Chụp ảnh cưới miễn phí cho hàng nghìn công nhân nghèo
Từ cuối tháng 4 đến nay, ngày nào anh Liêng Ngọc Trung Hiếu (42 tuổi, trú Q.12, TP.HCM) và các thành viên trong nhóm đều phải tất bật chụp hơn 12 tiếng, rồi ngồi xuyên đêm chỉnh sửa hàng nghìn bức ảnh để kịp trả khách là những cặp vợ chồng công nhân khó khăn.
“Họ là những vợ chồng làm đủ mọi nghề từ phụ hồ, công nhân nhà máy, bán vé số,… lương không đủ lo cho cuộc sống nên cũng chẳng có tiền để tổ chức đám cưới”, anh Hiếu nói. Nhóm của anh hy vọng thông qua những tấm hình được nhận họ sẽ có thêm kỷ niệm đẹp, đáng nhớ trong đời.
Anh Hiếu bắt đầu chụp ảnh cưới miễn phí cho các cặp vợ chồng công nhân xa quê, khó khăn ở TP.HCM bắt đầu từ năm 2015. Năm 2017, anh tiếp quản nhóm “Chụp ảnh cưới miễn phí” và gắn bó đến tận bây giờ.
Anh Hiếu chia sẻ, khó khăn ban đầu chính là vấn đề chi phí. Mỗi bộ ảnh thường cần chi phí 3-4 triệu đồng để thuê phim trường, trang phục, thợ trang điểm, in album cưới. “Các tiệm váy cưới, phim trường chỉ hỗ trợ được vài lần, những lần sau là do thành viên trong nhóm tự đóng tiền để tổ chức nên nhiều người không gắn bó được lâu”, anh Hiếu bộc bạch.
Để tiết kiệm chi phí, anh lên ý tưởng chụp ở công viên, đường phố, những nơi không thu phí. "Nhưng rồi chụp ở nơi công cộng nhiều lúc cũng bị đuổi", Trung Hiếu nói. Nhiều hôm giữa tiết trời nắng nóng 39-40 độ C của Sài Gòn, cả ekip phải chở nhau bằng xe máy, đi tìm địa điểm khác để hoàn thành bộ ảnh. Có khi bí quá, họ về khu trọ của công nhân để chụp.

Giai đoạn này anh Hiếu phải tích góp từng đồng, làm đủ nghề từ chụp ảnh đến làm thuê để có tiền duy trì câu lạc bộ. Mỗi tháng anh đặt mục tiêu ít nhất phải chụp được cho 1-2 cặp.
Anh Hiếu tâm sự, lúc nản chí nhất là khi nhóm chỉ còn chưa tới 10 thành viên, nhưng nhìn thấy những giọt nước mắt hạnh phúc của các cặp vợ chồng công nhân khi được đi chụp ảnh cưới anh cố gắng động viên mình tiếp tục.
"Có những đôi đăng ký kết hôn cả chục năm trời nhưng chưa từng có bức ảnh chung tử tế, chưa từng tổ chức lễ cưới", anh Hiếu nói.
Chụp ảnh cho các cặp công nhân cũng mất khá nhiều thời gian, vất vả hơn bởi họ chưa từng đứng trước ống kính, không biết "diễn". Anh Hiếu thường dành hơn một tiếng để họ làm quen với ống kính, rồi cầm nắn tay tạo từng dáng một. Nhiều cặp chụp ba, bốn tiếng liền cũng lo lắng, muốn xong sớm để về đi làm. Lúc đó, Hiếu phải năn nỉ để họ có bộ ảnh chỉn chu nhất, đẹp nhất.
"Nhiều đôi còn không tin được chụp miễn phí, hỏi đi hỏi lại nhiều lần, còn đòi cầm giấy tờ cá nhân của tôi", anh kể. Chính vì thế Hiếu phải hẹn gặp các cặp đôi trước buổi chụp vài ngày để trò chuyện, tư vấn để họ yên tâm rằng mình không bị lừa.
Năm 2020, câu lạc bộ của anh Hiếu dần được biết đến nhiều trên mạng xã hội sau khi được những cặp vợ chồng nghèo "khoe" trải nghiệm chụp ảnh cưới miễn phí. Từ đó, anh Hiếu và các thành viên trong nhóm nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các thợ ảnh, thợ trang điểm, cửa hàng quần áo cũng như phim trường. Đến nay nhóm của anh nhận được sự chung tay của gần 6.000 thợ ảnh và hàng nghìn thợ trang điểm ở TP HCM cũng như khu vực lân cận.

"Bây giờ có những buổi cả trăm thợ ảnh tham gia hỗ trợ chụp cho hàng chục cặp đôi, tôi thấy hành trình của mình không còn cô đơn, biết ơn vì tấm lòng của tất cả mọi người", chủ nhiệm câu lạc bộ nói.
Ông Nguyễn Trần Minh Hiếu, trưởng phòng Sự kiện Truyền thông, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM cho biết gần 10 năm nay, nhóm và trung tâm đã phối hợp tổ chức, chụp ảnh cưới cho các lễ cưới tập thể của công nhân TP HCM. Mỗi năm họ chụp khoảng hơn 100 đôi. Ngoài ra, anh Hiếu cũng hỗ trợ các hoàn cảnh khác khi đăng ký qua mạng.
"Vài năm nay, chúng tôi cũng liên hệ với các quản lý điểm công cộng như công viên, quảng trường để giúp ekip có thể chụp ảnh thoải mái tại đó", ông Hiếu nói.
Anh Hiếu chia sẻ, thời gian tới anh mong muốn dự án của mình sẽ được nhân rộng khắp cả nước. Anh ấp ủ những lao động nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn đều có cơ hội được chụp ảnh cưới làm kỷ niệm.
"Tôi may mắn khi có vợ là thợ trang điểm, đồng hành cùng từ những ngày đầu, hai vợ chồng tôi sẽ làm cho đến khi không còn sức và truyền lại cho thế hệ sau", anh thợ ảnh bộc bạch.
Xem thêm: Chân dung vợ chồng trẻ ở Phú Thọ 3 năm cho sĩ tử ăn nghỉ miễn phí tại nhà
Tin liên quan
“Cửa tiệm hạnh phúc” là tên gọi thân mật của mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ, nơi họ được làm việc, nhận lương thưởng và được công nhận như một người lao động bình thường.
Tại điểm thi Trường THPT Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều người đã xúc động khi chứng kiến một nam sinh lớp 9 cõng bạn từ cổng trường vào phòng thi tuyển sinh lớp 10.
Tiệm mì gói 1.000 đồng nằm ở đường Hiệp Thành 5, P.Hiệp Thành (Q.12, TP.HCM) tuy giản dị, chỉ có hai cái bàn cùng với vài chiếc ghế nhưng lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói.
Bài mới

Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình được biết đến như một “huyền thoại” của Toán học Việt Nam khi đạt điểm tuyệt đối 40/40, nhận giải đặc biệt cho thí sinh có lời giải đẹp tại Olympic Toán quốc tế 1979. Ông đã viết nên một phần rực rỡ của lịch sử toán học nước nhà bằng chính trí tuệ và sự tận tụy suốt cả cuộc đời mình.

Gia tộc Sơn Kim là một trong những gia tộc doanh nhân danh giá và giàu có bậc nhất Việt Nam, nổi bật với hành trình 4 thế hệ làm kinh doanh. Từ “lão phật gia” Nguyễn Thị Sơn đến thế hệ kế thừa vững vàng trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ và thời trang, Sơn Kim không chỉ xây dựng một đế chế kinh tế, mà còn gìn giữ một di sản sống về văn hóa gia đình và giá trị Việt.

Gia đình tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn không chỉ nổi bật bởi thành công trong lĩnh vực kinh doanh, mà còn được biết đến như một hình mẫu về sự tử tế, kỷ luật và trách nhiệm xã hội. Từ người cha bản lĩnh đến các thế hệ kế thừa tài năng, họ đã cùng nhau xây dựng một đế chế kinh tế vững mạnh, gắn liền với giá trị đạo đức và tinh thần thượng tôn pháp luật.