Về quê mua đất như ai, nhà đầu tư lâu năm bỗng ngộ ra: "Thấy tội bà con nông dân quá"
Nhà đầu tư này có nhiều năm kinh nghiệm về bất động sản, thường đi "săn" mua đất sào, đất vườn ở vùng ven, chợt ngộ ra nỗi khổ của bà con nông dân.
Vài năm qua, thị trường bất động sản vô cùng sôi động, không chỉ ở vùng trung tâm mà cả vùng quê cũng vậy. Cũng vì thế, có không ít nhóm đầu tư chuyên đi săn đất vùng quê xuất hiện, tìm mua từ khi còn rẻ và rồi bán ra khi có sốt để thu lời.
Những mảnh đất ở các vùng quê yên ả liên tục thiết lập mặt bằng giá mới; cùng mảnh đất được một người nông dân bán ra không biết qua tay bao nhiêu nhà đầu tư. Đa phần đó là những mảnh đất vài sào, hoặc vài héc-ta được mua bán với giá vài trăm triệu một sào.
Người người, nhà nhà đổ xô đi buôn đất, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu người ta cũng bàn nhau về mảnh vườn này, lô đất kia. Ở những nơi phát triển hạ tầng, hiện đại tấp nập đã đành, ngay cả những miền quê vùng núi, đường chưa làm, điện chưa tới mà giá cao ngất ngưởng. Có nhà bán mảnh đất rộng chưa tới 2 sào ở rừng sâu tới cả tỷ đồng, có nhà cách đó vài trăm mét đã bán lô khác với giá 2 tỷ.
Một người nông dân tại Hàm Thuận Nam từng chia sẻ, có 10 héc-ta đất canh tác trồng keo, thanh long, sắn… nhưng khi đất sốt, thấy nhà đầu tư ùn ùn về mua, giá đất nhảy mua liên tục cũng bán đi 1 ha với giá 900 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ khoảng 1-2 tuần mảnh đất này đã được rao bán qua tay 2-3 người với mức giá đã nhảy vọt lên 1,2 - 1,5 tỉ đồng/héc-ta.
Vì lời lãi nhiều, không ít người dân thôn quê quyết định bỏ hết mọi việc mà ở nhà làm "cò đất". Họ đưa khách đến vườn nhà dân xem đất và hưởng hoa hồng, ăn chênh lệch. Họ được gọi với cái tên là "môi giới thổ địa". Bán hết mấy lô đất xong, họ kiếm về bộn tiền, vui vẻ nói "làm lụng cả năm không bằng tiền lời lô đất".
Thực tế, có rất nhiều bài học nhãn tiền sau khi sốt đất đi qua. Dễ thấy nhất là bà con nông dân bị mất đất, không có đất canh tác; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế địa phương. Nhiều người vì muốn quay lại làm lụng nông nghiệp, phải mua lại miếng đất của mình với giá đắt hơn nhiều. Nông dân bán đất bỗng chốc giàu có nhưng không còn sinh kế. Tiền bán đất thường teo tóp dần. Tưởng giàu có, bỗng chốc nông dân hóa nghèo.
Từng là một nhà đầu tư nằm trong trong nhóm chuyên săn đất nông nghiệp ở các tỉnh lân cận ở TP.HCM, anh D. phải cảm thán là thương bà con quá. Anh nói: "Về quê mua đất, thấy tội bà con nông dân quá. Thấy người nông dân lấm lem chân đất, vội vàng đi bán đất, tâm lý bị dao động khi giá đất lên cao". Tuy vậy, nhóm anh vẫn chẳng dừng lại ý định kiếm đất vùng quê để mua.
Một người dân khác ở vùng quê tên H. cũng từng chia sẻ: "Đừng mang tiền về quê mua đất nữa, xin các ông bà đấy... Ngoài 50 tuổi rồi, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng từng đoàn xe ô tô tìm về quê mua đất như thời gian gần đây. Đất đầu làng cũng đã đẩy giá lên vài tỷ đồng 1 lô. Vũng trâu đằm sâu tít trong ngõ cũng rao bán 400 – 500 triệu.
Người người bán đất, nhà nhà bán ao. Bán xong thì xây cái nhà to đùng dù ít người ở. Có tiền thì mua sắm ô tô, xe máy. Rồi sinh ra ăn chơi, đàn đúm. Trẻ con cũng đua đòi tóc xanh, tóc đỏ. Tự dưng có tiền tỷ mà. Không tiêu thì cũng chẳng biết làm gì hơn".
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam từng chia sẻ, trong các đợt "sốt" đất xảy ra ở tỉnh lẻ, các địa phương nông nghiệp, việc người dân địa phương bán đi đất đai, đồng nghĩa với việc bán đi nguồn thu nhập chính, nuôi sống gia đình. Đây là vấn đề rất cần sự quan tâm của các cấp quản lý, phải quy hoạch hợp lý và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Nếu mọi người chỉ tập trung vào hưởng lợi từ việc lên giá đất mà không chú trọng đến việc tăng giá trị thặng dư từ lao động sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Theo Hạ Vy/Trí thức trẻ
Xem thêm: Giá chung cư ở tuyến đường Lê Văn Lương gây xôn xao dư luận là bao nhiêu?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận