Hành trình gieo chữ vùng cao lấm lem bùn đất của cô giáo "Ròm" Nguyễn Thị Trang

Tự nhận mình là "Ròm" nhưng cô giáo Nguyễn Thị Trang chẳng hề yếu đuối chút nào, trái lại còn vô cùng mạnh mẽ khi chọn hành trình gieo chữ ở vùng cao.

Chi Nguyễn
14:25 03/11/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thay vì thướt tha áo dài mừng năm học mới, cô giáo Nguyễn Thị Trang (SN 1988, quê Quảng Ngãi) lại chọn cho mình bộ trang phục gọn gàng. Hiện tại, cô đang là giáo viên ở trường Tiểu học Ba Lế (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi). Cô tự nhận mình là "cô giáo Ròm", bởi thân hình có phần gầy gò. Tuy nhỏ bé là thế, nhưng cô vẫn không quản ngại đường xa hiểm trở, vẫn quyết tâm đi gieo chữ cho các em học sinh.

Được biết, ngay sau khi tốt nghiệp, cô đã nộp đơn lên miền núi dạy học, giúp các em nhỏ dân tộc H'rê được tới trường. Trang nhớ lại, ngày đầu lên đây công tác cô vô cùng xúc động khi thăm nhà học sinh, hầu hết chỉ là những ngôi nhà tranh vách nứa xập xệ. Thương cảm cho các em và trách nhiệm của một cô giáo, từ đó đến nay 8x Quảng Ngãi đã có hơn một thập kỷ kinh nghiệm gieo chữ ở vùng cao. 

nguyen-thi-trang-co-giao-rom-hon-mot-thap-ki-di-gieo-chu-vung-cao
Cô giáo "Ròm" Nguyễn Thị Trang

Chuyện dạy học ngày thường đã khó, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì công việc ấy vất vả gian nan hơn. Trên trang Facebook cá nhân, cô giáo trải lòng: "Bước sang năm thứ 12 cầm phấn, một năm với khá nhiều cái 'đặc biệt'. COVID-19 làm đảo lộn quá nhiều thứ. Ròm thèm nghe tiếng trống trường quá đỗi. Nếu không có COVID-19, có lẽ cái ngày dạy đầu tiên trong năm học mới cô Ròm cũng thướt tha bộ áo dài".

Các em học sinh không có điều kiện để học trực tuyến, nên cô giáo phải lặn lội vào tận làng hướng dẫn, giao bài tập. Có những em nhà ở Làng Tốt, cách nhà tận 27 km, phân nửa đường đi toàn là đường đất lầy lội. Nhiều khi, hành trình gieo chữ kéo dài cả 14 tiếng, không biết bao phen Trang bị trượt ngã, cả người lấm lem bùn đất.

nguyen-thi-trang-co-giao-rom-hon-mot-thap-ki-di-gieo-chu-vung-cao
Là giáo viên vùng cao ai cũng gặp cảnh này. Thay vì than vãn thì phải cười thật tươi để tự động viên mình

Ở vùng cao, nhiều khi giáo viên phải đi tìm học trò, bởi học sinh sẽ đi trốn. Vì thế, nhiều khi cô giáo "Ròm" phải đi tìm, đợi phụ huynh về rồi giao bài mới. Cứ đi lần lượt từng nhà như thế, đến khi gặp hết học trò thì trời đã tối. Thế nhưng, thay vì than vãn, Trang vẫn luôn nở nụ cười rạng rỡ, yêu đời. Cô bày tỏ: "Là giáo viên vùng cao ai cũng gặp cảnh này. Thay vì than vãn thì phải cười thật tươi để tự động viên mình. Chỉ mong các em biết được nỗi vất vả của thầy cô mà cố gắng học tập".

Được biết, vợ chồng cô giáo Trang cùng quê nhưng đã chọn lên huyện vùng cao Ba Tơ để lập nghiệp. Sau 12 năm công tác, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai mà họ luôn hết lòng yêu thương. Cô tâm sự: "Hạnh phúc là khi được nhìn thấy các em hoàn thành bài tập được giao. Hạnh phúc khi cả người và xe lấm lem bùn đất nhưng về đến nhà có chồng chia sẻ. Cũng xót vợ đấy nhưng lặng thinh sửa xe để ngày mai mình tiếp tục vào làng với các em".

nguyen-thi-trang-co-giao-rom-hon-mot-thap-ki-di-gieo-chu-vung-cao
Hạnh phúc là khi được nhìn thấy các em hoàn thành bài tập được giao

Phụ huynh ở đây đã xem cô Trang như người nhà, họ hồ hởi đón cô giáo tới nhà dạy học cho con. Có người í ới cầm vở nhờ cô giáo xem bài cho con vì họ không giảng được, lại có người dúi cho cô giáo lon bò húc uống để hồi sức. Cảm động trước tình thương của bà con vùng cao, Trang càng quyết tâm gắn bó ở vùng đất này, tiếp tục hành trình gieo chữ cho trẻ em nghèo.

Cô tâm sự: "Mình chỉ là hạt cát nhỏ trong sa mạc rộng lớn, là giáo viên miền núi ai ai cũng đều như vậy, có nhiều thầy cô trải qua nhiều gian khổ hơn Ròm nữa kìa. Vì là năm học “đặc biệt” nên Ròm cũng muốn lưu giữ cái hành trình đáng nhớ này, cũng muốn lan tỏa năng lượng tích cực trong thời điểm đầy thử thách của nước nhà, chứ không có mục đích gì khác. Đó là những điều chân thật nhất, bình thường nhất của giáo viên vùng cao".

nguyen-thi-trang-co-giao-rom-hon-mot-thap-ki-di-gieo-chu-vung-cao
Mình chỉ là hạt cát nhỏ trong sa mạc rộng lớn, là giáo viên miền núi ai ai cũng đều như vậy, có nhiều thầy cô trải qua nhiều gian khổ hơn Ròm nữa

Từ ngày 13/9, tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu dạy cho học năm học mới. Tại huyện miền núi Ba Tơ, chỉ có khoảng 15% học sinh bậc Tiểu học, 30% học sinh bậc THCS đủ điều kiện học trực tuyến. Những em học sinh còn lại buộc phải thực hiện phương án giáo viên giao bài tập đến tận nhà cho các em tự học. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Tơ, ông Đỗ Giang Nam cho hay: "Học sinh miền núi cư trú tại nhiều khu dân cư xa xôi, cách trở. Do đó, việc giao bài tập đến từng học sinh gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Chỉ có lòng yêu nghề mới giúp các thầy cô vượt qua khó khăn để đến với các em".

Xem thêm: Phó Bí thư An Giang năng nổ nhiệt huyết, "cháy" hết mình vì cộng đồng: Vất vả của mình có là bao

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận