Người đàn ông mở lớp dạy đàn miễn phí giữa núi rừng cao nguyên, nhận nuôi 4 người con
Mắc căn bệnh hiếm gặp, không muốn cưới vợ vì sợ làm khổ họ, anh Y Ploi (Gia Lai) đã nhận nuôi 4 người con, mở thêm lớp dạy đàn miễn phí.
Thanh âm trong trẻo giữa núi rừng cao nguyên
Anh Y Ploi (37 tuổi, trú làng Plei Pông Phrao, xã An Phú, TP. Pleiku, Gia Lai) vốn là người có năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc. Anh kể, năm xưa sau khi học xong phổ thông, anh tình cờ gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường và được cùng ông đi biểu diễn trên cả nước. Sau một thời gian, vì muốn trở thành thầy giáo dạy nhạc, anh đã thi đỗ Trường ĐH Sư phạm Tp.HCM.
Năm 2002, anh chính thức tốt nghiệp khoa Sư phạm Thanh nhạc, trong lòng mang theo nhiều hoài bão lập nghiệp. Thế nhưng, cuộc đời vốn không dễ dàng, huống chi nghề của anh có phần hơi đặc thù, nên anh Y Ploi đã quay lại vùng đất bazan quê hương, mở lớp dạy đàn miễn phí cho trẻ em nghèo.
Anh kể, ban đầu anh mở lớp cho trẻ em nghèo ở ngôi làng nơi anh sinh ra, sau đó lan sang các làng khác ở nhiều xã như An Phú, Biển Hồ,... Hiện tại, căn phòng anh dạy miễn phí là do người hàng xóm tên Phom cho mượn, người ta quý cái tài và cái tâm của anh nên đã kết bạn.
Anh Y Ploi nói rằng, ngày nay nhiều bạn nhỏ mê game, nghiện điện thoại mà bỏ qua nhiều điều thú vị khác. Đặc biệt, các em dần lãng quên âm nhạc, chính là "hồn cốt" của mảnh đất cao nguyên ấy nên anh cảm thấy bứt rứt. Anh muốn khơi lại niềm đam mê thời trẻ của mình với các em, và hi vọng một trong số các em sau này sẽ lại lan tỏa hồn cốt người Jrai, mang văn hóa người Jrai truyền tải qua âm nhạc, qua tiếng hát như cố NSND Y Moan năm xưa.
Với ước nguyện như vậy, anh nghỉ dạy ở trường, tạm dừng việc làm dàn nhạc đám cưới để mở lớp dạy dàn cả có phí và miễn phí. Nếu ai có hoàn cảnh khó khăn thì anh giúp, không nghĩ gì nhiều. Anh nghĩ rằng, ta giúp họ thì họ lại giúp mình, như thế, cuộc sống hẳn sẽ tốt đẹp hơn. Không quá khá giả, nhưng có lần đạt giải trong một chương trình hát ở TP.HCM, nhận số tiền 20 triệu đồng nhưng anh cũng dùng để làm từ thiện.
Người cha "đặc biệt" của 4 đứa con
Anh Y Ploi ngậm ngùi bảo, ở độ tuổi này, nhiều tria làng khác đã có vợ con đùm đề. Nhưng biết bản thân mình mang bệnh hiếm gặp, sợ làm khổ người ta, anh quyết định không lập gia đình. Không vợ, nhưng anh vẫn làm cha, là một người cha "đặc biệt" của 4 đứa con. Đó là 4 người con anh nhận nuôi, và các em đều đến với anh theo những cách bất ngờ.
Anh kể, đứa con đầu tiên đến với anh vào năm 2002, khi anh đang đi từ làng Bông Frăo ra quốc lộ 19 tới chỗ làm thì bất ngờ nghe tiếng trẻ con khóc. Anh vào bụi cây ven đường tìm thì thấy một bé gái đỏ hỏn đang gào khóc, kiến bắt đầu bu bám. Anh hoảng hốt bế đứa trẻ, hô hoán kêu cứu rồi cùng người dân đưa tới cơ quan chức năng trình báo. Chưa tìm được người thân của bé, lại nghĩ mình có duyên, sau buổi sáng mưa lạnh năm ấy anh đã nhận nuôi cô bé nhỏ.
Nhớ lại những ngày đó, anh kể: "Mình đàn ông con trai, bỗng dưng có đứa con nên cũng bỡ ngỡ lắm. Mà đứa nhỏ mới có mấy tháng tuổi còn nhỏ xíu. Phụ nữ nuôi con nhỏ đã khổ, mình là đàn ông có biết chi đâu. Cũng nghe mấy người hướng dẫn nên mới biết làm đó. Đêm thì thay tã, pha sữa, ru ngủ... mình làm hết. Mệt như vui lắm".
Ban đầu cha mẹ anh cũng ái ngại, sợ con khổ nên cũng can. Nhưng thấy anh yêu thương đứa bé quá, còn đặt tên là H'Thiên rồi chăm bẵm từng chút một, ông bà cũng ngơi lòng, vui vẻ yêu thương cô gái nhỏ. Thế nhưng, năm H'Thiên được 10 tuổi, có người ở Quảng Ngãi đến tìm, xin nhận lại con. Ngày chia tay, người đàn ông vùng núi ấy không cầm được nước mắt. Sau này, đứa trẻ ấy vẫn thương xuyên liên lạc lại, có dịp cũng lên thăm anh nên nỗi thương nhớ cũng nguôi ngoai phần nào.
Sau đó, anh Y Ploi lại nhận nuôi thêm 3 đứa con nữa. Một lần khác, sau khi H'Thiên được đón về, anh lại tìm thấy một bé gái khoảng 4-5 tuổi khóc nức nở bên đường và nhận nuôi. Sau một thời gian, có gia đình ở huyện Krông Pa (Gia Lai) lên nhận con ruột thất lạc.
Sau đó, anh lại nhận nuôi một bé gái ở huyện Chư Pưh (Gia Lai), mồ côi cha mẹ từ sớm, phải sống với ông bà ngoại gia cảnh khó khăn. Thấy hoàn cảnh gia đình cháu bé nghèo khó, anh xin bé về nuôi và cho đi học, nhưng rồi ông bà ngoại vì thương nhớ cháu mà xin về.
Đứa con thứ 4 của anh là của một học trò anh, ban đầu muốn phá bỏ bào thai ấy. Biết chuyện, anh tìm cách an ủi, khuyên cô giữ lại và nhận nuôi đứa trẻ ấy. Anh đặt tên cô bé là Quyên, ngày ngày chăm trẻ một cách thuần thục và hết lòng yêu thương.
Thế nhưng, đời không như mơ, những tai ương cứ liên tục ập đến người đàn ông ấy. Mấy năm vừa qua, mẹ anh mắc ung thư, cha thì già yếu, bên dưới còn 7 đứa em đang tuổi ăn học, từ ấy anh phải cáng đáng lo toan tất cả cho gia đình. Không chỉ vậy, căn bệnh hiếm gặp của anh cũng cần đi khám và chữa thường xuyên, khiến kinh tế gia đình dần sa sút. Sau cùng, anh đành lòng gửi Quyên vào tu viện nhờ chăm nuôi.
Khốn khó đổ dồn lên vai người đàn ông U40 này, nhưng anh vẫn không ngại khổ sở mà vẫn tiếp tục lan tỏa yêu thương, vẫn thường xuyên ghé thăm đứa con nuôi thứ 4. Anh tâm sự: "Mình có 4 đứa con nuôi nhưng chúng ở với mình không được lâu. Có lẽ do phận vậy. Sống trong đời sống phải có tấm lòng. Đấy cũng là cách mình đang sống".
Ông Y Nới, Trưởng thôn Bông Frăo chia sẻ: "Y Ploi là một chàng trai giàu tình yêu thương, đầy trách nhiệm không chỉ với gia đình mà còn với cả mọi người. Dù gia cảnh khó khăn nhưng Y Ploi đã làm được nhiều điều khiến người làng thương và phục".
Không giàu về vật chất nhưng lại giàu tấm lòng, chàng trai Jrai ấy đã tự viết nên câu chuyện đời mình, lan tỏa tình yêu thương tới nhiều người. Năm 2020, anh được Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai trao bằng khen ca ngợi gương người tốt việc tốt. Anh Y Ploi cười, nhẹ nhàng nói: "Mình cứ sống tốt, thì cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn thôi".
Người phụ nữ U70 ngày ngày chặn xe cho học sinh sang đường đi học
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận