Nghị lực phi thường của cô gái 19 tuổi: “Chiến đấu” với 2 căn bệnh hiểm nghèo những vẫn thi đỗ Đại học Ngoại thương
Cùng lúc chiến đấu với 2 căn bệnh hiểm nghèo là ung thư tuyến giáp và u bào Langerhans đa hệ thống Letterer-Siwe, cô gái 16 tuổi khi ấy vẫn nỗ lực thi đỗ Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Hơn 1 năm trước, Lương Hà Châu (19 tuổi, quê Hòa Bình) còn đang nằm trên giường bệnh tiếp nhận những đợt hóa trị đầy đau đớn, cơ thể héo mòn vì cùng lúc chiến đấu với 2 căn bệnh hiểm nghèo.
Ở thời điểm hiện tại, cô nữ sinh kiên cường ấy đã trở thành sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh của Đại học Ngoại thương (Hà Nội), xuất hiện với nụ cười rạng rỡ, tươi tắn. Hà Châu hạnh phúc khoe: “19 năm cuộc đời, mình đã có một thứ để tự hào đó là chiến thắng u não”.
Theo lời kể của Hà Châu, vào tháng 4/2021, khi đang là học sinh lớp chuyên Anh của Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình), cơ thể cô bỗng có biểu hiện lạ. Châu lúc nào cũng ở trong tình trạng khát nước (mỗi ngày có thể uống 5-7 lít nước), mất ngủ triền miên, có thời điểm 3 ngày liền cô chỉ ngủ được 2 tiếng. Lo lắng, bố mẹ dẫn Hà Châu đi khám, nhưng cô vẫn được chẩn đoán bình thường.
Đến năm 2023, Châu cảm giác tay chân mình ngày một mất sức. Một đêm nọ dậy uống nước, Châu bỗng ngã quỵ, không thể đứng dậy được nữa. Châu được đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Đến lúc này Châu và gia đình mới biết bản thân đang mắc ung thư tuyến giáp và u bào Langerhans đa hệ thống Letterer-Siwe - một căn bệnh ác tính hiếm gặp.
Chuỗi ngày sau đó, Châu phải nằm một chỗ trên giường bệnh. Đối diện nơi cô nằm là Nơi cô nằm đối diện với cổng Đại học Kinh tế Quốc dân. Mỗi ngày nhìn ra cửa sổ, thấy tên trường, Châu lại nghĩ đến chuyện phải bỏ ngang việc học. Nỗi buồn trong lòng càng dâng trào dữ dội hơn.
Một ngày, cô giáo dạy Văn gửi cho Châu một món quà, đó là trang web tổng hợp lời nhắn nhủ của tất cả thành viên trong lớp. Mỗi lời yêu thương, động viên, khích lệ của các thầy cô, các bạn đã tiếp cho Châu thêm sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật.
“Mình không từ bỏ cuộc sống nữa. Thầy cô, bạn bè yêu thương mình như thế. Mình lại là đứa con duy nhất của bố mẹ, mình đi rồi thì bố mẹ sống sao? Mình nghĩ vậy và quyết định chiến đấu với bệnh tật”, Hà Châu bộc bạch.
Tháng 5/2023, Châu phẫu thuật tuyến giáp. Ca mổ thành công nhưng vết mổ khó lành. Cô phải trở lại bệnh viện điều trị. Hai ngày trước kỳ thi tốt nghiệp, Châu xin bác sĩ khâu lại vết mổ cho mình để kịp tham dự kỳ thi Tốt nghiệp THPT.
Ngày thi, Châu một tay giữ băng vết mổ, một tay viết bài. Nhờ học bạ trường chuyên cộng thêm điểm IELTS 7.5, Châu đã đỗ vào khoa Quản trị Kinh doanh của Đại học Ngoại thương.
Khoảng thời gian nhập học cũng là lúc Châu bước vào đợt hóa trị đầu tiên. Vào mỗi thứ 6 hàng tuần, Châu lại đến Bệnh viện K truyền hóa chất. Trong 4 tháng ròng rã, Châu phải trải qua 12 lần truyền hóa chất, chia thành 2 đợt. Mỗi lần đều rất đau đớn, cơ thể giống như bị bỏng rát.
“Lúc đau đớn nhất, mình thường nghĩ đến bố mẹ và những người yêu thương mình. Mình cũng nghĩ về bản thân. Mình đã nỗ lực thế nào, học hành chăm chỉ ra sao để đạt kết quả này, bây giờ mà chấp nhận bỏ cuộc thì lãng phí quá. Nghĩ vậy, mình lại có động lực chiến đấu”, Châu kể.
Lần hội chẩn thứ 2, Châu nghe bác sĩ thông báo “hết u rồi cháu ạ”. Ra khỏi phòng, Châu không thể ngừng mỉm cười, cô lập tức khoe với một bệnh nhân "chú ơi, cháu hết u rồi”. Rồi Châu vội vàng thông báo với gia đình, bố mẹ cô rất vui, nước mắt chảy không ngừng, còn bà ngoại lặng người đi vì xúc động. Trên xe taxi trở về phòng trọ, cô hân hoan khoe với người lái xe. Cuốc xe ấy, Châu được miễn phí.
“Bác sĩ nói khối u có thể quay lại bất cứ lúc nào và dặn mình phải uống thuốc đều đặn. Hiện mình vẫn phải truyền hóa chất duy trì, 3 tuần một lần, trong vòng 1 năm. Dù thế, mình vẫn hạnh phúc vô cùng vì ở thời điểm hiện tại, khối u không còn nữa”, Châu hạnh phúc chia sẻ.
Từng có lúc sống tiêu cực, dễ buồn, dễ giận nhưng kể từ khi mang bệnh, nhưng sau tất cả cô gái 19 tuổi ấy vẫn lạc quan và trân trọng từng phút giây được sống. “Mình nhận ra, cuộc sống có quá nhiều người, quá nhiều điều tốt đẹp. Nhà trường hỗ trợ chi phí học tập cho mình, thầy cô thì linh động lịch học, bác sĩ tặng mình đồng hồ đo nhịp tim, chú tài xế miễn phí cho mình cuốc xe, cô bán trà đá cho mình ngồi nhờ mỗi khi đi bộ mệt... Nếu không mắc bệnh, mình sẽ không biết được bản thân được yêu thương nhiều đến vậy. Cuộc sống vẫn luôn tốt đẹp, chỉ là ta chưa nhìn ra nó mà thôi”, Hà Châu tâm sự.
Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, cô gái khiếm thị vươn lên tìm ánh sáng cho cuộc đời mình
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận