Vượt nghịch cảnh, cô gái khiếm thị vươn lên tìm ánh sáng cho cuộc đời mình
Mắc bệnh teo nhãn cầu và đục thủy tinh thể bẩm sinh do di chứng chất độc da cam từ bố, cô gái khiếm thị - Vũ Thị Hải Anh vẫn nỗ lực vươn lên, thực hiện hóa ước mơ trở thành sinh viên đại học, phát triển dự án hỗ trợ người khuyết tật.

Hải Anh lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Nam Định, bố mẹ lớn tuổi, sức khỏe yếu, anh trai mắc bệnh tuyến giáp. Nói về đôi mắt của mình, Hải Anh chia sẻ: “Bố mẹ phát hiện em mắc bệnh đục thủy tinh thể khi mới 1 tháng tuổi. Mọi người nuôi hy vọng tìm lại ánh sáng cho em với các cuộc phẫu thuật mổ mắt, nhưng may mắn đã không mỉm cười. Mọi việc càng tồi tệ hơn khi bác sĩ phát hiện ra em còn mắc phải căn bệnh teo nhãn cầu, đồng nghĩa với việc em sẽ mất hoàn toàn chức năng thị giác”.
Không nhìn thấy, cả tuổi thơ của cô gái trẻ là chuỗi ngày tự ti, sợ hãi và tuyệt vọng. Thương con gái nhỏ, mẹ đã đồng hành cùng Hải Anh, dạy cho cô từ những điều nhỏ nhất như cầm đũa, cầm thìa, thậm chí là cầm dao gọt trái cây. Nhiều lần bị đứt tay do dao cứa phải, mẹ dẫu thương vẫn để cho con gái tự xử lý. Mẹ luôn nói với Hải Anh rằng: “Mẹ sẽ chẳng ở bên con mãi được nên cách tốt nhất là phải tập cho con tự lập, tự chăm sóc bản thân, tự đứng trên đôi chân của mình”.

Không chỉ là là mẹ, là đôi mắt mà mẹ còn là người thầy dạy Hải Anh từ kỹ năng sống đến chữ viết. Để con gái có thể học tập được, mẹ còn nhờ một người khác dạy chữ braille, một loại chữ dành cho người khiếm thị để về dạy lại cho Hải Anh những con chữ đầu đời.
Vì không thể nhìn thấy, tuổi thơ của cô gái khiếm thị gắn liền với chiếc đài nhỏ, lắng nghe âm thanh cuộc sống bằng tất cả giác quan của mình. “Ngày em nhận ra ước mơ của mình chính là ngày em nghe được tiếng phát thanh viên trên sóng radio. Tiếng nói truyền cảm như dẫn dắt, thôi thúc ý chí của em phải tìm hiểu, học tập và trở thành một phát thanh viên” - Hải Anh bộc bạch.

Cũng từ ngày đó, cô gái trẻ quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành một nhà truyền thông với mong muốn được kết nối mọi người với nhau, lan tỏa đến cộng đồng những điều tích cực, xóa bỏ định kiến về người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.
Sau rất nhiều khó khăn, năm 2013, Hải Anh mới cùng mẹ lên Hà Nội tham gia lớp học hòa nhập tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Do lớn tuổi nên Hải Anh phải thi vượt cấp, không học lớp tiền hòa nhập như các bạn đồng trang lứa.
Không chỉ phấn đấu học tập, cô gái khiếm thị còn nhiệt tình tham gia các cuộc thi truyền cảm hứng tới cộng đồng. Năm 2019, Hải Anh đã giành giải Đặc biệt trong cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48; “ trở thành "Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô”, “Học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô năm học 2019-2020"….

Sau nhiều nỗ lực, năm 2023 vừa qua Hải Anh đã được tuyển thẳng vào 3 trường đại học, tuy vậy Hải Anh đã lựa chọn ngành Quan hệ công chúng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội để thực hiện hóa ước mơ của mình.
“Sinh mệnh và thân thể là do bố mẹ trao tặng, tri thức là sự dìu dắt của thầy cô nhưng cuộc sống là của mình và không ai có thể sống thay mình, nên mình phải nỗ lực, phấn đấu hết mình", Hải Anh bày tỏ.
Sự lạc quan, tình thần nỗ lực vươn lên của cô gái trẻ khiến nhiều người nể phục. Không chỉ vậy, Hải Anh còn là tấm gương truyền cảm hứng sống đẹp cho rất nhiều học sinh, sinh viên và cộng đồng người khuyết tật. Bởi bên cạnh việc học tập, cô còn rất tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.
Mới đây, Hải Anh đã hoàn thành dự án “Hành chính công trực tuyến cho người khuyết tật”, để giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ công. Cô gái khiếm thị còn là thành viên trong dự án học tiếng dành cho trẻ khiếm thị của tổ chức Vietnam and Fire; Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa đá - nơi tổ chức các hoạt động thiện nguyện đặc biệt của sinh viên khuyết tật và không khuyết tật của trường Đại học KHXH&NV.
Với những đóng góp và câu chuyện vươn lên đầy nghị lực, Hải Anh là một trong những cá nhân nhận được giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2024. “Mình cảm thấy vô cùng xúc động và biết ơn. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực và cố gắng của bản thân, mà còn là động lực lớn để mình tiếp tục cống hiến, lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng”, cô nàng khiếm thị bày tỏ.
Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, thầy giáo hơn 14 năm “đứng” trên bục giảng bằng xe lăn
Đọc thêm
Dù bận rộn với công việc, nhưng cô gái 9X – Hồ Mỹ Như Thảo (29 tuổi, Bình Định) vẫn tranh thủ đến thăm và đưa các con nuôi tham gia các hoạt động trải nghiệm hàng tháng.
Với chiếc xe lăn và nụ cười luôn nở trên môi, cô gái bại não- Thân Thị Biên (22 tuổi, Bắc Giang) đã dùng câu chuyện của mình truyền động lực sống cho rất nhiều người.
Sau biến cố, với đôi chân không lành lặn, cô gái 9X – Nguyễn Ánh Phượng vẫn khát khao được lan tỏa yêu thương và những điều tích cực đến mọi người.
Tin liên quan
Hơn 14 năm “đứng” trên bục giảng bằng xe lăn, thầy giáo Chu Quang Đức (Hà Nội) đã truyền cảm ứng cho rất nhiều thế hệ học trò về giá trị của việc học tập.
Sinh ra từ gian khó, hơn ai hết cô giáo mầm non Nguyễn Thị Thu Hiền hiểu rõ sựthiếu thốn, cùng cực mà cái nghèo mang lại, nên khi có điều kiện cô liền dốc hết sức để làm từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn.
Không chỉ mạnh mẽ vượt qua khó khăn của bản thân, chị Lê Thị Hồng Phương (Cà Mau) còn nỗ lực giúp đỡ các chị em khuyết tật, khó khăn vươn lên trong cuộc sống.