn trách nhiệm với nghề và với học sinh".

Giờ đây, mong mỏi lớn nhất của cô là có một con đường liên xã để học sinh có thể đến trường. Có con đường ấy, các em nhỏ dù nhà có xa đến đâu cũng có thể đi bộ đến trường an toàn. Cô Nụ bày tỏ: "Niềm vui lớn nhất là chứng kiến các học sinh đi học hàng ngày, về nhà khỏe mạnh, cuối ngày lái thuyền đưa các em về nhà nhìn tụi nhỏ ê a học bài, hỏi bài nhau rồi cười hồn nhiên, mọi mệt mỏi dường như tan biến".

Xem thêm: Hành trình gieo chữ vùng cao lấm lem bùn đất của cô giáo "Ròm" Nguyễn Thị Trang

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận