Thành Ung Châu kiên cố bị Lý Thường Kiệt hạ gục sau 42 ngày cố thủ: 58.000 người xác chất thành núi
Chỉ trong phút chốc, thành Ung Châu bị đập tan, Lý Thường Kiệt hạ lệnh không để một ai trong thành sống sót.
Lý Thường Kiệt là vị anh hùng dân tộc, vị tướng trí dũng song toàn nổi tiếng trong lịch sử nước ta, gắn liền với những chiến công hiển hách khiến đời sau phải nể phục.
Trong lịch sử, dù bị đội quân của Lý Thường Kiệt tấn công bất ngờ và tổn thất nặng nề ở vùng biên thùy phía nam nhưng nước Tống vẫn còn tiềm lực rất lớn. Khi đó, vua Tống và Vương An Thạch đã bàn nhau dựa vào thành Ung Châu kiên cố để cầm quân chân Đại Việt, sau đó một đạo quân lớn sẽ đi vòng đường khác đánh vào lãnh thổ nước ta.
Thay mặt vua Tống, Vương An Thạch soạn Thảo Giao Chỉ Chiếu với những lý lẽ thể hiện tư tưởng hống hách của nước lớn, vừa ra vẻ bề trên dụ dỗ lại vừa đe dọa vũ lực với quân dân Đại Việt. Đáp lại, Lý Thường Kiệt đã thảo Phạt Tống lộ bố văn” và sai yết ở dọc đường để kể tội nhà Tống.
Đáng chú ý, trong Thảo Giao Chỉ Chiếu có đoạn: “Xét lại nước An Nam đời đời hưởng vương tước, các triều trước đối đãi khoan hậu, lúc nào cũng bao dung tha thứ cho tới tận ngày nay. Nay lại xâm phạm thành ấp, sát hại quân dân là đã phạm pháp kỷ không thể tha thứ được. Vâng mệnh trời mà chinh phạt là có danh nghĩa, vậy sai Triệu Tiết sung làm chức An Nam đại hành dinh, Mã Bộ quân Đô Tổng Quản Kinh Lược Chiêu Thảo Sứ, Lý Hiến sung làm chức Phó Sứ, Yên Đạt sung làm chức Mã Bộ Phó Sứ Đô Tổng Quản, thuận theo thời lệnh mà dấy binh đường thủy và đường bộ tiến quân.
Ý trời tỏ ra giúp thuận, hiện ra những điểm chỉ vẽ rõ ràng. Người nào biết hối hận, đều giữ khí khái đối địch quân thù, những nơi nào quân vua tới sẽ không tổn hại đến thường dân cũng như tàn sát kẻ bại trận.
Hỡi nhân dân đã lâu ngày sống trong cảnh lầm than, nếu biết khuyên dụ chủ mình nội phụ, xuất chúng quy phục, bắt giặc hiến cống, đem mình hiếu thuận thì sẽ được thưởng tứ tước łộc, vinh hiển bội phần, những tội lỗi trước đây đều được ân xá. Càn Đức đương còn ấu trĩ, chính lệnh không do y mà ra, khi nào lai triều cũng sẽ được tiếp đãi trọng hậu như trước”.
Của cải nước Tống được tập kết tại thành Ung Châu với mục đích đánh Đại Việt. Một trong những vị tướng lão luyện nước Tống là Tô Giám đã dùng tài sản phân phát cho dân trong thành, khích lệ tinh thần khiến cả thành đồng lòng cố thủ. Vì thế, Lý Thường Kiệt dù vây thành hơn một tháng vẫn “lực bất tòng tâm”. Khi đào hầm xuyên qua hào sâu và tường thành để đột nhập vào trong, quân Ung Châu phát hiện đã phóng hỏa đốt ngay miệng hầm khiến quân Đại Việt thương vong. Không bỏ cuộc, quân Đại Việt dùng hỏa công bắn đá, hỏa tiễn vào trong thành khiên dân và binh lính nước Tống tổn hại.
Thành Ung Châu cháy nhiều nơi, không đủ nước dập. Trong thành dân thiếu nước sạch để dùng khiến dịch bệnh bùng phát. Nhân cơ hội này, Lý Thường Kiệt sai quân lấy đất xúc vào bao, khi đến vạn bao thì xếp từ chân thành xếp lên. Chẳng mấy chốc, một đường dốc cao tới mặt thành hiện ra, quân Đại Việt theo đó mà tràn vào như nước vỡ bờ, tấn công thần tốc.
Tô Giám dù liều chết lãnh đạo quân và dân trong thành chống trả nhưng vô vọng, cuối cùng quay về nhà tự kết liễu 36 người trong gia đình, chôn xác xuống hố rồi tự thiêu. Hành động không chịu khuất phục của Tô Giám khiến dân thành Ung Châu quyết đấu đến cùng trong tuyệt vọng. Không còn cách nào khác, Lý Thường Kiệt buộc phải hạ lệnh giết hết những người trong thành.
Ngày 1/3/1076, thành Ung Châu bị hạ sau 42 ngày cố thủ, số người bị giết lên tới 58.000 người. Quân Đại Việt cũng thiệt hại hơn vạn người. Thành Ung Châu bị hạ khiến mọi toan tính, chiến lược của nước Tống về sau đều bị đảo lộn. Nghe tin quân Tống sắp đưa quân sang đánh Đại Việt, Lý Thường Kiệt nhanh chóng chuẩn bị một kế hoạch rút quân hoàn mỹ.
Cụ thể, ông sai quân lấy đá lấp sông Ung Giang, trước khi về còn phao tin sắp đem quân đánh Tân Châu. Cổ Cắn Lặc - quan giữ thành Tân Châu vừa nghe tin sợ mất mật, bỏ cả ấn tín mà chạy trốn, nhờ đó mà quân Đại Việt rút về nước vô cùng nhanh gọn. Nhiều thám tử Đại Việt cải trang thành nhà sư, nạn dân, lái buôn người Tống đi khắp nơi do thám, quân Đại Việt đốt trại, hủy lương thực, phá thành và đồn lũy, mang theo nhiều của cải và tù binh về nước mà không đội quân nào nước Tống dám đuổi theo, chỉ lo cố thủ vì sợ quân ta sẽ tiếp tục đánh Tân Châu.
Trong toàn bộ chiến dịch đánh Tống, quân Đại Việt ta đã giết hơn 10 vạn quân Tống. Lý Thường Kiệt rút quân về nước an toàn vào cuối tháng 3/1076. Không có nhiều thời gian nghỉ ngơi hay “ngủ quên trên chiến thắng”, đội quân thiện chiến của Lý Thường Kiệt biết rằng cuộc chiến phía trước còn rất cam go. Triều đình nhà Lý ngay lập tức tiến hành điều động quân dân Đại Việt chuẩn bị bước vào giai đoạn chiến đấu mới với ý nghĩa quyết định vận mệnh dân tộc, đó chính là đón đánh đội quân viễn chinh Tống trên lãnh thổ Đại Việt.
“Trời sinh ra dân chúng, Vua hiền ắt hoà mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương An Thạch, bày những phép “thanh miêu”, “trợ dịch”, khiến trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thoả cái mưu nuôi mình béo mập.
Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót. Những việc từ trước, thôi nói làm gì!
Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thanh bình!
Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi!”.
(Phạt Tống lộ bố văn – Lý Thường Kiệt)
Xem thêm: Lý Thường Kiệt: Chủ trương 'tiên phát chế nhân' và trận tử chiến hạ thành Ung Châu
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận