Nghịch lý: Người trẻ "chê" nhà cao cửa rộng vùng ven, chấp nhận thuê nhà trung tâm chật chội
Vốn không nhiều, giá nhà lại cao, nhiều người trẻ "chê" nhà cao cửa rộng vùng ven, chấp nhận thuê nhà trung tâm chật chội.
Không còn mang nặng tâm lý buộc phải có "chốn an cư" để ở lâu dài, nhiều người trẻ sẵn sàng chấp nhận xê dịch trong chuyển nhà. Tâm lý đi thuê nhà không ổn định cuộc sống đã dần bị xoá bỏ.
Thay vào đó, họ nghĩ tới bài toán kinh tế tương lai cũng như cách sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn. Nhiều người trẻ có xu hướng dành tiền để đầu tư vào nhà đất vùng ven. Trong quá trình chờ tăng giá, họ sẽ sử dụng căn nhà để cho thuê. Với số tiền thuê nhà từ tài sản sở hữu, một số người trẻ tìm thuê căn chung cư gần trung tâm. Nghịch lý tiêu dùng như vậy không hề hiếm.
Câu chuyện của chị Phương Anh (Mỹ Đình, Hà Nội) là ví dụ điển hình. 6 năm trước, vợ chồng chị mua căn chung cư trị giá hơn 1 tỷ đồng, nằm trên trục đường Lê Trọng Tấn (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội). Lý do mà gia đình chị chọn chung cư vì cho rằng, ở sẽ thuận tiện, dễ dàng, sạch sẽ hơn so với nhà đất.
Tuy nhiên, 4 năm sau, khi khảo sát giá chung cư, vợ chồng chị Phương Anh nhận thấy, nếu nhìn từ góc độ môi trường sống, loại hình này phù hợp gia đình trẻ. Nhưng nếu xét về bài toán kinh tế, rõ ràng, vợ chồng chị chỉ "lời" khoảng thời gian sống tiện lợi khi ở chung cư. Vì giá căn hộ của gia đình chị Phương Anh chỉ tăng hơn 50 triệu đồng.
Nếu thời điểm ban đầu, vợ chồng chị mua nhà đất thì sau 4 năm, số tiền sinh lời từ tài sản sẽ tăng từ 50-100%. Sau suy tính, vợ chồng chị Phương Anh quyết định đưa ra bài toán mới: Bán chung cư, lấy tiền mua nhà đất. Sau đó, dùng căn nhà đất cho thuê và đi thuê ngược lại chung cư. Đầu năm 2020, vợ chồng chị Phương Anh bán căn chung cư thu về 1,25 tỷ đồng. Hai vợ chồng chị bỏ ra thêm 1,5 tỷ đồng để mua căn nhà đất tại Hoài Đức.
Thông qua môi giới, vợ chồng chị cho thuê được 6 triệu đồng/tháng. Số tiền này, vợ chồng chị Phương Anh dành để thuê căn chung cư trên đường Nguyễn Hữu Dực (Mỹ Đình, Hà Nội). Mức tiền mà chị Phương Anh dành cho thuê là 7 triệu đồng/tháng.
"Tính chi phí, tôi sẽ phải bỏ thêm 1,5 triệu đồng bao gồm tiền chênh cho thuê, đi thuê và tiền phí dịch vụ. Nhưng ngược lại, gia đình tôi lựa chọn trường học tốt hơn cho con, và tận hưởng dịch vụ tiện ích khác", chị Phương Anh nói.
Theo chị Phương Anh, căn nhà mà gia đình chị mua đầu năm 2020 hiện đã tăng giá tới 20%. "Nếu mua chung cư, khả năng tăng giá cũng khó được 10% trong 2 năm như vậy", chị Phương Anh cho biết thêm.
Cũng tương tự như chị Phương Anh, anh Nguyễn Thắng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lựa chọn cho thuê lại căn nhà đất và đi thuê chung cư. "Ở nhà đất thực sự bất tiện vì không gian hơi hẹp, muốn đi siêu thị hay đi bơi, đều phải di chuyển bằng xe máy. Vợ chồng tôi quyết định cho thuê lại căn nhà mình đang ở và thuê căn hộ chung cư cao cấp", anh Thắng cho biết.
Theo anh Thắng, "Tôi thấy "mốt" bây giờ là mua nhà đất cho thuê rồi thuê chung cư ở. Nhiều bạn bè tôi là giám đốc công ty lớn đều thuê nhà ở Times City, hay dự án cao cấp. Tiền của họ để đầu tư đất hoặc mua nhà đất rồi cho thuê lại".
Anh Thắng lý giải thêm, nếu mua chung cư ở trung tâm, số tiền bỏ ra không hề nhỏ, từ 3-4 tỷ đồng. Với tài chính eo hẹp chỉ 2-3 tỷ thì việc mua căn nhà vùng ven sẽ hợp lý. Trong thời điểm khó khăn và lạm phát như hiện tại thì căn nhà đất sẽ là tài sản giữ tiền ổn định nhất.
"Ban đầu tôi cũng sợ chuyển nhà nhiều. Nhưng sau đó, tôi nghĩ, nếu ở 2 năm, sau chuyển nhà mới thì cũng chẳng phải lo ngại. Nên khi thuê chung cư, tôi làm việc với chủ nhà ký hợp đồng 2 năm.
Việc chuyển nhà khiến gia đình tôi xác định sống tối giản, sử dụng thiết bị đồ dùng thực sự cần thiết. Cùng một số tiền bỏ ra, vừa có thể tận hưởng môi trường sống tốt, vừa có tài sản chờ đợi sinh lời, tôi thấy đó là phương án hợp lý với gia đình mình".
Theo Nhịp sống kinh tế
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận