Nghỉ việc để làm freelancer, nhiều người trẻ vỡ mộng trước thực tế phũ phàng

Vì muốn làm việc với giờ giấc tự do, tự mình làm chủ, nhiều người trẻ đã nghỉ việc làm freelancer. Thế nhưng, thực tế đã cho họ một cú đau.

Chi Nguyễn
16:00 17/11/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trước đó, Hồng Thúy (30 tuổi) là nhân viên truyền thông ở Hà Nội với mức lương 8 triệu đồng mỗi tháng. Công việc ngốn của cô 12 tiếng mỗi ngày chưa kể thường xuyên phải đi công tác và nhận yêu cầu làm việc lúc nửa đêm. Tình trạng này kéo dài khiến cô căng thẳng, mệt mỏi và xin nghỉ việc.

Đầu năm 2022, cô chuyển sang làm freelancer, công việc là sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Quyết định này không được gia đình ủng hộ vì thu nhập bấp bênh, không có bảo hiểm, cũng không có đãi ngộ dịp lễ Tết. Thế nhưng, cô quả quyết: "Con cũng không thể làm việc như một cái máy".

Tháng đầu, cô nhận cùng lúc 5 jobs khác nhau vì nghĩ có thể làm được. Nhưng dần dần, mọi thứ vượt qua tầm kiểm soát bởi số lượng bài viết lớn, khách hàng yêu cầu khắt khe. 9x tâm sự: ""Cứ ngỡ bỏ ra ngoài để được thoải mái giờ giấc nhưng cuối cùng tôi lại bận hơn cả lúc làm văn phòng. Không làm thì mất thu nhập và mang tiếng xấu, khách khác không dám đặt nữa".

nghi-viec-lam-freelancer-nhieu-nguoi-tre-vo-mong-truoc-thuc-te

Quen làm việc từ xa sau hai năm dịch bệnh và không hợp sếp, Thế Anh, 28 tuổi, ở TP HCM, cũng từ bỏ công việc thiết kế đồ họa với lương 20 triệu đồng sang làm freelance.

Ngày còn đi làm, công việc của anh là sáng tạo nội dung, khâu tìm khách hàng, thỏa thuận giá cả đều có bộ phận chuyên trách. Nhưng khi làm độc lập, Thế Anh kiêm cả nhiệm vụ của CEO, kế toán, marketing, giám đốc kinh doanh để chăm sóc thương hiệu bản thân.

"Toàn việc không tên nhưng nhiều khi mất cả ngày bởi tôi không có kinh nghiệm. Việc tồn đọng lại phải thức đêm làm", anh nói.

Số người trẻ rời bỏ công việc hành chính để làm freelancer như trên không ít. Theo khảo sát đầu năm 2022 do Anphabe thực hiện, hiện xu hướng chuyển sang làm tự do tại Việt Nam đang tăng. Theo đó, 14% nguồn nhân lực tri thức Việt Nam hiện là lao động tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian.

Nhiều người thích làm freelancer vì họ được chủ động lựa chọn việc yêu thích, thoải mái thời gian, không cần giao tiếp, tránh các mối quan hệ độc hại ở công sở. Bên cạnh đó, họ cũng được kiếm tiền thoải mái với nhiều nguồn, nghỉ ngơi hợp lý. Dù vậy, dạng nghề nghiệp này vẫn có nhiều rủi ro tiềm ẩn.

nghi-viec-lam-freelancer-nhieu-nguoi-tre-vo-mong-truoc-thuc-te

Nhiều cuộc khảo sát thị trường lao động quốc tế ghi nhận trào lưu "đại bỏ việc" (great resign) bùng nổ sau đại dịch đang chuyển thành "đại hối hận". Nghiên cứu của trang tìm kiếm việc làm Muse (Mỹ) tháng 8/2022 với hơn 2.500 lao động cho thấy gần 3/4 cảm thấy "choáng ngợp hoặc hối tiếc" bởi công việc mới rất khác so với những gì từng làm. Thậm chí, gần một nửa (48%) đang cố gắng quay lại công việc cũ.

Ông Lê Quang Trung, nguyên cục phó Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết xu hướng quay lại văn phòng sau khi làm tự do là có. Lý giải về xu hướng chuyển việc sau dịch, ông Trung cho rằng có ba nguyên nhân chính: doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm nhân sự; hai là người lao động không có việc làm; và ba là nhiều người mong muốn tìm công việc phù hợp, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Ông Trung khẳng định, với những người chuyển sang làm freelance đã xác định rõ mục tiêu, chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ đáp ứng được công việc mới sẽ có khả năng thành công. Nhưng ở chiều ngược lại, không ít người phải từ bỏ, quay trở lại công việc cũ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. "Nhưng chắc chắn khi quay lại sẽ gặp nhiều khó khăn bởi không đáp ứng được yêu cầu hoặc đơn vị cũ đã đủ người", vị này nhận xét.

nghi-viec-lam-freelancer-nhieu-nguoi-tre-vo-mong-truoc-thuc-te

Thừa nhận làm việc từ xa trở thành xu thế, nhưng PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng để tránh trường hợp làm vài tháng rồi quay lại văn phòng, người lao động cần nghiên cứu kỹ tiềm năng của công việc, thế mạnh của bản thân thay vì chạy theo trào lưu.

"Như riêng với nghề freelance, họ phải xây dựng các mối quan hệ, tìm hiểu rõ năng lực của bản thân, liên tục trau dồi kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, người lao động cũng nên thử làm xem có phù hợp hay không trước khi đưa ra quyết định", ông Cương nhận định.

Theo VnExpress

Xem thêm: Freelancer là gì và những công việc giúp tăng thêm thu nhập từ freelancer

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận