Chuyên gia chỉ ra lý do khiến các nhà đầu tư dễ mất tiền sau những đợt sốt đất
Sau những cơn sốt đất ảo đánh vào tâm lý đám đông và lòng tham, những nhà đầu tư tay non rất dễ rơi vào tình cảnh thua lỗ.
Kể từ sau Tết Nguyên đán, dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản khiến cho giá đất tăng lên chóng mặt. Nguyên do lớn nhất là nỗi lo lạm phát, khiến mọi người tìm đến bất động sản làm nơi trú ẩn.
Sốt đất không chỉ xuất hiện ở Hà Nội, TP.HCM mà còn ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Phước, Khánh Hòa,... Thậm chí, hiện giờ, ngay cả khi có nhiều tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đã hạ nhiệt cục bộ, vẫn có thông tin "sốt đất".
Theo Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, thời gian qua tình trạng sốt đất lan rộng qua nhiều địa phương. Đáng nói, giờ đây sốt đất không chỉ loanh quanh những khu vực lân cận Hà Nội hay TP.HCM mà đã len lỏi về nông thôn, thậm chí miền núi cũng có sốt đất. Điều đó khiến mặt bằng giá đất lên cao, có những nơi tăng 2-3 lần thời điểm mua vào.
Vị chuyên gia này nhận định: "Một trong những nguyên nhân khiến cơn sốt đất đang có dấu hiệu lan rộng mạnh mẽ là bởi nguồn tiền đầu tư còn rất lớn, xu hướng các nhà đầu tư, cá nhân đổ xô vào mua đất diễn ra hối hả ở thời điểm bình thường mới, những tác động xấu của đại dịch Covid - 19 đang dần lùi xa".
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sốt đất xuất hiện khi giá đất tăng khá nhanh, khiến nhiều người ôm mộng đổi đời. Vị này giải thích: "Những người có tiền muốn tham gia để có tiền nhiều hơn trong khi rất thiếu chuyên nghiệp, hay bị tác động của hiệu ứng đám đông, tức là chỉ vì khát vọng của lòng tham mà không đủ luận cứ".
Giới đầu cơ rất thành thạo trong việc kích động lòng tham, sẵn sàng cò mồi, dẫn mối, thậm chí bản thân cũng tham gia "lướt sóng". Theo ông Võ, điều này khiến thị trường sốt đất lộn xộn. Những người đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy thì hưởng lợi, "mua tranh bán cướp" mà hưởng lãi.
Vị chuyên gia này chia sẻ: " Độ rủi ro quá lớn, đầu tư vào đất đai để kiếm lợi mà cứ như tham gia vào một canh bạc 'sinh tử'. Cơ quan quản lý của địa phương thì chỉ đưa ra các khuyến nghị bị động, không có giải pháp gì chủ động. Từ đó dẫn tới thị trường thì lộn xộn, xã hội thì ồn ào như 'chợ vỡ', rồi kết thúc bằng cảnh 'kẻ khóc, người cười' và cả những nhân vật 'dở khóc, dở cười'".
Tất nhiên, cơ quan chức năng đã nhanh chóng có những động thái nhằm "dập tắt" cơn sốt. Trong đó, có những biện pháp như công khai quy hoạch, dừng phân lô tách thửa... đã ít nhiều có tác dụng làm dịu những cơn sốt. Dù vậy, hiện tại các biện pháp này mới chỉ mang tính chất nhất thời chứ chưa giải quyết được tận gốc và các cơn sốt ảo có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cảnh báo: "Các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin hay mua bất động sản cần cân nhắc kỹ các thông tin, tính pháp lý của sản phẩm, đặc biệt cẩn trọng khi tiếp cận các khu vực đang nóng sốt, không xuống cọc khi cái đầu đang nóng. Đồng thời, cần lựa chọn những nhà môi giới chuyên nghiệp, có hoạt động hợp pháp để được tư vấn và tiến hành các giao dịch mua bán".
Theo Thanh Phong/Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: Về quê mua đất như ai, nhà đầu tư lâu năm bỗng ngộ ra: "Thấy tội bà con nông dân quá"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận