Cựu chiến binh ở Ninh Bình tình nguyện bỏ tiền túi bắc những nhịp cầu yêu thương
Chứng kiến những vụ tai nạn đau lòng vì cầu tạm, một cựu chiến binh 72 tuổi ở Ninh Bình đã bỏ tiền xây sửa 7 cây cầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Giữa cái nắng gay gắt của buổi chiều mùa hạ, ông Đỗ Quang Sản, 72 tuổi (cựu chiến binh ở xã Khánh Trung, tỉnh Ninh Bình) vẫn mê mải bên những cây cầu.
Với ông, mỗi cây cầu không chỉ là công trình bê tông cốt thép, mà là kết nối an toàn, là con đường của an tâm, là dòng chảy yêu thương dành cho nơi ông sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời.
Từng tham gia chiến đấu gần một thập kỷ ở chiến trường Campuchia, ông Sản trở về quê năm 1984 lặng lẽ bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng bằng một cửa hàng cho thuê cốp pha xây dựng nhỏ. Dù thu nhập không nhiều, ông vẫn luôn đau đáu điều gì đó lớn hơn cho quê hương mình.

Ý định xây cầu đến với ông Sản một cách đầy trăn trở sau khi tận mắt chứng kiến một vụ tai nạn đau lòng trên cầu Chợ Cát, cây cầu tạm được ghép từ những cột điện cũ kỹ, trơn trượt và đầy hiểm nguy. Nạn nhân là người dân trong thôn, trượt chân và ngã xuống sông khi đi qua cây cầu ấy. Nỗi xót xa ấy đeo đẳng tâm trí ông suốt nhiều ngày. Ông nghĩ đến hai chữ “Bộ đội Cụ Hồ” và nhận ra, không thể chỉ đứng nhìn mà không làm gì. Sau khi bàn bạc với vợ con, năm 2015, ông Sản quyết định rút toàn bộ số tiền tiết kiệm tích cóp suốt nhiều năm hơn 140 triệu đồng để xây dựng lại cầu Chợ Cát theo tiêu chuẩn mới: rộng 3,5m, vững chãi, bê tông cốt thép, có lan can an toàn.
Từ cây cầu đầu tiên ấy, những năm sau đó, ông tiếp tục xây thêm, mỗi năm 1-2 cây. Có cây chỉ cần sửa chữa, nhưng cũng có cây phải xây dựng lại từ đầu. Mọi công đoạn từ thiết kế, tìm thợ, giám sát, thanh toán đều do một tay ông lo liệu. Ông Sản không hề kêu gọi tài trợ hay huy động cộng đồng.
Tính đến nay, vị cựu chiến binh này đã bỏ ra hơn 400 triệu đồng tiền túi để xây dựng và sửa chữa 7 cây cầu dân sinh. Con số ấy khiến nhiều người ngỡ ngàng, bởi ông chỉ là một nông dân chân chất, quanh năm gắn bó với ruộng đồng và những thiết bị xây dựng cũ kỹ.

"Nhiều người bảo tôi khùng, tưởng tôi có của ăn của để. Tôi chỉ cười thôi chẳng nói gì. Làm cầu là để bà con không phải nơm nớp mỗi khi qua sông, nhất là mưa gió. Đường làng ngõ xóm có cầu vững, dân đi lại mới an tâm, hàng hóa mới lưu thông thuận lợi", ông Sản chia sẻ.
Giờ đây, người dân xã Khánh Trung đã quen gọi những cây cầu kiên cố ấy bằng một cái tên rất gần gũi: “cầu ông Sản”. Những cây cầu ấy nối các xóm nhỏ ven sông, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, đồng thời cũng là tuyến vận chuyển nông sản, buôn bán và hỗ trợ cứu thương khi có tình huống khẩn cấp.
Bà Phạm Thị Hoa, 60 tuổi, sống tại xóm 12, chia sẻ trong niềm xúc động: “Hồi trước, mưa là tôi không dám ra chợ. Cầu tạm trơn và hẹp, đi xe đạp còn sợ, huống gì người già với trẻ nhỏ. Giờ cầu ông Sản làm vững chãi, chúng tôi biết ơn lắm”.
Ông Vũ Văn Cương, 47 tuổi, tiểu thương chợ Cát, cũng khẳng định: “Buôn bán phải chở hàng qua cầu suốt. Trước kia cứ thấy xe ba gác lên cầu là hồi hộp. Giờ xe tải nhỏ chạy qua êm ru, không lo nữa”.

Không chỉ làm cầu, vị cựu chiến binh này còn tạo việc làm cho 8–10 lao động địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định từ cửa hàng nhỏ của gia đình. Dù đã lớn tuổi, ông vẫn đều đặn làm việc, tích cóp từng đồng để tiếp tục xây cầu. Hiện tại, ông đang lên kế hoạch mở rộng cầu Chợ Cát thêm một làn xe, đủ cho hai ô tô tránh nhau. Dự kiến kinh phí khoảng 300 triệu đồng, ông không kêu gọi quyên góp mà vẫn đang lặng lẽ dành dụm.
"Tôi không cần gắn bảng tên lên cầu. Cầu không mang tên tôi, nhưng người qua lại đều biết ai làm. Làm phúc không cần kể công," ông Sản nói.
Năm 2018, ông được UBND tỉnh Ninh Bình trao tặng bằng khen trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Năm 2024, vị cựu chiến binh này tiếp tục được vinh danh trong chương trình tôn vinh 65 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến toàn quốc. Trong lễ tuyên dương, ông được nhắc đến như một tấm gương sống giản dị, lặng lẽ nhưng kiên định, với trái tim nhân hậu và tinh thần trách nhiệm cao đẹp của người lính năm xưa.
Thế nhưng với ông, mọi vinh danh đều là phụ. Phần thưởng lớn nhất, theo lời ông Sản chính là nụ cười nhẹ nhõm của bà con mỗi khi băng qua cây cầu vững chắc.
Giữa những vùng quê còn chông chênh với những cây cầu tạm, có một người cựu chiến binh âm thầm giữ lời hứa với quê hương bằng những nhịp cầu bền vững. Người ấy không cần bảng tên khắc đá, bởi tên ông – Đỗ Quang Sản đã được khắc sâu vào lòng người dân, nơi mỗi bước chân băng qua những bờ vui.
Xem thêm: Ấm lòng những bữa ăn “triệu view” của trẻ em vùng cao
Tin liên quan
Hơn 20 năm qua, cụ Võ Văn Tất (86 tuổi, ngụ ấp 2A, TT.Bảy Ngàn, H. CHâu Thành A, Hậu Giang) không chỉ miệt mài tặng gạo cho người nghèo mà còn hiến đất làm đường, xây cầu,…
Tháng 12 này, giải chạy thiện nguyện trực tuyến "Nối Đôi Bờ Vui" chính thức được khởi động với sứ mệnh đầy nhân văn: Xây cầu cho vùng Tây Nam Bộ, thay thế các cây cầu tạm bợ, nguy hiểm.
Thượng Tọa Danh Quol là một trong những người tích cực đi đầu vận động quỹ vì người nghèo, cất nhà đại đoàn kết, xây cầu, làm đường giao thông nông thôn.
Bài mới

Chỉ trong vòng 3 năm (1963-1970) ở mặt trận Trị Thiên, “vua mìn” Trịnh Tố Tâm đã chỉ huy đơn vị đánh 58 trận, diệt 1.500 tên địch, phá hủy 61 xe quân sự, đánh bật 19 đoàn tàu hỏa... Riêng ông đã tiêu diệt được 272 tên địch, bắn rơi và phá hủy 3 máy bay và cực kỳ nổi tiếng với câu nói: "Tất cả chúng mày đã bị một mình tao bao vây!"

Trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg được công bố mới đây, Bill Gates lần đầu tiên sau nhiều năm rơi khỏi top 10 người giàu nhất thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông giảm 30%, tương đương 52 tỷ USD, sau khi Bloomberg điều chỉnh cách tính để phản ánh chính xác hơn các khoản quyên góp từ thiện khổng lồ của vị đồng sáng lập Microsoft.

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hai 18 tuổi lén mẹ đăng ký đi kháng chiến chống Mỹ và không trở về. Hơn 60 năm nay, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang (Hội An, Quảng Nam cũ) vẫn ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó có thể tìm được hài cốt con trai thay vào ngôi mộ gió được lập nhiều năm nay.

Giữa những trang giấy đã úa màu thời gian, 109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui nâng niu gìn giữ chính là những mảnh hồn xưa còn sót lại của một thời đạn lửa. Mỗi con chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, nỗi mong nhớ và cả tinh thần bất khuất của một thế hệ đã sống, đã yêu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những bức thư ấy đã theo chân người lính qua rừng sâu, suối cạn, qua những năm tháng hành quân gian khổ và hôm nay, chúng vẫn còn đó như những nhân chứng thầm lặng kể lại bản anh hùng ca của một thời không thể nào quên.