Hồ Quốc Thống: Anh đánh giày trở thành nhiếp ảnh gia, sẵn sàng dạy nghề để trả ơn đời

Năm xưa, nhờ khóa học chụp ảnh miễn phí mà anh đánh giày Hồ Quốc Thống đổi đời. Giờ đang làm chủ studio ảnh cưới, anh lại tình nguyện dạy nghề cho những ai cần. 

Chi Nguyễn
14:41 08/02/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Con nhà nghèo nghỉ học đi bụi, đánh giày kiếm sống

Anh Hồ Quốc Thống tâm sự, anh là con cả trong gia đình có 3 người con ở Quảng Ngãi. Nhà nghèo, bố mẹ làm nông nên chỉ lo cho các con đủ ăn đủ mặc. Năm 12 tuổi, anh đành nghỉ học, theo bà con trong làng lên Sài Gòn kiếm sống, ở nhờ nhà người cậu tại quận 3. Cậu anh cũng chỉ là người đi thu mua ve chai, mỗi ngày anh lại bám chân cậu đi cùng để bán vé số.

anh-danh-giay-ho-quoc-thong-vuot-kho-thanh-tho-chup-di-tra-on-doi
Anh Hồ Quốc Thống. Ảnh: HTV

Được biết, anh Thống có bàn tay trái bị tật, khó cầm nắm, nên ngày đó hay bị giật vé số, có hôm hết vốn. Ở với cậu được 1 năm thì gia đình gặp biến cố, anh đi ở trọ với mấy người đồng hương, chuyển sang bán báo. Năm 16 tuổi, anh lại cùng bạn bè ra ở riêng, làm đủ nghề từ đánh giày, bán vé số, phụ hồ. Những hôm hết tiền, không còn thuê trọ được, anh cùng các bạn lại kéo nhau ngủ gầm cầu, sân chung cư, tắm giặt ở nhà vệ sinh ở sân ga.

Anh Thống nhớ lại, sau 3 năm xa quê, anh chưa từng dư ra khoản tiền nào để gửi về cho gia đình. Mỗi năm chỉ dám gửi cho gia đình một lá thư, còn đâu lại nai lưng ra làm việc. Anh nhớ lại: "Tôi đã trở thành trẻ bụi đời đúng nghĩa". Đã có lúc anh sa ngã, nhưng may mắn vẫn thoát ra được, vì lại nhớ về bố mẹ, gia đình và quyết tâm không để mất mặt.

Từ anh đánh giày đến thợ chụp ảnh chuyên nghiệp

anh-danh-giay-ho-quoc-thong-vuot-kho-thanh-tho-chup-di-tra-on-doi
Hồ Quốc Thống trong một buổi chụp hình cưới cho khách, đầu năm 2022. Ảnh: NVCC

Hồi năm 2003, trong một lần đang đi đánh giày, anh tình cờ gặp lại người bạn cũ. Cậu bạn năm xưa từng cùng anh ngủ gầm cầu, nay đã có trong tay cái nghề nhiếp ảnh, kiếm được đồng ra đồng vào. Thấy người bạn cùng cảnh giờ ăn mặc sạch sẽ, có tiền, Thống nhờ xin để được học. Anh được nhận vào lớp nhiếp ảnh căn bản của Hội bảo trợ trẻ em đường phố quận Bình Thạnh (Tp.HCM).

Trong suốt 3 tháng trời, cứ sáng anh lại đi học chụp ảnh, chiều về đánh giày kiếm ăn. Anh nói: "Lần đầu tiên chạm vào máy ảnh, tôi đã tin đây là cơ hội đổi đời của mình". Học xong, thấy anh tỏ ý muốn tiếp tục trau dồi kĩ năng, người quản lý đã giới thiệu anh đến mái ấm "Trẻ lớn hội nhập nghề nghiệp" quận Bình Thạnh. Ở đây, anh được nuôi ăn ở, đi làm ở tiệm ảnh tại quận 5 với công việc xử lý hậu kỳ.

Năm 2004, nản lòng vì chưa có lương chính thức, anh Thống lại xin nghỉ học rồi tìm việc mới. Cuối cùng, anh được nhận vào làm tại studio ảnh cưới với mức lương 2,8 triệu đồng, bao ăn cơm trưa. Tiếp đó, anh xin ra làm riêng, từ nhân viên của tiệm trở thành đối tác xử lý hậu kỳ, mỗi ngày có vô số đơn hàng.

Công việc ngày càng thuận lợi, sau 1 năm anh đã để dành được số tiền kha khá, mua được xe máy và dàn máy tính mới. Anh kể: "Đây cũng là lúc tôi dẫn em gái vào Sài Gòn lo học đại học còn em trai thì học nghề quay phim. Sau 8 năm rời quê, tôi đem được một số tiền về phụ ba mẹ sửa nhà". 

Dạy nghề để trả ơn đời

anh-danh-giay-ho-quoc-thong-vuot-kho-thanh-tho-chup-di-tra-on-doi
Quốc Thống (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) được bình chọn là Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2007

Tay nghề cao hơn, nhiều học viên khóa sau của mái ấm được gửi gắm tới anh Hồ Quốc Thống đào tạo nghề. Năm 2007, anh vinh dự trở thành "công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM", được Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam hỗ trợ vốn. Anh vay khoảng 85 triệu, mở một studio ảnh cưới ở quận 12, vừa làm vừa dạy nghề để "trả ơn đời". Suốt 15 năm qua, anh đã đào tạo được hàng trăm tay máy, không ít người đã có sự nghiệp ổn định.

Anh Lê Tấn Tây (33 tuổi, Quảng Ngãi) là một trong những học trò mà anh Thống nhớ mãi. Anh Tây có bằng cao đẳng, nhưng không xin được việc vì có một chân trái bị tật. Năm 2016, cha anh Tây tình cờ gặp anh Thống ở một đám cưới, thấy anh có khiếm khuyết ở tay mà chụp hình giỏi nên đã lại trò chuyện. Biết anh còn dạy nghề miễn phí nên xin cho con trai theo học. 

anh-danh-giay-ho-quoc-thong-vuot-kho-thanh-tho-chup-di-tra-on-doi
Anh Thống dạy nghề cho học trò. Ảnh: Người Lao Động

Tây được nhận ngay sau đó, sau 2 năm anh về quê mở một studio chụp hình gia đình, em bé. Anh kể: "Ban đầu tôi ngại chụp hình cưới, vì nghĩ mình khiếm khuyết không làm được nhưng bây giờ tôi có thể tự tin làm tốt. Nhờ anh Thống mà cuộc đời tôi rẽ sang một trang tốt đẹp hơn".

Hiện tại, dù đã giúp đỡ được nhiều mảnh đời khó khăn, anh Thống vẫn luôn trăn trở. Anh hi vọng công việc sẽ ổn định hơn, để anh mở một lớp nhiếp ảnh miễn phí như ngày xưa mình được học. Với anh, cuộc đời đã ưu ái cho anh nhiều cơ hội đổi đời, nên anh cũng muốn được trả ơn bằng cách cho đi. Anh tâm sự: "Lúc đó, tôi chỉ toàn tâm truyền nghề mà không phải lo chuyện cơm áo. Năm nay tôi 36 tuổi, tôi thấy mình vẫn trẻ và tin trong tương lai mình sẽ làm được".

Theo Diệp Phan/VnExpress

Xem thêm: Nguyễn Minh Lương: Lão nông An Giang bỏ tiền tỷ để làm từ thiện suốt hơn 10 năm

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận