Người trẻ Gen Z nhận "thua" thế hệ cha mẹ năm xưa: Chạy đua làm thêm vẫn túng thiếu, mua nhà quá xa vời
Không ít người trẻ thế hệ Gen Z cảm thấy mình đang thua kém cha mẹ quá nhiều vì họ gặp khó trong việc kiếm sống, chưa nói đến làm giàu.
Theo một khảo sát mới đây của công ty tài chính Bankrate, khoảng 38% người thuộc thế hệ Gen Z (những người có năm sinh trong khoảng từ năm 1997 – 2012) tin rằng họ đang phải đối mặt với khó khăn về mặt tài chính hơn so với thế hệ của bố mẹ ở thời điểm cùng độ tuổi. Nguyên nhân phần lớn là do ảnh hưởng của nền kinh tế.
Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, do áp lực chi phí sinh hoạt tăng nên 53% Gen Z thừa nhận rằng họ đang phải làm thêm giờ nhiều hơn so với các thế hệ khác, trong khi khoản tiết kiệm thì ít hơn.
Ông Laurence Kotlikoff, giáo sư kinh tế tại ĐH Boston (Mỹ), đồng thời là Chủ tịch của MaxiFi, một công ty chuyên cung cấp các phần mềm lập kế hoạch tài chính, cho hay: "Khó khăn này rất khó để có thể phủ nhận. Cha mẹ cần nhận ra rằng con cái họ đang gặp rắc rối".
Trên thực tế, theo báo cáo của Bank of America, ngân hàng lớn thứ hai ở Mỹ, có tới 53% Gen Z tham gia khảo sát thừa nhận rằng chi phí sinh hoạt cao hơn là rào cản đối với sự thành công về mặt tài chính của họ. Ngoài chi phí thực phẩm và nhà ở tăng vọt, rõ ràng thế hệ cha mẹ của họ không phải trải qua những thách thức về mặt tài chính khác khi còn trẻ. Thu nhập của Gen Z không chỉ thấp hơn so với cha mẹ của họ khi ở độ tuổi 20 và 30 mà còn phải gánh khoản nợ sinh viên lớn hơn.
Mặt khác, theo một nghiên cứu về chỉ số thịnh vượng (prosperity index), 3/4 số người Gen Z tham gia khảo sát chia sẻ rằng với tình hình của nền kinh tế hiện tại khiến họ bị do dự trong việc đặt ra những mục tiêu tài chính dài hạn. Ngoài ra, có tới 2/3 số người tham gia khảo sát nói rằng họ sẽ không bao giờ có đủ tiền để nghỉ hưu.
Bà Sarah Foster, chuyên gia phân tích của Bankrate nhận định, những người trẻ tuổi ở Mỹ vốn không có cuộc sống dễ dàng trong nền kinh tế như hiện nay. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của họ nhằm củng cố tài chính sẽ có được đền đáp theo thời gian trong tương lai. Vị chuyên gia này cho rằng Gen Z có lợi thế đáng kể trong những năm dài đó khi tiến hành tiết kiệm cho các mục tiêu dài hơn như nghỉ hưu. Bà Sarah Foster gợi ý: "Gen Z hãy ưu tiên đầu tư cho bản thân, trả nợ và hưởng lãi suất cả tiết kiệm ngắn và dài hạn. Khi bắt đầu càng sớm, bạn sẽ càng được hưởng lợi để tái đầu tư".
Theo một nghiên cứu của Intuit, khoảng 3/4 số nhân viên Gen Z bày tỏ mong muốn có một cuộc sống chất lượng, thay vì chỉ cố gắng để làm đầy tài khoản. Trên thực tế, Cục Phân tích kinh tế Mỹ cho biết, người Mỹ đã tiết kiệm ít hơn trong năm 2023. Tỷ lệ về tiết kiệm cá nhân sụt giảm phản ánh thay đổi về mục tiêu tài chính của người lao động ngày nay.
Theo ông Ryan Viktorin, Phó Chủ tịch tư vấn tài chính tại hãng đầu tư Fidelity, thực tế giới trẻ ngày nay, đặc biệt là Gen Z khi gia nhập lực lượng lao động, họ có những ưu tiên tài chính mới, không quá chú trọng về tiết kiệm. Thay vào đó, họ dùng thu nhập tăng thêm để có thể tận hưởng cuộc sống.
Intuit cho hay, hệ quả của thói quen trên là hơn 60% Gen Z không chắc chắn về việc họ có đỉ tiền để nghỉ hưu hay không. Thế nhưng, nỗi sợ này cũng có thể không phải là mối bận tâm lớn vì họ hầu hết không có kế hoạch để nghỉ hưu.
Theo ĐSPL
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận