3 bài học đắt giá từ bữa trưa trị giá 15 tỷ đồng với Warren Buffett: Cái gì cũng có giá của nó
Hai nhà đầu tư Guy Spier và Mohnish Pabrai đã quyết định chi tới 650.000 USD (khoảng 15 tỷ đồng) trong buổi đấu giá từ thiện để được ăn trưa với Warren Buffett.
Warren Buffett là một vị doanh nhân huyền thoại, người được mệnh danh là "nhà hiền triết xứ Omaha". Ông nổi tiếng bởi khả năng đầu tư thần sầu qua nhiều năm tháng, và những lời khuyên về thành công đắt giá. Tất nhiên, không phải ai cũng có cơ hội được gặp gỡ và trò chuyện với vị tỷ phú 91 tuổi này, chứ đừng nói là được nghe những lời khuyên "đáng đồng tiền bát gạo" từ ông. Để làm được điều đó, hoặc là ta phải là một người bạn thân thiết với Buffett, hay đơn giản là ta đấu giá thành công "bữa trưa với Buffett".
"Bữa trưa với Buffett" còn được gọi là "bữa trưa quyền lực" cũng đã trở thành một lệ thường suốt nhiều năm qua. Người đấu giá thành công có những quyền lợi cụ thể được quy định, nhưng đặc biệt nhất là người chiến thắng được phép mời tối đa 7 người bạn đi cùng trong bữa ăn trưa tại nhà hàng bít tết cao cấp Smith & Wollensky tại New York với Warren Buffett. Buổi đấu giá cơ hội ăn trưa với vị tỷ phú 91 tuổi này do trang eBay tổ chức, đã ghi nhận số tiền kỷ lục vào năm 2020 là 4,5 triệu USD.
Vào năm 2007, hai nhà đầu tư đã quyết định tham gia đấu giá để có thể có cơ hội ăn trưa với Waarren Buffett. Mohnish Pabrai và Guy Spier đã chi 650.000 USD (tương đương hơn 15 tỷ đồng) trong một buổi đấu giá từ thiện cho quỹ từ thiện cung cấp dịch vụ xã hội cho người nghèo và vô gia cư Glide. Không ít người coi đây là một bữa ăn quá đắt đỏ chỉ trong vòng 2 tiếng rưỡi, nhưng Spier và Pabrai chia sẻ với Squawk Box rằng: "Nó đáng giá từng xu".
Guy Spier là nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi tiếng, là người điều hành quỹ Aquamarine Fund với kỷ lục về lợi nhuận lên tới 463%. Ông là nhà phân tích thị trường nổi tiếng, thường xuyên xuất hiện trên các báo như CNN, CNBC, Bloomberg. Trước kia, ông là một "cò mồi" tại quỹ đầu tư chuyên kinh doanh cổ phiếu "rác" ở phố Wall, đã quyết định làm lại từ đầu khi tìm hiểu trường phái đầu tư giá trị và biết tới Warren Buffet và Charlie Munger.
Mohnish Pabrai là người vô cùng khâm phục Warren Buffett, luôn giữ tâm niệm rằng: "Hãy đi theo dấu chân của những nhà đầu tư huyền thoại, không cần khai phá đường đi mới mà chỉ cần lần theo lối cũ". Theo đó, khoảnh khắc mà ông biết đến tới cái tên Buffett thì "chính nhờ cái chớp mắt ngẫu nhiên của số phận ấy mà Pabrai rẽ đi theo một hướng khác". Pabrai là một doanh nhân, nhà đầu tư có tiếng, đồng thời là một nhà từ thiện hào phóng từng sáng lập Quỹ Dakshana giúp trẻ em nghèo trên toàn thế giới được đến trường.
Sau bữa ăn trưa với Warren Buffett, nhà đầu tư Pabrai tâm sự: "Tôi nghĩ chúng tôi sẽ sẵn sàng trả nhiều hơn thế. Cái gì cũng có giá của nó". Dưới đây là 3 bài học kinh doanh mà họ đã rút ra sau bữa trưa đắt giá với vị CEO của Berkshire Hathaway:
Chính trực là yếu tố đi đầu trong kinh doanh
Trong buổi ăn trưa, Warren Buffett liên tục đề cập tới cách ông và "cánh tay phải" Charlie Munger làm việc - đó là tiếp cận sự thật, trung thực và chính trực. Vị tỷ phú 91 đã đưa ra câu hỏi rằng: "Liệu anh muốn được thiên hạ ca ngợi là người tình tuyệt nhất trên thế giới, nhưng tự thân biết mình là kẻ tệ nhất? Hay anh muốn bị coi là người tình tồi tệ nhất thế giới, nhưng tự thân anh biết mình là người tuyệt nhất?... Nếu anh biết làm thế nào có câu trả lời đúng, thì anh đã có quyết định cho riêng mình rồi".
Buffett nổi tiếng là một nhà đầu tư chính trực, và ông luôn tìm kiếm đức tính này ở tất cả các nhân viên. Trong một buổi phỏng vấn, vị tỷ phú này từng nói rằng: "Một sinh viên đại học có thể quyết định con người mình sẽ trở thành ở tuổi 60. Nếu họ không có tính chính trực từ bây giờ, thì họ sẽ không bao giờ có".
Học cách nói không
Warren Buffett từng nói rằng: "ự khác biệt giữa những người thành công và những người thực sự thành công là những người thành công thực sự nói không với hầu hết mọi thứ". Điều đó được thể hiện qua lịch trình làm việc mỗi ngày của ông, khi mà ông cho Pabrai và Spier xem. Spier nhớ lại: "Ông ấy thích để thời gian của mình không bị gò bó, và để rất nhiều khoảng trống cho hành động ngẫu hứng".
Nhiều năm sau, Buffett vẫn luôn giữ thói quen này, và ông vẫn liên tục đưa Berkshire Hathaway vươn tới tầm cao mới. Sau bữa trưa gặp gỡ với Buffett, Guy Spier khẳng định ông sẽ liên tục làm như vậy. Hãy nhớ rằng, từ chối không phải là điều bất lịch sự, chỉ là ta đang ưu tiên cho công việc của mình hơn mà thôi.
Làm những gì mình yêu thích
Với Warren Buffett, ông rất coi trọng việc ta được làm những gì mình yêu thích, và ông luôn hối thúc người trẻ làm điều đó. Trên thực tế, với vị tỷ phú này, tuy ông đã 91 tuổi và sở hữu khối tài sản hơn 100 tỷ USD, ông vẫn vô cùng yêu thích công việc và hi vọng có thể gắn bó với nó suốt đời. Ông từng nói: "Dĩ nhiên với $100,000/năm, tôi đã vui lắm rồi". Chính tình yêu chân thành với công việc của Buffett đã truyền cảm hứng tới hai nhà đầu tư, khiến họ quyết tâm với mục tiêu của mình hơn.
Trong một buổi hội nghị thường niên Berkshire Hathaway năm 2017, vị tỷ phú này đã chia sẻ: "Khi bạn bước ra ngoài xã hội, hãy tìm công việc mình thích kể cả lúc không cần tiền. Bạn sẽ thực sự muốn nghĩ đến điều khiến bạn cảm thấy tốt đẹp, khi ngày một trưởng thành hơn thì chí ít bạn cũng muốn tiếp tục đi theo hướng đó".
(Theo CNBC)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận