Bồi hồi ký ức Tết xưa của con trai đại gia nức tiếng Hà Nội

Trong ký ức của ông Nguyễn Thái An, con trai đại gia nức tiếng Hà Nội xưa, Tết từng là một dịp lễ vô cùng ấn tượng, đáng nhớ.

Chi Nguyễn
10:10 23/01/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ở phố Hàng Đào những năm 40 của thế kỷ trước, ai cũng biết gia đình cụ Nguyễn Văn Lợi, một nhà buôn tơ lụa giàu có. Ông Nguyễn Thái An (SN 1943) là con trai trưởng của cụ Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Hồng - một giai nhân đảm đang, tài giỏi.

Trước đây, con phố Hàng Đào được mệnh danh là trung tâm buôn bán quần áo, tơ lụa sầm uất bậc nhất kinh thành Thăng Long. Đó là nơi tập trung rất nhiều thương lái nước ngoài, đặc biệt là người Ấn Độ. 

Bố mẹ của ông Thái An là thế hệ thương lái đầu tiên kinh doanh tiệm vải lớn ở phố. Nhờ nghề vải, gia đình ông trở nên giàu có. 

Tết là giấc mơ của nhiều người 

boi-hoi-ky-uc-tet-xua-cua-con-trai-dai-gia-nuc-tieng-ha-noi

Những ngày giáp Tết, phố phường Hà Nội tấp nập người bán kẻ mua. Ông Thái An vẫn trầm ngâm trong trong căn biệt thự - nơi gắn bó với ông từ những ngày thơ ấu. Ngôi nhà giờ đã cũ, nhuốm màu rêu phong nhưng vẫn giữ được sự bề thế của gia đình giàu có một thời. 

Ông kể về những cái Tết xưa của gia đình mình bằng giọng trầm ấm, xúc động. 

Nhà ông Thái An khi đó có nhiều người ăn kẻ ở. Nhưng gần Tết, người ăn kẻ ở được về quê ăn Tết. Ai muốn ở lại, bố mẹ ông cũng sẵn lòng. Người về được cho tiền, gạo, bánh...

Ông nhớ về ngày chỉ là một cậu bé lên 10 tuổi. Trước Tết 2 tháng, bố mẹ ông đã chuẩn bị mua sắm, tích trữ đồ dùng cho cả Tết. Theo ông, thời đó việc mua sắm rất khó khăn, muốn chọn được đồ ngon, tốt thì phải chuẩn bị từ sớm. Ông cũng như như bao đứa trẻ cùng trang lứa "ngóng Tết như ngóng mẹ về chợ".

Khi không khí mùa xuân bắt đầu đến, 36 phố phường ở Hà Nội lại rực rỡ sắc màu. Những quầy bán pháo, tranh Tết, hoa đào hoa mai nở rộ. Ông lấy những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng của mình chạy ra phố để ngắm tranh và xem ông đồ viết chữ. Nếu còn đủ tiền, ông sẽ tự mua một bức tranh, còn không ông về xin bố mẹ để mua. 

boi-hoi-ky-uc-tet-xua-cua-con-trai-dai-gia-nuc-tieng-ha-noi

Nồi bánh chưng ngày Tết thời đó chính là một phần thưởng lớn đối với trẻ nhỏ và cả người lớn. Người ta mặc định chỉ Tết đến mới có bánh chưng ăn. Ông Thái An cũng háo hức trông bánh chưng và còn đánh dấu một chiếc bánh chưng nhỏ. Sau vài tiếng, chiếc bánh chưng nhỏ sẽ chín trước và những đứa trẻ có thể ăn sớm.

Sự háo hức thể hiện rõ trên khuôn mặt của ông Thái An khi nhắc lại câu chuyện của gia đình. Ông kể, người Hà Thành xưa rất chú trọng thăm hỏi. Cứ đến 30 Tết, người ta lại đến nhà nhau ngồi uống nước hàn huyên, nói chuyện năm cũ và hứa hẹn năm mới tốt đẹp hơn. 

"Sáng mùng 1 Tết, cả nhà tôi được cậu, mợ (bố, mẹ -nv) lì xì lần lượt. Chúng tôi nhận được tiền lại vội cất vào ống tre để tiết kiệm rồi háo hức diện quần áo mới ra ngoài phố chơi", ông Thái An kể.

Nhưng để được đi chơi, nhà phải có người đến xông đất: “Chúng tôi không được phép ra ngoài nếu chưa có người đến xông đất. Mỗi năm cậu mợ tôi đều xem tuổi và nhờ người đến. Nên dù ai nấy đều mặc đẹp, háo hức nhưng vẫn phải đợi. Chúng tôi cứ nhấp nhổm, ra cầu thang ngó xem có người đến không”. 

boi-hoi-ky-uc-tet-xua-cua-con-trai-dai-gia-nuc-tieng-ha-noi
Ảnh minh họa

“Đến khi được ra ngoài, tôi và mấy bạn cùng khu chạy nhảy khắp nơi, tay cầm theo mấy tép pháo. Thi thoảng chúng tôi lại đốt một tép pháo rồi đứng từ xa nghe tiếng nổ râm ran, thích thú vô cùng”, ông An nhớ lại. 

Sau mỗi lần đi chơi, đến giờ ăn, trẻ con lại vội chạy về nhà để được ngồi trước mâm cỗ nhiều món thịt, bánh chưng, bánh kẹo... Trong kí ức của ông Thái An, Tết thời đó giống như giấc mơ.

Tết nay đã khác 

Đồ Tết hiện nay không còn khó mua như trước. Giáp Tết, vợ chồng ông An cùng nhau ra phố, tạt vào mấy hàng quen là có thể sắm rất nhiều đồ chất lượng, hợp giá cả. Bánh chưng, thức ăn không khó kiếm như trước nên lúc nào cần ông bà mới gọi, hoặc sắm một ít bỏ vào tủ lạnh.

Duy chỉ có một điều chưa từng thay đổi so với Tết xưa là chưa năm nào, vợ chồng ông Thái An bỏ lỡ thời khắc giao thừa ở căn biệt thự của gia đình. Nhớ ơn tổ tiên, ông thường chuẩn bị một mâm cỗ cúng ngoài trời để tiễn năm cũ và cầu mong năm mới an khang thịnh vượng. 

boi-hoi-ky-uc-tet-xua-cua-con-trai-dai-gia-nuc-tieng-ha-noi

Các con ông đều đã phương trưởng và ra ở riêng. Nhưng mỗi sáng mùng 1 Tết, gia đình lại sum họp ở căn biệt thự số 72 phố Hàng Đào để chúc mừng năm mới và ôn lại những kỉ niệm đẹp.

Cả nhà cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện vui đầu xuân năm mới. Ông Thái An cũng không quên nhắc nhở con cháu phải luôn tu tâm tính, sống trọn đạo hiếu, chan hòa với mọi người đúng như cách mà bố mẹ ông đã truyền dạy. 

Những ngày tiếp theo, ông lại đi vòng quanh phố, sang hàng xóm láng giềng chúc Tết. Tết với ông bây giờ không còn là "giấc mơ" như trước. Nhưng đó lại là quãng thời gian giá trị nhắc nhở ông về cội nguồn. 

“Những người thế hệ chúng tôi vẫn luôn nhớ về Tết xưa, về những kỉ niệm với tổ tiên, ông bà. Mỗi lần ngắm phố cổ Hà Nội, lòng tôi lại nôn nao cảm xúc, nhớ về hình ảnh Hàng Đào ngày còn cậu, mợ.

boi-hoi-ky-uc-tet-xua-cua-con-trai-dai-gia-nuc-tieng-ha-noi

Với tôi, Tết và truyền thống gia đình khi ấy mãi là những điều trân quý để tôi mang theo suốt cuộc đời, để tôi trao lại cho con cháu về những giá trị truyền thống tốt đẹp”, ông Thái An trải lòng. 

Theo Tú Linh - Vũ Lụa/Vietnamnet

Xem thêm: Những câu chuyện xúc động dịp Tết khiến ai cũng phải rơi nước mắt

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận