Xúc động với tấm lòng nhân ái của cụ ông 90 tuổi: Ủng hộ 100 triệu tiền lương hưu để phòng chống dịch COVID-19
Thương cảm trước sự khó khăn, vất vả của lực lượng y bác sĩ tuyến đầu, cụ ông 90 tuổi ở Nghệ An đã bàn với vợ con rút 100 triệu tiền lương hưu để ủng hộ quỹ phòng dịch địa phương.

Vào ngày 29/12 vừa qua, cán bộ ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An không khỏi bất ngờ khi thấy một cụ ông 90 tuổi đội mưa, chống gậy tới tận ủy ban xã để làm việc tử tế. Đó là cụ Đàm Điệt (SN 1931), sau khi biết được những khó khăn, vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 đã bàn với vợ con ủng hộ tiền cho Quỹ, phòng chống dịch COVID-19 của xã.
Cụ Đàm Điệt cho biết, các con cụ đã đi làm ăn xa, nay ở nhà chỉ có hai vợ chồng nên cũng không cần chi tiêu gì nhiều. Vì thế, hai ông bà muốn đóng góp chút tiền lương hưu dành dụm được cho địa phương để có thể chống dịch. Cụ ông 90 tuổi tâm sự: "Cả gia đình tôi ai cũng được tiêm 2 mũi vắc xin hết rồi. Nhà nước luôn quan tâm, lo lắng cho mình như vậy nên tôi cũng muốn đáp lại một chút gì đó".

Dù vui mừng vì được người dân tin tưởng, nhưng lãnh đạo xã Hưng Thông vẫn chưa dám cầm khoản tiền lớn như vậy. Chủ tịch UBND xã Hưng Thông Nguyễn Hữu Phúc nhớ lại: "Số tiền quá lớn khiến tôi phân vân. Hỏi đi hỏi lại cụ mãi nhưng cụ vẫn quả quyết "ủng hộ công tác phòng chống dịch trên địa bàn".
Để an tâm, ông Nguyễn Hữu Phúc đã tới tận nhà gặp cụ Lê Thị Hồng (vợ cụ Điệt), sau đó gọi điện cho cô con gái đầu của hai cụ. Qua xác nhận, biết đây là tâm nguyện của cụ Điệt, lại được cả nhà tán thành, lãnh đạo xã mới yên tâm nhận tiền. Ông cho biết: "Đây là số tiền cá nhân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 cho xã lớn nhất từ trước đến nay".

Được biết, cụ Điệt từng là bác sĩ quân y phục vụ trong Quân khu 4, từng trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ cứu nước. Năm 1981, cụ về hưu sau hơn 15 năm công tác ở Trung tâm điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An. Vợ cụ cũng đã về hưu, hai vợ chồng có 5 cô con gái, 4 cô công tác trong ngành giáo dục giống mẹ. Các con, cháu đều đi làm việc xa nhà, chi tiêu của hai vợ chồng cũng chẳng tốn bao nhiêu. Chủ yếu họ tiêu tiền lương hưu của cụ Hồng, còn lương hưu của cụ Điệt được giữ lại phòng khi có việc lớn cần chi.
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe & Đời sống, cụ Hồng tâm sự: "Nghe ông nói tôi bất ngờ lắm. Nhưng biết tính ông - một bác sĩ quân y luôn đặt sức khỏe mọi người lên trên hết nên tôi ủng hộ ngay". Cụ Điệt thì tâm sự: "Ngày ngày xem tivi, thấy dịch bệnh vẫn còn rất căng thẳng, người mắc bệnh nhiều, người tử vong cũng nhiều, anh em bác sĩ tuyến đầu căng sức làm việc, tôi cũng thấy khó ngủ vì trăn trở".

Vì thế, cụ đã lặn lội đi rút toàn bộ số tiền lương hưu trong thẻ ATM là 132 triệu đồng. Cụ bàn với vợ giữ lại 32 triệu để chi tiêu khi cần, còn 100 triệu mang đi ủng hộ cho Quỹ phòng chống dịch. Cụ vui vẻ nói: "Mình không phải giàu có gì, sống dựa vào tiền lương hưu, tằn tiện mới được 100 triệu đồng. Nhưng việc cần làm vẫn phải làm, chỉ mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi".
Theo Sức khỏe & Đời sống, Tiền Phong
Xem thêm: Những hình ảnh khó quên khép lại năm 2021: Tình người là "vaccine" giúp vượt khó
Đọc thêm
Năm 2021 đầy khó khăn và mất mát do dịch bệnh, nhưng ngay cả lúc tăm tối nhất cũng có vô số tấm lòng cao cả, truyền cảm hứng cho cộng đồng tỏa sáng.
Thương cảm trước số phận của người dân nghèo còn mắc bệnh nặng, nhóm tài xế của ông Lê Thành Lộc (Vĩnh Long) đã góp tiền mua xe cứu thương, vận chuyển bệnh nhân miễn phí.
Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, có không ít người trẻ ở khắp mọi miền đáp lại lời kêu gọi của Tổ Quốc để dâng hiến sức mình.
Tin liên quan
Làm giàu và thành công là ước mơ mà ai cũng có, nhưng làm sao để biến nó thành hiện thực như các triệu phú, tỷ phú tự thân thì không phải ai cũng biết.
Âm nhạc của nhạc sĩ Đan Thọ: “… vui hay buồn đều chừng mực, lãng mạn nhưng không có vẻ ủy mị, đắm đuối, và nhất là luôn toát ra vẻ lịch sự, sang trọng”.
Tình duyên tuổi Mùi năm 2022 khá tốt, năm nay Thiên Hỷ cát báo tin nên gia đạo sẽ có tin vui đưa tới như thêm của thêm con thêm cháu.
Bài mới

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989) nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết: “Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn”.

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Al), hiện đang là Viện trưởng Viện trí tuệ Nhân tạo VinAI Research. Năm 16 tuổi ông từng giành huy chương Olympic Toán quốc tế, lấy bằng tiến sĩ tại Úc năm 25 tuổi, giữ vị trí chuyên gia máy học tại Adobe Research và nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind.