Bị cấp trên chèn ép, trù dập, nhiều người đành chấp nhận nghỉ việc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng cao
Tuy tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, khó xin việc do cận Tết, nhưng không ít người vẫn chấp nhận nghỉ việc vì bị cấp trên chèn ép, trù dập.
Ngày cuối tuần, tôi có hẹn cà phê với mấy người bạn học. Mỗi người làm ở một cơ quan khác nhau. Người làm công chức, người làm viên chức, người làm doanh nghiệp nhà nước, người làm doanh nghiệp tư nhân, người làm chủ doanh nghiệp. Cả nhóm bạn thân ngồi tâm sự, chia sẻ đủ thứ chuyện nhưng chủ đề rôm rả nhất vẫn là chủ đề: Ứng xử thế nào khi bị sếp trù dập?
Bạn tôi chia sẻ cô ấy đang rơi vào hoàn cảnh bị sếp ghét bỏ và tìm mọi cách chèn ép trong công việc. Sếp cố tình làm xấu hình ảnh của cô ấy trước các đồng nghiệp khác, tìm cách chuyển gần hết những công việc của cô ấy đang làm cho người khác.
Khi cô ấy trao đổi ý kiến trực tiếp thì sếp không lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của cô. Sếp không công nhận đóng góp của cô ấy đối với công việc chung của cơ quan; mỗi khi cô ấy vắng mặt, sếp luôn nói xấu cô ấy với tất cả mọi người, luôn nói cô ấy làm sai cái này làm sai cái kia để những người xung quanh không hiểu rõ sự việc lại hiểu lầm là cô ấy có nhiều lỗi thật.
Cùng là một sự việc nhưng người khác làm thì không sao, cô ấy làm y như thế liền bị sếp quát mắng và chỉ trích trước mặt mọi người. Sếp còn gây mất đoàn kết nội bộ, giao hết việc cô ấy đang làm cho những người chơi thân với cô ấy nhằm lôi kéo những người đang bảo vệ cô ấy về phía sếp, làm cho mọi người xung quanh cô lập cô ấy...
Nguyên nhân của sự xung đột chỉ đơn giản là cô ấy luôn thẳng thắn can ngăn sếp không làm một số việc gây thiệt hại đến lợi ích của tập thể, làm mất đi một số lợi ích của sếp và không chịu sự điều khiển của sếp nên sếp ghét và muốn thay cô ấy bằng người khác dễ điều khiển hơn và ủng hộ những việc làm sai trái của sếp.
Một người bạn khác lại chia sẻ đang có mâu thuẫn với sếp ở công ty vì sếp đố kỵ với năng lực của cậu ấy. Sếp luôn lo sợ cậu ấy sẽ tranh giành vị trí Trưởng phòng nên luôn dè chừng, muốn đẩy cậu ấy sang phòng khác.
Dù trước đây khi sếp mới lên chức, cậu ấy đã dành hết mọi tâm huyết để hỗ trợ sếp, làm tất cả mọi việc khó khăn nhất cho sếp, âm thầm đứng đằng sau bảo vệ sếp trước mọi lời đàm tiếu về năng lực chuyên môn và quản lý đều yếu kém, không biết làm bất cứ việc gì nhưng vẫn ngồi được vào vị trí trưởng phòng.
Suốt bao năm liền, cậu ấy lăn ra làm việc giúp sức cho sếp, nhưng đến khi sếp đã giữ nhiều chức vụ quan trọng ở công ty, quyền lực có nhiều hơn, anh lại luôn thẳng thắn góp ý khi sếp quyết định sai hoặc khi sếp luôn trốn tránh mọi công việc cấp trên giao, đẩy hết mọi việc khó khăn cho nhân viên làm, bản thân không chịu làm việc, cũng không quan tâm sát sao, đồng hành cùng làm với nhân viên, nhân viên làm xong cũng chẳng thèm đọc, chỉ biết mỗi việc ký.
Một người lãnh đạo đã yếu kém về năng lực lại không biết tôn trọng nhân viên, không biết cảm kích trước sự cống hiến của nhân viên đối với mình và công việc chung, sẵn sàng chửi mắng và chủ động gợi ý nhân viên nghỉ việc.
Một người bạc bẽo như thế thì còn nhân viên nào muốn làm việc cùng? Sau bao nhiêu năm trung thành một cách mù quáng, bỏ qua mọi lời bàn tán không hay về sếp, luôn bảo vệ sếp vô điều kiện, giờ đây cậu bạn tôi vô cùng ân hận vì sai lầm khi không nhận ra bản chất của sếp, đã chọn sai chủ.
Một người bạn khác của tôi cũng vô cùng chán nản vì làm việc ở một cơ quan mà đội ngũ lãnh đạo đa phần là năng lực yếu kém. Những nhân viên có năng lực hơn, thẳng thắn, không chịu nịnh bợ sếp thì bị ghét và bị cô lập. Làm việc tốt không được công nhận mà còn bị trù dập, bị chèn ép, bị nói xấu, bị tung tin đồn không tốt, bị nhiều người đố kỵ cùng liên thủ lại để gây bất lợi cho bạn ấy.
Mấy người bạn của tôi đều có chung đặc điểm là có mâu thuẫn với sếp, làm bất cứ việc gì cũng khiến sếp khó chịu, căng thẳng và tìm mọi cách gạt họ ra khỏi mọi công việc quan trọng nên các bạn của tôi cảm thấy vô cùng ức chế chỉ muốn nghỉ việc. Lần nào gặp nhau cũng nghe chuyện đứa này đứa kia bức xúc với sếp và muốn tìm chỗ làm việc mới.
Quan điểm của tôi là môi trường công sở giống như một xã hội thu nhỏ với nhiều nét cá tính và lập trường khác nhau từ sếp đến đồng nghiệp. Không phải ai cũng có may mắn được làm việc với một người sếp tốt, thế nên những va chạm, xung đột diễn ra giữa sếp với nhân viên đôi khi khó tránh khỏi.
Dù làm ở cơ quan nào đi chăng nữa cũng sẽ không tránh khỏi va chạm trong quan hệ sếp với nhân viên hoặc giữa các nhân viên với nhau. Ở môi trường nào chả tồn tại lòng đố kỵ, sự ghen ghét, cạnh tranh, đấu đá với nhau vì lợi ích, vì chức quyền. Nếu cứ có mâu thuẫn mà nghỉ việc chuyển đi nơi khác liệu rằng nơi mới có tốt hơn không? Hay là lại đến một nơi còn tồi tệ hơn nơi cũ?
Khi đã lỡ chuyển công tác khi đang không còn trẻ là một sự mạo hiểm vô cùng lớn. Bởi không phải ai cũng may mắn được vào làm ở môi trường làm việc tuyệt vời. Nhiều người sau khi chuyển công tác xong mới thấy hối hận vô cùng. Nhưng cuộc đời làm gì cho chúng ta cơ hội để làm lại nhiều lần. Ở môi trường nào cũng có những phức tạp riêng đòi hỏi chúng ta phải học cách thích nghi. Chỉ khi nào chúng ta đã làm đủ mọi cách mà vẫn không thể dung hòa, không thể hóa giải mọi mâu thuẫn để làm việc thì mới nên chuyển việc khác.
Theo tôi, cách ứng xử khi bị sếp trù dập đó là: Xác định rõ bạn có đang thực sự bị sếp trù dập hay không? Nếu có điều đó thì trao đổi thẳng thắn với sếp về các vấn đề đang vướng mắc giữa hai bên. Bạn nên nhớ một điều rằng sự cam chịu chỉ càng khiến bạn ít nhiều bị ấm ức ở trong lòng.
Hơn nữa nó còn khiến cho những người đồng nghiệp khác nhìn về bạn với những ánh mắt vừa thương hại lại vừa có chút gì đó coi thường. Họ thấy bạn thật sự nhu nhược vì đến bản thân mình cũng không thể tự bảo vệ nổi. Mỗi khi sếp nổi cơn lôi đình vô cớ, bạn đừng vội phản ứng gay gắt lại luôn vì sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa và bạn là người chịu thiệt nhất.
Bạn hãy im lặng cho sếp xả giận. Bạn hãy suy nghĩ nghiêm túc xem mình có lỗi ở chỗ nào không. Nếu bạn sai thì mạnh dạn nhận lỗi. Nếu bạn không sai thì chờ lúc sếp nguôi giận, bạn mới vào gặp sếp để nói chuyện một cách thẳng thắn, rõ ràng. Có đôi khi, bạn cần phải đưa ra sự phản ứng lại sự đổ lỗi của sếp cũng là để sếp của bạn biết rằng bạn quả thực không phải là một kẻ nhu nhược và ngu ngốc, bạn không dễ gì để cho họ chèn ép bạn được đâu.
Bạn nên hạn chế cãi nhau tay đôi với sếp ngay ở trong văn phòng làm việc hoặc là hùng hổ tuyên bố sẽ nghỉ việc. Dù cho bạn biết rõ sếp đang cố ý đổ lỗi cho mình, bạn hoàn toàn không có lỗi thì cũng không nên làm điều đó. Bạn nên tự minh oan cho mình đúng lúc, đúng thời điểm sẽ tốt hơn cho bạn.
Nếu đã nói chuyện rõ ràng mà sếp vẫn tiếp tục chèn ép, gây khó khăn trong công việc thì bạn nên thu thập bằng chứng bạn bị chèn ép vô lý. Chúng có thể là hình ảnh, tin nhắn được ghi chú rõ về thời gian và địa điểm cụ thể. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho bạn nếu cần làm việc với những người có trách nhiệm cao hơn. Việc tiếp theo cần làm là báo cáo sự việc với cấp quản lý cao hơn của bạn.
Việc quan trọng nhất là phải làm tốt công việc của bạn và không để bị ảnh hưởng bởi sếp. Thông thường khi bị sếp ghét ra mặt, họ sẽ luôn tìm cớ để bắt lỗi và chỉ trích bạn. Tại thời điểm này, điều duy nhất bạn cần làm là luôn hoàn thành tốt công việc được giao một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, bạn cần có những lời nói và hành động để ngầm chứng minh rằng bản thân không hề có lỗi gì và xứng đáng được tôn trọng nhiều hơn.
Thay vì bức xúc, buồn bực, khó chịu với sếp thì bạn nên dành thời gian để có thể thư giãn nhiều hơn đối với gia đình, với bạn bè. Một tâm thế tự tin, một thái độ lạc quan và tinh thần làm việc vui vẻ, phấn chấn sẽ giúp cho bạn điều hướng mọi việc theo chiều hướng tích cực hơn, mọi việc rồi sẽ đi vào quỹ đạo êm xuôi của nó.
Bạn nên cố gắng khẳng định bản thân mình, sau đó tạo ra cho mình một vị trí quan trọng để chính sếp cũng như những người bạn đồng nghiệp khác có thể nhận ra được giá trị của bạn. Khi có được những giá trị này thì dù cho sếp của bạn có muốn cũng chẳng thể dễ dàng gì chèn ép bạn hay tìm cách đuổi bạn sang vị trí khác vì họ cần có bạn.
Cuối cùng, sau khi bạn đã cố gắng làm mọi việc ở trên mà sếp vẫn không thay đổi cách đối xử với bạn, vẫn luôn tìm mọi cách chèn ép bạn, gây bất lợi với bạn làm cho mỗi ngày đi làm của bạn đều giống như tra tấn về tinh thần thì bạn mới nên cân nhắc chuyện thay đổi công việc.
Một khi mà người sếp của bạn cố tình không muốn nhìn nhận và ghi nhận những sự nỗ lực về việc mong muốn hàn gắn của bạn thì bạn có làm cách nào đi chăng nữa cũng là vô ích. Nếu như không chịu đựng được nữa, quyết định nghỉ việc và rời khỏi công ty sẽ là quyết định chẳng có gì khiến bạn phải hối tiếc nữa đâu. Một môi trường làm việc luôn tồn tại vấn đề chèn ép, bị sếp tồi ghét và bè phái không thực sự là một nơi phù hợp để phát triển hay tạo dựng các mối quan hệ.
Bạn có thể bắt đầu tìm kiếm những cơ hội tốt hơn với một môi trường làm việc phù hợp hơn để cảm thấy thoải mái nhất, không ảnh hưởng đến năng suất lao động, tìm kiếm một môi trường mới có cơ hội cho bạn phát triển sự nghiệp vì dùng phương pháp "nhẫn nại" thì sẽ lãng phí tuổi xuân, tài năng và cơ hội tạo dựng sự nghiệp của bạn.
Làm gì khi bị sếp chèn ép không phải là một câu hỏi dễ trả lời. Tuy vậy, nếu bạn có trực giác nhạy bén, tinh tế cùng hành động thấu đáo, bạn có thể vượt qua khó khăn này trong công việc. Trong những tình huống như thế, bạn cần ghi nhớ điều này: Bạn luôn luôn xứng đáng được đối đãi tốt hơn trong cả công việc lẫn cuộc sống.
Không ai có quyền đối xử bạc bẽo với bạn. Nếu bạn không biết cách ứng xử, cứ âm thầm, nhịn nhục chịu đựng sự chèn ép, đối xử bạc bẽo hết ngày này qua ngày khác của sếp hay đồng nghiệp, không có cách nào thoát ra khỏi tình trạng tồi tệ đó thì chính bạn là người có lỗi vì không biết cách tự bảo vệ chính mình, không biết cách yêu thương bản thân mình.
Theo Vũ Thị Minh Huyền/VnExpress
Xem thêm: Nghỉ việc để làm freelancer, nhiều người trẻ vỡ mộng trước thực tế phũ phàng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận