Hai chàng trai khuyết tật vượt qua nghịch cảnh, hết mình vì cộng đồng: "Tôi hạnh phúc với những gì mình đang làm"

Lê Viết Thuận và Lương Văn Hiếu là 2 trong số 50 tấm gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm ngoái.

Chi Nguyễn
14:38 24/03/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hết lòng vì người đồng cảnh ngộ

Anh Lê Viết Thuận (SN 1991, trú thôn Đông Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) sinh ra khỏe mạnh, nhưng bị bỏng nặng vì tai nạn đổ đèn dầu. Đôi chân anh từ lành lặn lại bị nhiễm khuẩn vì chữa bằng phương pháp dân gian, phải đi phẫu thuật với phương án cắt những phần xương bị biến dạng để lắp ghép lại.

Sau phẫu thuật, anh Thuận học cách đi lại từ đầu, tốn rất nhiều công sức. Anh kể: "Đôi chân nhỏ bé của tôi đã phải khuỵu xuống đất không biết bao nhiêu lần. Từ một đôi chân rất yếu ớt, sau một thời gian tập luyện gian khổ đã dần cứng cáp hơn, nhanh nhạy hơn và có thể đi lại mà không cần bám".

hai-chang-trai-khuyet-tat-vuot-qua-nghich-canh-het-minh-vi-cong-dong
Lê Viết Thuận (ngoài cùng bên trái) tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện

Có thể đi lại, 9x lại hăng hái đến trường cùng các bạn đồng trang lứa, nỗ lực học hành. Cuối cùng, anh cùng lúc thi đỗ hai trường ở Hà Nội là Học viện Quản lý giáo dục và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH) - ĐHQG Hà Nội. Sau khi suy nghĩ kỹ, anh quyết định theo học ngành Công tác xã hội ở USSH, hi vọng có thể giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. 

Ngay từ khi còn là sinh viên, anh đã thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ sinh viên khuyết tật. Năm 2018, anh đề xuất thành lập CLB Thanh niên khuyết tật trực thuộc Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bắc Giang, được tín nhiệm giao làm chủ tịch. Các thành viên được chia làm 3 nhóm theo mức độ thể trạng. Trong đó nhóm không đi lại được và không thể làm gì được là đáng lo nhất, bởi họ không có thu nhập nào khác ngoài tiền trợ cấp xã hội.

hai-chang-trai-khuyet-tat-vuot-qua-nghich-canh-het-minh-vi-cong-dong
Tất bật với công việc, đi lại trong khi bản thân là người khuyết tật, nhưng tôi hạnh phúc với những gì mình đã và đang làm

Anh tích cực vận động nhà hảo tâm tài trợ mua xe lăn, hỗ trợ sinh hoạt phí cho hội viên khó khăn. Chưa kể, anh còn tìm tới những trường mầm non chuyên biệt, giáo dục đặc biệt để tìm cơ hội làm ăn và bày tỏ mong muốn được hỗ trợ trẻ em khuyết tật nặng ở địa phương.

9x Bắc Giang tâm sự: "Tất bật với công việc, đi lại trong khi bản thân là người khuyết tật, nhưng tôi hạnh phúc với những gì mình đã và đang làm. Dù rằng, bản thân tìm công việc đúng với chuyên ngành đã học chưa thực hiện được để có thu nhập để trang trải cuộc sống vừa hỗ trợ những người cùng cảnh".

Chịu đựng hàng cơn đau buốt để học may, nên duyên vợ chồng vì đồng cảm

Anh Lường Văn Hiếu (SN 1987, dân tộc Tày, quê huyện miền núi Đà Bắc, Hòa Bình) có một tuổi thơ không mấy hạnh phúc. Gia đình anh vốn nghèo khó, cha mẹ lại mất sớm vì tai nạn. Năm 2011, anh không may mắc bệnh lao xương, không có điều kiện chữa trị. Vì thế, từ một thanh niên khỏe mạnh, anh trở thành người khuyết tật, không thể đi lại bình thường.

Tuy vậy, anh không để bản thân bi quan, thay vào đó là cố gắng vượt khó. 8x Hòa Bình tìm tới Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp người khuyết tật Long Thành để học nghề may công nghiệp. Phải mất hơn 3 năm chật vật, từ học hỏi kiến thức, kỹ thuật may,... anh mới có thể thành thạo.

hai-chang-trai-khuyet-tat-vuot-qua-nghich-canh-het-minh-vi-cong-dong
Mình là người khuyết tật nên hiểu rõ nhất những vất vả, khó khăn của người cùng cảnh

Anh tâm sự: "Trong thời gian ở trung tâm, rất nhiều lần tôi bị đau chân buốt tận xương. May mắn có sự quan tâm, động viên của thầy cô, tôi đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại và những cơn đau để tự lập cho bản thân, ổn định hơn cho cuộc sống". 

Giờ đây, anh đã vững tay nghề, có việc làm ổn định, hiện đang là kỹ thuật viên của xưởng. Anh vừa hướng dẫn vừa chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức tới những người đồng cảnh ngộ. Anh kể: "Mình là người khuyết tật nên hiểu rõ nhất những vất vả, khó khăn của người cùng cảnh. Tôi luôn nhắc nhở các bạn thanh niên khuyết tật học may luôn cẩn thận với máy may và trang thiết bị điện trong xưởng may, nhờ đó trong suốt quá trình học và làm việc tại trung tâm không xảy ra tai nạn nào, các bạn khuyết tật yên tâm học và làm việc".

Từ sự đồng cảm ấy, anh nên duyên vợ chồng với một bạn nữ ở trung tâm. Vợ anh là người bị thiểu năng trí tuệ, gia đình bên nhà vợ cũng khó khăn, bố mẹ vợ cũng là người khuyết tật. Thế nhưng, hai vợ chồng anh đều chịu thương chịu khó, lại nhờ các thầy cô ở trung tâm giúp sức, nên cuộc sống dần ổn định hơn, có đồng ra đồng vào.

Theo Tiền Phong

Xem thêm: Lớp học tình thương cho trẻ khuyết tật của những cô giáo về hưu

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận