Ấm lòng những chuyến xe 0 đồng chở bệnh nhân nghèo ở Cần Giuộc
Từ khi thành lập cho đến nay, mô hình "xe cứu thương miễn phí" của Trung tâm cấp cứu từ thiện huyện Cần Giuộc đã chạy hơn 11.000 ca cấp cứu đi khắp các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ.

Thành lập từ tháng 9/2019 đến nay Trung tâm cấp cứu từ thiện Cần Giuộc (Long An) có tổng 4 chiếc xe cấp cứu với 20 tài xế thay phiên nhau hoạt động mỗi ngày, bất kể ngày đêm, cuối tuần hay lễ Tết.
Mỗi anh tài xế tại đây có việc làm khác nhau nhưng đều chung một cái tâm giúp người như anh Lại Hùng Dũng, làm nghề rửa xe; anh Phạm Hoài Vũ, làm nghề buôn bán; anh Nguyễn Anh Tuấn, làm nghề tự do; anh Phạm Văn Trọng Nghĩa, là tài xế xe cứu hỏa trong Khu công nghiệp Tân Kim; anh Dương Văn Cường, kinh doanh quán cơm,…
Nói về công việc của mình, anh Phạm Văn Trọng Nghĩa chia sẻ: “Mỗi lần cứu người xong mà biết người ta sống được cái tâm của mình nó khỏe, nó nhẹ nhàng lắm”. Đó là lý do khiến anh ca, ngoài công việc chính thường ngày, mỗi khi rảnh là lại đến Trung tâm ngồi chờ theo lịch phân công, xem việc chạy xe cứu thương như một công việc hằng ngày của mình.

Trung tâm thường nhận các ca bệnh cấp cứu từ Bệnh viện huyện Cần Giuộc lên Bệnh viện tuyến trên ở Thành phố Hồ Chí Minh như Bệnh viện 115, Bệnh viện Chợ Rẫy… và ngược lại từ tuyến trên đi khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ, xa hơn là Đắk Lắk. Đối với những ca bệnh ở xa, đội xe chở tới Đồng Nai hoặc Cần Thơ rồi nhờ xe cấp cứu của các đội bạn trung chuyển.
Chuyến xe 0 đồng này không chỉ nhận các ca bệnh cấp cứu mà còn hỗ trợ những gia đình khó khăn, không có điều kiện đưa người thân về quê an táng. Có những khi đưa người bệnh về nhà, thấy gia cảnh họ quá khó khăn, các anh lại tự trích tiền túi chia sẻ chút tấm lòng giúp họ trang trải khó khăn.
Với tâm nguyện chạy xe cứu thương miễn phí phục vụ người dân, năm 2019, khi còn là Trung tá - Phó trưởng Công an thị trấn Cần Giuộc (trước đó là Đội phó Đội Cảnh sát Hình sự - Công an huyện Cần Giuộc), ông Mai Văn Chư đã bàn với vợ bán miếng đất 5.000m2 của cha mẹ để lại dưới quê để mua một mảnh đất tại thị trấn Cần Giuộc và một chiếc xe cấp cứu với tổng chi phí hơn 4 tỷ đồng.

Cũng khoảng thời gian này, ông Chư tình cờ gặp ông Bùi Thanh Tùng (sinh năm 1969, chủ cơ sở bánh Trung Thu chay tại huyện Bình Chánh,TP.HCM). Ông Tùng cũng có một xe và đang là lái xe cứu thương từ thiện. Hai người cùng chung lý tưởng đã bàn bạc nhau mở Trung tâm cấp cứu từ thiện huyện Cần Giuộc. Không chỉ góp vốn, hỗ trợ chi phí duy trì Trung tâm, ông Tùng còn dắt theo người con trai sinh năm 1992, cùng làm tài xế tình nguyện cho chuyến xe 0 đồng từ những ngày đầu tới nay.
"Việc làm ý nghĩa này giúp đỡ được mọi người trong cơn hoạn nạn nên gia đình tôi ai nấy đều ủng hộ. Đây là niềm vui của tôi và của cả gia đình," ông Tùng chia sẻ.
Ông Tùng cho biết nhờ sự đồng hành hỗ trợ của các nhà hảo tâm, trung tâm cấp cứu từ thiện mới duy trì hoạt động được đến nay. Xe hỏng hóc, mang ra tiệm sửa, lỗi nhỏ thì được miễn phí, thay thế phụ tùng thì chỉ tính tiền phụ tùng không mất tiền công. Mọi người cũng thường xuyên cho quà bánh để phục vụ tài xế, nhân viên đến làm việc. Dù vậy, hiện chi phí hoạt động của Trung tâm rất cao, tính riêng xăng dầu trung bình 1 tháng đã tốn khoảng 60-70 triệu đồng.
"Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều người biết đến chuyến xe 0 đồng để cùng chung tay duy trì lâu dài hoạt động của trung tâm. Ai biết đến, hỗ trợ 5 đồng, 10 đồng chúng tôi cùng vui mừng đón nhận. Nhưng sau khi người nhà được cứu sống, bà con đến cảm ơn, gửi tiền cho trung tâm thì chúng tôi không bao giờ nhận. Nguyên tắc của chúng tôi là cứu người bệnh không phân biệt giàu nghèo," ông Tùng và ông Chư chia sẻ.
Xem thêm: Đen Vâu tiếp tục “sao kê” doanh thu MV “Nấu ăn cho em” để làm từ thiện
Đọc thêm
Sinh ra từ gian khó, hơn ai hết cô giáo mầm non Nguyễn Thị Thu Hiền hiểu rõ sựthiếu thốn, cùng cực mà cái nghèo mang lại, nên khi có điều kiện cô liền dốc hết sức để làm từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn.
Nói về hoạt động thiện nguyện của mình, giáo sư Lê Ngọc Thạch chia sẻ: “Sự đóng góp của tôi là bổn phận của một công dân và tôi học thầy tôi thôi”.
Vì không muốn tiền dành dụm trở nên vô nghĩa, cặp vợ chồng trẻ tại Hàn Quốc thay vì tổ chức đám cưới, đã đem 5 triệu won đi quyên góp từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Tin liên quan
Luân rời đất nước Nhật Bản sau 3 năm làm việc để về Việt Nam thi tuyển vào Trung tâm cấp cứu 115 (TP.HCM) để hiện thực hóa khát khao cứu người.
Tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp nguy kịch vì không có xe chở đi cấp cứu kịp thời, phó trạm y tế xã Nguyễn Văn Lâm đã bán bò, vay mượn thêm để mua chiếc ô tô cũ chở miễn phí bệnh nhân lên tuyến trên.
Nghe tin bố mất vì COVID-19 nhưng anh Điệp không thể về... bởi khi đó anh đang cùng mọi người vượt khó khăn, ôm vô lăng chở thiết bị y tế, chở F0 đến bệnh viện cấp cứu...