5 thói quen hữu ích của người giàu khiến họ ngày càng giàu hơn: Đơn giản, nhưng mấy ai làm được?
Nhờ áp dụng 5 thói quen này, người giàu ngày càng trở nên giàu có, còn người thường cũng có thể đổi đời nếu kiên trì.
Hầu hết chúng ta khi đang bước trên con đường làm giàu vẫn còn bị “mắc kẹt” trong những mộng tưởng do mình tự đặt ra: Mơ làm giàu trong một đêm, mơ trúng số, mơ trở thành phú nhị đại, mơ được tự do tài chính… nhưng lại không dám hành động.
Nhưng với một số người đã tiến xa hơn trên con đường làm giàu, họ luôn bắt mình phải tuân thủ 5 điều này để bản thân “giàu càng thêm giàu”. Nếu bạn còn đang “lạc lối” trong những giấc mơ, thì 5 điều này sẽ là kim chỉ nam giúp bạn có bước khởi đầu vững chắc để giàu có hơn..
Thống kê chi tiêu
Thống kê chi tiêu có thể cho ta biết hiện tài sản của ta còn bao nhiêu, phân bổ tài sản có hợp lý không, tiêu dùng hàng tháng là bao nhiêu, thu nhập hàng tháng là bao nhiêu, tỷ lệ số dư cao hay thấp…
Blogger siêu nổi tiếng trên Douban - Tam công tử V, cũng bắt đầu kế hoạch quản lý tài chính của mình từ việc lập sổ chi tiêu. Cô đã viết trong “5 năm trước khi làm việc quyết định con đường làm giàu của cả đời bạn” rằng:
Lập ngân sách, kiểm soát tiêu dùng và thống kê kịp thời là một phần quan trọng trong công cuộc tiết kiệm của tôi vào thời điểm đó.
Lập ngân sách tiêu dùng vào đầu mỗi tháng, thống kê thu chi hàng ngày, kiểm tra sổ chi tiêu mỗi tuần một lần, điều chỉnh kịp thời tình hình chi tiêu, nhắc nhở bản thân khi xuất hiện những khoản chi vượt quá ngân sách và cân nhắc những khoản chi thích đáng.
Thông qua việc ghi thống kê chi tiêu và xem xét lại, chúng ta có thể phát hiện ra những yếu tố “latte factor” (số tiền nhỏ được chi mỗi ngày mà ta không để ý tới) trong cuộc sống, từ đó loại bỏ nó để hình thành thói quen tiêu dùng tốt và tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
Rèn thói quen tiêu dùng hợp lý
Nếu bạn thực sự giàu có, bạn có thể vung tiền cho những món hàng hiệu. Nhưng nếu bạn chỉ là một người bình thường đang cố gắng làm giàu, thì kiểu chi tiêu đó sẽ khiến bạn mãi không thể trở nên giàu có.
Biết bao nhiêu người bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của “lớp ngụy trang sang trọng” mà không thể thoát ra. Để theo đuổi một cuộc sống xa hoa, họ không ngần ngại chi tiêu vượt quá khả năng của chính mình.
Rõ ràng lương tháng chỉ có 3.000 triệu đồng, nhưng lại tiêu 30.000 triệu mỗi tháng cho túi hàng hiệu, mỹ phẩm đắt tiền và những chuyến du lịch thường xuyên. .
Những người như thế cho rằng cuộc đời quá ngắn, và đó là cách đúng đắn để có được hạnh phúc. Châm ngôn sống của họ là: Ngàn vàng khó mua được sở thích; Tiền của hôm nay hôm nay tiêu. Và kết quả? Họ tự nhiên biến mình thành nô lệ của những ham muốn nhất thời.
Ham muốn vật chất không bao giờ có hồi kết. Thói quen tiêu dùng không hợp lý sẽ chỉ khiến con người dần đánh mất mình trong thế giới hào hoa, khiến bản thân ngày càng khó sống.
Trong kinh tế học có một khái niệm gọi là “bẫy thu nhập thấp”, đại khái là nếu thu nhập của một người không được tích lũy thì sẽ hình thành một vòng luẩn quẩn, khiến con người ta ngày càng nghèo đi. Chạy đua với thời thượng càng nhiều thì tiền gốc của bạn càng ít, chỉ khi bỏ thói quen tiêu dùng không hợp lý, bạn mới có thể từ từ tích lũy tài sản cho riêng mình.
Vì vậy, nếu có thói quen tiêu dùng tốt thì bạn sẽ không tiêu tiền bừa bãi, nhờ đó bạn sẽ có khoản tiết kiệm và ngày càng giàu có.
Chú ý đến những khoản tiền nhỏ
Những người càng ngày càng giàu, họ đều coi trọng những khoản tiền không lớn, họ sẽ trân trọng từng đồng tiền nhỏ mà họ kiếm được.
Thế làm thế nào để tận dụng “những khoản tiền nhỏ” đó? Có rất nhiều cách, ví dụ: Khi mua sắm tại trung tâm thương mại hoặc siêu thị, hãy chú ý đến ngày ưu đãi của thẻ ngân hàng, nhiều ngân hàng sẽ phát hành coupon vào những ngày nhất định.
Kiếm tiền cũng vậy. Một blogger ở Trung Quốc đã đưa blog cá nhân ban đầu chỉ vỏn vẹn vài lượt xem trở thành trang blog đem về cho cô vài nghìn NDT mỗi tháng, thế nhưng, cô luôn coi trọng từng khoản tiền nhỏ.
Trong một bài đăng của mình, cô nói rằng bản thân chỉ có hơn 100 USD trên thị trường chứng khoán, nhưng theo kỷ luật đầu tư của riêng mình, mỗi tháng cô đều thu vào hơn 2.000 USD từ khoản đầu tư nhỏ đó.
Cô cho biết: Mỗi khoản tiền nhỏ đều là động lực để ta tập trung kiếm tiền. Bạn không thể tạo ra một con sông nếu không có những dòng suối nhỏ!
Dám tiêu tiền
Một số người cảm thấy rất lạ, dám tiêu tiền cũng là một cách giúp ta giàu lên sao? Có người hàng tháng tiêu tiền như nước, thế sao họ lại càng nợ nần chồng chất, không thấy giàu lên chút nào?
Đó là vì họ đã “tiêu” sai cách!
Dám tiêu tiền không phải là lãng phí tiền. Nếu bạn muốn ngày càng trở nên giàu có, bạn phải học cách đầu tư vào bản thân, học tập suốt đời và đúc rút kinh nghiệm.
Thay vì mua những món hàng xa xỉ, hãy tiêu tiền của bạn cho những trải nghiệm: Mua các khóa học viết để cải thiện kỹ năng viết và kiếm nhiều tiền hơn thông qua viết lách; mua các khóa học quản lý tài chính để có thêm kiến thức về quản lý tài chính và phân bổ tài sản gia đình hợp lý; mua các khóa học nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện bản thân để được thăng chức và tăng lương… Đây mới là những khoản đáng để "đổ tiền" vào một cách có chủ đích.
Hợp lý hóa các mối quan hệ xã hội
Những người có trình độ cao sẽ dành thời gian để ngăn chặn những khoản lỗ kịp thời, chứ không lãng phí thời gian cho những cuộc giao tiếp xã hội vô ích.
San San là một ví dụ điển hình.
Bạn bè thích đi mua sắm và thường kéo San San đi cùng. Mỗi lần mua sắm rất tốn thời gian và công sức nên trước khi bước vào trung tâm thương mại, bạn bè luôn rất chu đáo mua cho San San đồ uống yêu thích để bổ sung năng lượng cho cô. Sau mỗi cuộc "càn quét", bạn bè của cô đều mua rất nhiều quần áo và tiền trong thẻ của họ cũng sắp hết.
Đến giờ ăn trưa, bởi vì bạn bè đã mời San San uống nước, vả lại họ đã tiêu rất nhiều tiền cho quần áo, nên bữa trưa thường do San San thanh toán.
Khao bữa trưa một lần thì không sao, nhưng nhiều lần như thế khiến San San nhận thấy mình đang “cháy túi” vì phải thanh toán bữa trưa cho cả nhóm, cộng thêm những lời xúi giục của nhóm bạn, cô thường mua những món đồ không cần thiết.
Mỗi lần đi mua sắm vừa tốn tiền vừa lãng phí thời gian, điều này rất mâu thuẫn với ý định ở nhà đọc sách ban đầu của San San, đây chẳng phải là một ví dụ điển hình của việc lãng phí thời gian và tiền bạc cho những mối quan hệ xã hội vô ích sao?
Vì vậy, hãy học cách buông bỏ và tạm biệt những mối quan hệ xã giao vô bổ!
Theo Toutiao
Xem thêm: 4 điều người giàu chú tâm dạy con: Chẳng trách có sự khác biệt đến thế với người thường
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận