Ký túc xá tình thương của cặp vợ chồng tại Phú Thọ nuôi học sinh ăn ở miễn phí suốt 60 năm

Suốt 60 năm qua, vợ chồng ông Đinh Xuân Diễn (Phú Thọ) vẫn ngày ngày mở "ký túc xá tình thương" nuôi ăn, ở miễn phí cho học sinh.

Chi Nguyễn
15:49 15/04/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Suốt nhiều năm qua, người dân trong xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đều biết đến và nể phục vợ chồng ông Đinh Xuân Diễn và bà Hà Thị Hoa, những người đã mở "ký túc xá tình thương" nuôi ăn ở cho học sinh nơi đây. Suốt 60 năm qua, hai vợ chồng già vẫn cần mẫn, tần tảo dành phòng trọ, nấu cơm ăn miễn phí cho biết bao thế hệ học sinh, có những người ở từ đời mẹ đến đời con...

Ký túc xá tình thương

Bà Hoa, vợ ông Diễn nhớ lại, khi ấy khu này còn hoang vu, lạc hậu, cái ăn cái mặc còn chẳng đủ nên chẳng mấy ai quan tâm đến việc học hành. Trường lớp cũng còn tạm bợ, đơn xơ, quanh quanh mấy xã cũng chỉ có trường cấp 2 Văn Miếu. Bà Hoa nói: "Ngày xưa đi bộ xa lắm, làm gì có xe máy như bây giờ, thế nên, muốn đi học phải tìm nhà trọ vì đi từ nhà đến trường đã mất nửa ngày rồi".

ky-tuc-xa-tinh-thuong-mien-phi-gan-60-nam-cua-cap-vo-chong-o-phu-tho
Suốt 60 năm qua, vợ chồng ông Đinh Xuân Diễn (Phú Thọ) vẫn mở "ký túc xá tình thương" miễn phí cho học sinh

Khi xưa, cụ thân sinh ra ông Diễn là Đinh Công Hiệu có ngôi nhà sàn tại khu Dẹ 1, xã Văn Miếu ở gần trường nên có nhiều người đưa con đến xin trọ học. Lúc ấy dù cuộc sống có khó khăn, cụ Hiệu nhất định không chịu lấy tiền trọ học của ai, coi học sinh như người nhà. 

Bà Hoa vốn chơi thân với một số bạn trọ ở nhà ông Diễn, thỉnh thoảng hay qua chơi. Sau này, ông Diễn ngỏ lời, bà đồng ý rồi cả hai nên duyên vợ chồng đến bây giờ. Ngay cả khi cụ Hiệu đã qua đời, vợ chồng ông Diễn vẫn tiếp tục cho học sinh tới đây ở trọ. Bà Hoa cười, nói rằng: "Ở cho vui cửa vui nhà, đời bố mẹ chồng đã thế thì đến đời mình tiếp nối như một lẽ tự nhiên".

ky-tuc-xa-tinh-thuong-mien-phi-gan-60-nam-cua-cap-vo-chong-o-phu-tho
Ngày ngày, ông Diễn tự mình đi chợ, nấu nướng đầy đủ 3 bữa ăn cho cả gia đình lớn

Cách đây hơn chục năm, căn nhà gỗ khi xưa đã bị phá bỏ, thay thế bằng nhà mái khang trang, tiện nghi hơn trước. Ngày qua ngày, ông tự mình đi chợ, nấu nướng đầy đủ 3 bữa ăn cho cả gia đình lớn. Nếu hôm nào được mời đi ăn cỗ, ông vẫn chần chừ nấu cho xong bữa rồi mới yên tâm đi. Trong nhà sắm đầy đủ tủ đựng đồ, bàn học, giường ngủ đến quạt máy, điều hòa,... Lúc rảnh tay, ông lại trò chuyện, tâm sự với các học sinh đang đến tuổi dậy thì, chỉ dạy họ những bài học cuộc sống, nền nếp sinh hoạt. 

Suốt bao nhiêu năm trời, ký túc xá tình thương của cặp vợ chồng tại Phú Thọ này vẫn rộng mở đón học sinh đến trọ. Đặc biệt, họ không bao giờ thu lấy một đồng tiền nào, có người ép lấy vẫn nhất quyết không nhận. Với họ, những việc này là do tình nghĩa, họ tự nguyện muốn làm, chẳng cần ai đền ơn. 

ky-tuc-xa-tinh-thuong-mien-phi-gan-60-nam-cua-cap-vo-chong-o-phu-tho
Cách đây 10 năm, căn nhà gỗ khi xưa đã bị phá bỏ, thay thế bằng nhà mái khang trang, tiện nghi hơn trước

Có nhiều người từng ở trọ nhà ông, nay đã thành công trong cuộc sống, có của ăn của để vẫn nhớ công ơn của hai vợ chồng ông Diễn, khi rảnh rang lập tức ghé thăm. Thỉnh thoảng lại có "khách lạ" đến nhà chơi, nhắc chuyện khi xưa được ở nhờ nhà ông, dù hai vợ chồng không nhớ nổi đó là ai, vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Nhất định không lấy tiền, thấy vui vì giúp đỡ người khác

Ông Diễn kể, chẳng thể nhớ nổi biết bao nhiêu học sinh đã tới đây trọ học, có những người đã đi lập gia đình, khi có con lại đưa chúng đến trọ nhà ông. Hiện tại, có 3 học sinh lớp 11 đang ở trọ nhà ông Diễn, đó là chị em sinh đôi Hồng Nhung và Kim, còn một em khác là Đinh Thị Hoài Ngọc, đều ở xã Khả Cửu, cách trường khoảng 15km. Các em chỉ việc tập trung học hành, ăn xong dọn cơm, rửa bát, chứ vợ chồng ông Diễn không nhờ các em việc gì.

ky-tuc-xa-tinh-thuong-mien-phi-gan-60-nam-cua-cap-vo-chong-o-phu-tho
Các em đến trọ chỉ việc tập trung học hành, ăn xong dọn cơm, rửa bát, chứ vợ chồng ông Diễn không nhờ vả bao giờ

Được biết, kinh phí duy trì ký túc xá tình thương chủ yếu là tiền lương hưu khoảng 5 triệu đồng/tháng của ông Diễn. Hai vợ chồng ông nhất quyết không thu khoản tiền nào của học sinh ở trọ, dù bố mẹ chúng có ép cũng nhất định từ chối. Chỉ khi họ góp ít gạo, ít thức ăn thì ông mới nhận.

Thậy, nhiều người không khỏi thắc mắc vì sao suốt bao năm nay vợ chồng ông vẫn tiếp tục làm việc tử tế này, dù không hề thu được đồng lợi nhuận nào. Ông Diễn nói: "Có gì đâu, tôi cũng trọ học từ nhỏ, sống nhờ sự giúp đỡ của bao nhiêu người. Cuộc sống có khó khăn, vất vả thì càng phải thương yêu, đùm bọc nhau. Tôi quan niệm hạnh phúc đời người là thấy vui, thoải mái mỗi ngày. Tuổi cao, kinh tế gia đình tuy không dư dả nhưng cũng không đến mức thiếu thốn, tôi thực sự thấy vui khi được giúp đỡ, thấy các cháu vui đến trường, trưởng thành". 

ky-tuc-xa-tinh-thuong-mien-phi-gan-60-nam-cua-cap-vo-chong-o-phu-tho

Ông cũng quan niệm, đây chính là truyền thống của gia đình, đã bắt nguồn từ đời bố ông đến ông bây giờ. Sau này sẽ đến lượt con ông tiếp quản ký túc xá này, với mục đích duy nhất là giúp đỡ người khác.

Bí thư Đảng ủy xã Văn Miếu, ông Hà Tiến Công chia sẻ: "Trong số các nhà cho ở trọ, gia đình ông Đinh Xuân Diễn nhiều năm liền không chỉ cho các cháu ở miễn phí mà còn quan tâm chăm sóc, dạy dỗ như người thân. Ông Diễn là đảng viên hưu trí, luôn gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương. Nghĩa cử của ông và gia đình đã tác động, lan tỏa rất lớn, tạo ấn tượng đẹp về con người Văn Miếu thân thiện, hiếu khách, trọng tình nghĩa".

Người phụ nữ đất Quảng bỏ qua mọi lời dị nghị nhận người dưng về chăm sóc, phụng dưỡng như mẹ đẻ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận