9x Bến Tre thử sức khởi nghiệp với mộng dừa, tưởng phế phẩm hóa ra kiếm bộn tiền
Thử sức khởi nghiệp với mộng dừa, 9x Bến Tre Võ Đức Anh đã tìm ra hướng đi mới, gia tăng thu nhập trong chuỗi cung ứng thành phẩm từ dừa.
Anh Võ Đức Anh (26 tuổi, Phó bí thư Đoàn P.An Hội, Bến Tre) tâm sự, cả cuộc đời anh gắn liền với những trái dừa. Vì thế, anh luôn hi vọng, thứ nông sản quê hương này có thể phát triển hơn nữa, đem lại kinh tế cho bà con.
9x Bến Tre cho biết: "Khi trái dừa đã đủ độ già, vỏ sẽ chuyển dần từ màu xanh sang nâu đen và rụng xuống đất. Tùy vào nhiệt độ, ánh sáng phù hợp sẽ xuất hiện mộng dừa hay còn gọi là mầm dừa, phần lõi trắng nằm bên trong trái dừa khô. Ở quê mình, khi mọi người bổ trái dừa khô ra, nếu có mộng thì bỏ đi hoặc ăn cho vui, còn việc tạo ra giá trị kinh tế hầu như không có.
Trước đây, mình quen một gia đình chuyên sản xuất cơm dừa. Để làm ra sản phẩm, họ phải ủ hàng chục ký dừa mỗi ngày. Trong quá trình ủ, trái dừa cũng hình thành mộng bên trong. Nhưng mộng dừa thì mọi người không dùng đến, vứt đi lại lên men, hôi thối… Từ nhỏ mình đã rất thích ăn mộng dừa, nên mình bắt đầu suy nghĩ đến việc tạo ra một sản phẩm từ loại phụ phẩm này".
Nghĩ là làm, anh bắt đầu mày mò khởi nghiệp, đi học hỏi kinh nghiệm các thầy cô ở ĐH Tiền Giang. Để có quy trình sản xuất chuẩn chỉnh, anh đã mất hơn 2 tháng nghiên cứu.
Qquy trình chế biến mộng dừa sấy dẻo bắt đầu bằng công đoạn xử lý nguyên liệu, loại bỏ những mộng dừa vỡ vụn hoặc có mùi chua. Sau đó làm sạch bề mặt mộng dừa rồi cắt nguyên liệu theo hình dạng múi cau. Tiếp theo là ngâm nguyên liệu với dung dịch đường (lượng đường tùy vào kích thước của sản phẩm).
Mộng dừa đã ngâm nước đường đi sấy theo phương pháp sấy đối lưu, tạo nên mộng dừa dẻo. Còn sấy thăng hoa, hút hết nước, tạo độ ẩm dưới 1% sẽ giúp sản phẩm giòn tan. Nếu công đoạn này không đúng theo quy trình hoặc lệch thì thành phẩm không đạt về màu sắc, mùi vị và tệ hơn là không đạt độ ẩm để bảo quản được hơn 6 tháng.
Mộng dừa được sấy xong sẽ phân loại theo kích cỡ, rồi rà soát để loại bỏ những sản phẩm không đạt chất lượng. Tiếp đó, mộng dừa được đóng gói bao bì hoàn chỉnh, kèm theo công đoạn hàn nhiệt, cuối cùng là dán nhãn, thời hạn sử dụng. 9x tự hào: "Mộng dừa sấy của mình có vị ngọt, vẫn còn hương vị đặc trưng".
Là giảng viên trực tiếp hướng dẫn Đức Anh trong quá trình hoàn thiện sản phẩm mộng dừa sấy, bà Phạm Đỗ Trang Minh, Phó trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Tiền Giang, đánh giá cao những sáng tạo mà Đức Anh thực hiện. Dự án này không chỉ giúp tăng thu nhập trong chuỗi cung ứng thành phẩm từ dừa mà còn giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường khi người dân vứt đi những mộng dừa không sử dụng.
"Đây là một sản phẩm tiềm năng vì mộng dừa chứa chất xơ, một số khoáng chất, a xít hữu cơ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong quá trình sấy dẻo phải thận trọng để thành phẩm không còn chất béo no, nhờ thế những người béo phì, có bệnh về tim mạch vẫn dùng được", cô Minh góp ý.
Chị Lâm Như Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre, cho hay Đức Anh là một gương sáng trong lập nghiệp, sáng tạo, nghiên cứu để giúp sản phẩm bản địa phát triển hơn.
"Mộng dừa sấy là sản phẩm mang lại giá trị cao, gia tăng thu nhập trong chuỗi cung ứng thành phẩm từ dừa. Trong thời gian sắp tới, tỉnh Đoàn sẽ hỗ trợ Đức Anh trong việc chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm, cũng như hỗ trợ đầu ra bằng các chương trình hội chợ, triển lãm, truyền thông...", chị Quỳnh chia sẻ.
Theo báo Thanh Niên
Xem thêm: Mày mò khởi nghiệp với nặn đất sét, nào ngờ đút túi đều đặn 20 triệu/tháng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận