Tiên phong lập trang trại nuôi cà cuống, nông dân miền Tây bỏ túi nửa tỷ mỗi năm
Mong muốn tìm vật nuôi mới lạ, anh nông dân 8x miền Tây Cao Nguyễn Đô Lăng đã đầu tư trang trại nuôi cà cuống, thu nửa tỷ mỗi năm.
Mày mò nuôi cà cuống kinh tế cao
Ở vùng miền Tây sông nước, anh Cao Nguyễn Đô Lăng (SN 1980, trú ấp Hòa Phú 1, TT.An Châu, H.Châu Thành, An Giang) là người tiên phong nuôi cà cuống, thu nhập nửa tỷ mỗi năm. Anh kể, vào hồi cuối năm 2016, vì muốn thử nuôi con mới lạ, anh lên mạng tìm hiểu rồi tình cờ biết tới mô hình nuôi cà cuống tại Tây Ninh. Sau đó, anh tới trang trại ở Tây Ninh, mua 100 con giống về nuôi thử.
Anh tâm sự: "Cà cuống là loại côn trùng đặc sản, giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường rất lớn, nên tôi đầu tư. Không ngờ, càng nuôi càng mê nên nhân rộng thành trang trại như hiện nay". Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, cà cuống bị chết nhiều, tới hơn 30% tổng số đàn.
Lúc ấy, anh đã có một quyết định táo bạo. Thay vì bán hết lứa đầu để lấy vốn nuôi lứa mới, anh quyết định để toàn bộ cà cuống trưởng thành nuôi thành con bố mẹ. Nhờ sự giúp đỡ của người bạn ở Tây Ninh, lại thêm tìm hiểu trên sách báo, Internet, anh Lăng đã đúc kết nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật để phát triển mô hình này.
Sau 2 năm phát triển, trang trại cà cuống của anh tăng tới 20 bể nuôi, cùng lúc nuôi 500 con bố mẹ và vài ngàn con non. Đến năm 2020, trang trại của anh đã mở rộng tới 1.600 m2, với hơn 30 bồn nuôi cà cuống. Ấy thế mà, trang trại nuôi của anh vẫn không đủ cung cấp cho thị trường, khách muốn mua phải đặt trước.
Cà cuống trưởng thành có thể xuất bán với giá từ 35.000-40.000 đồng/con. Cà cuống bố mẹ có giá trung bình từ 300.000- 350.000 đồng/con, còn ổ trứng cà cuống được bán với giá từ 800.000 - 1.000.000 đồng/ổ trứng. Trước mùa dịch, mỗi tháng anh xuất bán khoảng 500-600 con cà cuống, chủ yếu là cà cuống bố mẹ, sau khi trừ hết chi phí, thu lãi từ 30-40 triệu đồng/tháng.
Cách nuôi cà cuống năng suất cao
Anh Lăng cho hay, điểm đặc biệt của cà cuống là ở tinh dầu. Tinh dầu có chủ yếu ở con đực, ngoài dùng để chế biến món ăn, người ta còn dùng để làm nước mắm. Vị tinh dầu này the the tựa mù tạt, thơm mùi quế, ăn vô 3-4 tiếng sau còn mùi thơm. Anh Lăng cho biết: "Hiện nay, cà cuống được coi là loài côn trùng quý hiếm, có nhiều công dụng như làm thuốc chữa bệnh, ngâm làm nước mắm, chế biến thành các món ăn đặc sản như chiên giòn, chiên bột...".
Về bể nuôi, anh xây bằng xi măng, chiều ngang 1,5 m, dài 2m, cao 0,8. Bể nuôi phải có nắp đậy bằng lưới sao cho cà cuống không bò ra ngoài, chiều cao mặt nước cách đáy bể khoảng 20m. Ngoài ra, anh Lăng còn thả rong rêu, lục bình và đặt thêm cây gỗ để cà cuống có chỗ bám.
Theo anh, cà cuống khá dễ nuôi, ít mắc bệnh và ít hao hụt. Chưa kể, loài này còn đẻ quanh năm, mỗi lần đẻ chỉ cách khaorng 1-1,5 tháng. Thức ăn của cà cuống là côn trùng (nhái, dế, cào cào, châu châu). Để nguồn thức ăn luôn đầy đủ, anh nhân giống ếch và các loại cá kiểng như cá bày màu, lia thia,... để cho cà cuống ăn. Hôm trước đổ thức ăn vào thì hôm sau phải vớt xác các loại làm mồi còn dư ra bỏ để không làm ô nhiễm nguồn nước.
Lão nông miền Tây cho hay: "Cà cuống được xem là món đặc sản nhưng ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm nên việc nuôi loài côn trùng này rất an tâm đầu ra. Hiện tôi đang mở rộng quy mô trang trại, xây dựng thêm bể nuôi để cung ứng con giống ra thị trường".
Theo Thanh Niên, báo An Giang
Xem thêm: Mạnh dạn trồng nấm mối đen "khó tính", 9x Quảng Nam thu lời chục triệu đồng/tháng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận