Cặp vợ chồng khuyết tật ở Quảng Bình biến vỏ ốc, vỏ trai thành tác phẩm nghệ thuật tinh xảo
Vượt nghịch cảnh, cặp vợ chồng ở TP.Đồng Hới, Quảng Bình đã gắn bó hơn 20 năm với nghề khảm trai, vẽ nên câu chuyện tình yêu đẹp và đầy nghị lực.
Tại một góc nhỏ ở phường Đức Ninh Đông, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, vợ chồng anh Nguyễn Mậu Thành (44 tuổi) và chị Phạm Thị Bé (39 tuổi) đã biến những mảnh trai, vỏ ốc thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo.
Anh Thành tâm sự, khi lên 5 tuổi, căn bệnh bại liệt kéo dài đã khiến đôi chân của anh ngày một teo tóp, việc đi lại cũng dần khó khăn. Năm 2002, dù thi đậu Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng chuyên ngành cơ điện, điện tử nhưng vì quá nghèo, không thể theo học nên anh đành tử bỏ ước mơ.
“Sau khi nghỉ học, cuối năm 2002 tôi xin vào phụ làm việc vặt ở một xưởng mộc và may mắn được chủ xưởng truyền học nghề khảm trai. Tôi thấy nghề thủ công mỹ nghệ này không phải đi lại nhiều, không tốn quá nhiều sức lực, rất phù hợp với người khuyết tật nên tôi nên cố gắng học hỏi”, anh Thành chia sẻ.
Trong quá trình học nghề và làm việc, năm 2010 cơ duyên đã giúp anh Thành gặp chị Bé (quê Hà Nội, cũng bị khuyết tật ở chân) đến làm các sản phẩm khảm trai tại xưởng. Sau khi quen biết, tìm hiểu cả hai đã nên duyên vợ chồng.
“Tôi làm nghề khảm trai từ những năm cấp 2, chủ xưởng nhận công trình ở đâu thì tôi đi theo đó để làm. Sau nhiều năm bôn ba, tôi gặp anh Thành ở Quảng Bình và kết hôn ở tuổi 25. Gia đình hai bên tuy ủng hộ nhưng vẫn lo lắng cho tương lai của cả hai vì là người khuyết tật. Nhưng vượt lên tất cả, chúng tôi quyết tâm đến với nhau, cùng nhau xây dựng tổ ấm”, chị Bé bộc bạch.
Cứ như vậy, ngày qua ngày, trong khoảng sân nhỏ trước nhà, cặp vợ chồng khuyết tật này đã làm nghề khảm trai được 20 năm. Đối với anh chị, nghề khảm trai không chỉ là công việc giúp anh chị mưu sinh, nuôi dạy con cái mà còn là niềm đam mê, mảnh ghép tình yêu và nghị lực để bản thân không trở thành gánh nặng của xã hội.
Hiện nay, vợ chồng anh Thành, chị Bé đang nhận khảm trai theo yêu cầu cho gần 20 xưởng mộc trên địa bàn TP. Đồng Hới. Bên cạnh là sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp, những bức tranh, vật dụng, đồ trang trí được khảm trai từ đôi tay khéo léo của vợ chồng anh Thành còn được đánh giá là mang đậm giá trị văn hóa người Việt. Trong từng sản phẩm, người dùng có thể cảm nhận được tâm huyết, sự tận tụy và tình yêu nghề của đôi vợ chồng khuyết tật.
“Một tác phẩm khảm trai có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy thuộc vào độ phức tạp, giá trị gỗ, vỏ trai và thời gian hoàn thành. Nghề khảm trai không chỉ giúp vợ chồng tôi ổn định cuộc sống, mà phần nào đó nó còn đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống của ông cha, cũng như những nét văn hoá của người Việt trong từng chi tiết” - anh Thành chia sẻ.
Ông Bùi Ngọc Quýt, Chủ tịch UBND phường Đức Ninh Đông, thông tin: "Trước đây, vợ chồng anh Thành chị Bé thuộc diện hộ nghèo và có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng với sự nỗ lực và ý chí quyết tâm, hai vợ chồng đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống. Thời điểm hai vợ chồng xây nhà, phường cũng đã đề xuất với các cấp uỷ, UBMTTQ của thành phố, trích kinh phí địa phương hỗ trợ số tiền hàng chục triệu đồng để giúp đỡ hai vợ chồng. Đến nay, gia đình anh Thành chị đã có cuộc sống ổn định, cô con gái đầu có thành tích học tập rất tốt với nhiều năm liền là học sinh giỏi".
Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, thầy giáo hơn 14 năm “đứng” trên bục giảng bằng xe lăn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận