Chuyên gia chỉ ra 3 thứ cần chuẩn bị càng sớm càng tốt kẻo mất tiền oan
Hầu hết chúng ta đều không để ý tới 3 thứ này cho tới khi biến cố xảy ra và bị mất tiền oan uổng. Người khôn ngoan luôn đi trước nhiều bước, chứ không phải là nước đến chân mới nhảy.
Một ngày nọ vào năm 2009, nữ quản lý dự án Chanel Reynolds bất ngờ nhận được một cú điện thoại kinh hoàng: chồng bà Joe đã gặp tai nạn nghiêm trọng. Không may, sau 1 tuần điều trị ở phòng hồi sức tích cực, ông rơi vào tình trạng sống thực vật. Chanel đành phải chấp nhận rút máy thở cho chồng, và bà cảm thấy vô cùng tuyệt vọng.
Thế nhưng, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Lúc này, Reynolds nhận ra chồng bà có di chúc, nhưng chúng chưa được ký hay công chứng. Bà cũng chẳng rõ về các điều khoản trong đó, không biết thông tin nào về công ty bảo hiểm. Chanel cho biết, bà cảm thấy "bẽ mặt vì quá bối rối và bất lực" khi biết mình không hề chuẩn bị cho điều này.
Sau biến cố bất ngờ này, Reynolds quyết định thay đổi, lập ra trang web gyst.com để chia sẻ bài học của mình. Chuyên gia 50 tuổi này cho biết: "Chỉ cần chúng ta làm những việc này, cuộc sống sẽ dễ thở hơn khi bất trắc xảy ra". Theo bà, có 3 thứ mà ta luôn cần chuẩn bị sẵn sàng, đó là di chúc, kế hoạch dự phòng và quỹ tiền khẩn cấp.
Một người khác cũng trải qua chuyện này là Liz Gendreau, cựu chuyên gia phần mềm IT hiện đã nghỉ hưu sớm. Trước kia, vợ chồng cô nghĩ rằng mình còn quá nhiều thời gian để chuẩn bị, nên chẳng hề quan tâm đến tiết kiệm hay di chúc. Thế nhưng cách đây khoảng 9 năm chồng của Liz là anh Todd Gwiazdowski không may gặp biến chứng khi phẫu thuật. Anh phải nằm viện trong thời gian dài, mất việc và sống dựa vào trợ cấp thất nghiệp. Mọi gánh nặng chi phí đều dồn lên vai Liz.
Cô tâm sự: "Cuộc sống có cả tấn các chi phí mà chưa ai từng nghĩ tới. Thức ăn chuyên dụng, tay vịn cầu thang trong nhà, quần áo đặc biệt". Bảo hiểm y tế không chi trả hết mọi thứ, và các loại chi phí liên tục ập đến. Đó là lúc Liz Gendreau nhận ra tầm quan trọng của quỹ tiền khẩn cấp. Cuối cùng, Liz quyết định phân bổ lại chi tiêu, tập trung vào tiết kiệm để có một khoản tiền dự trữ.
Liz gợi ý rằng ta nên ứng phó ra sao nếu không may gặp các tình huống khẩn cấp. Chẳng hạn, nếu phải chuyển nhà sau vụ cháy hoặc lũ lụt, ta sẽ làm gì? Nếu có con, ta cần có kế hoạch dự phòng trong trường hợp cả hai vợ chồng gặp chuyện và không thể chăm sóc con.
Còn Reynolds thì khuyên rằng, hãy thử đặt câu hỏi "nếu... thì sao?" để xác định đâu là rủi ro mà gia đình ta cần đề phòng. Với bà, việc không có quỹ khẩn cấp vô cùng tồi tệ. Mất việc cộng với quá trình chăm sóc người bệnh lâu dài có thể khiến cho một gia đình phá sản. Nữ chuyên gia này cho biết: "Hãy nghĩ đến những điều bất trắc có thể xảy ra. Tôi sẽ ngủ ngon hơn nếu biết mình đã lo xong những thứ cơ bản nhất".
Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng kế hoạch dự phòng không phải là chỉ cần làm 1 lần là xong. Ta cần phải thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh chúng. Reynolds có thói quen kiểm tra và sinh nhật mình, xem lại bảo hiểm và các giấy tờ liên quan. Nhờ vậy, ta sẽ tạo được một thói quen tốt, biết mình đang có những gì để ứng phó với biến cố.
Những khó khăn ập tới liên tiếp khiến mọi người bị choáng ngợp, bởi họ thường không có kế hoạch cụ thể trong trường hợp khẩn cấp. Reynolds cho biết: "Việc hy vọng mọi chuyện sẽ tốt hơn rất nên làm, nhưng đó không phải là kế hoạch lâu dài".
(Theo CNBC)
Xem thêm: Mất tất cả vì một trận hỏa hoạn, mẹ 3 con kiên cường làm lại từ đầu và nghỉ hưu sớm ở tuổi 37
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận