Sự tích Thần Độc Cước: Vị thần “hộ quốc an dân” xẻ đôi thân mình để bảo vệ dân chúng

Thần Độc Cước là một trong số 8 vị thần được phối thờ trong hệ thống Tứ Phủ nước ta. Ngày nay, dân gian vẫn lưu truyền sự tích nổi tiếng về vị thần này.

Thùy Nguyễn
07:00 27/11/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thần Độc Cước là vị thần có tài đức, có công lớn giúp nhiều đời vua dẹp giặc, giữ gìn bờ cõi và được phong là Độc Cước sơn triều.

Đền thờ thần Sơn Tiêu Độc Cước tọa lạc tại một số nơi trên cả nước, trong đó nơi thờ chính đặt tại đền Độc Cước, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Dựa theo đạo sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 14 (1783), Thần Độc Cước có tên là Chu Văn Khoan, hiệu là Đại pháp sư, có 7 phép màu để trị ma quỷ gian ác.

Sự tích Thần Độc Cước

Tương truyền rằng, xưa kia có loài Quỷ đỏ mình trùng trục, mõm dài răng nhọn thích ăn thịt người. Loài Quỷ này sống ngoài biển khơi, thường về vùng Sầm Sơn chọn những ngư dân ra khơi đánh cá để bắt và ăn tươi nuốt sống. Dân chúng vô cùng khiếp sợ, không còn ai dám ra biển. 

su-tich-than-doc-cuoc-vi-than-ho-quoc-an-dan-cua-nguoi-viet-1

Thấy thế, Quỷ đỏ mò vào tận đất liền, tàn sát dân làng không tha một ai. Những người sống sót vội rời làng rời xóm đi nơi khác khiến cảnh vật nơi đây vô cùng tiêu điều, tan hoang.

Thời đó, có một chú bé mồ côi (tương truyền là con của Mẫu Núi) lớn nhanh như thổi, khỏe mạnh khác người. Chẳng mấy chốc, cậu bé đã trở thành chàng trai cao lớn lạ thường, cất tiếng hú vang gọi dân làng đang lang bạt tứ xứ trở về làng xóm cũ, cùng nhau xây dựng, sửa sang vườn tược, trồng trọt chăn nuôi. Đàn ông theo chàng khổng lồ ra khơi đánh cá, chẳng mấy chốc cuộc sống trở nên no đủ, yên bình như trước. 

Biết không thể địch lại sức mạnh của chàng trai này, lũ Quỷ đỏ nhân lúc chàng và thanh niên trai tráng ra khơi đã lẻn vào bờ cướp phá, ăn thịt nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ. Về làng nhận tin dữ, chàng khổng lồ vô cùng tức giận, quyết định ở nhà với những người sống sót thì lũ quỷ lại phá ngoài khơi.

Không còn cách nào khác, chàng quyết chí tự dùng búa xẻ đôi thân mình, một nửa và một thân đứng ngự trên đỉnh Sầm Sơn canh giữ bản làng, nửa còn lại theo thuyền bè hộ vệ dân chài ra khơi. Từ đó, lũ Quỷ không dám quấy phá, cuộc sống dân làng lại yên bình như xưa. Cảm phục tấm lòng của chàng trai, Ngọc Hoàng đã phái Thiên Sứ mời chàng trai về trời, phong thần với tên gọi Thần Độc Cước, có nghĩa là Thần một chân.

Tục thờ Thần Độc Cước

Sau này, Độc Cước Đại Vương được người dân tôn làm Thành hoàng, thờ tại đền làng Hổ Cứ, xã Lộc Sơn (Hậu Lộc). Từ đó, đền thờ Thần Độc Cước luôn được coi là trung tâm tín ngưỡng của làng. 

su-tich-than-doc-cuoc-vi-than-ho-quoc-an-dan-cua-nguoi-viet-2

Thần Độc Cước được lập đền thờ ở nhiều nơi trong tỉnh, ngoài làng Hổ Cứ thì nhiều làng khác cũng tôn ngài làm Thành hoàng làng. Tại làng Hổ Cứ, tại đền thờ Độc Cước trước đây có nhiều đạo sắc phong từ thời Lê tới thời Nguyễn nhưng nay chỉ còn một đạo sắc phong năm Khải Định thứ 2 (1917).

Trong đạo sắc phong này có nêu rõ công lao của Thần Độc Cước, giúp người dân nơi đây có được cuộc sống yên ổn, ấm no. Thành hoàng Độc Cước ở nơi đây còn là dấu tích của lịch sử lập làng; là phong tục, đạo đức cũng như giá trị về thế giới tâm linh, là vị thần “hộ quốc an dân” được nhiều người tôn sùng. 

Tọa lạc trên mảnh đất bằng phẳng ven sông Trà Giang, đền Độc Cước như một nét chấm phá tăng thêm điểm nhấn cho bức tranh thủy mặc nơi này. Công trình kiến trúc này có không gian mở, không gian thờ mang đậm biểu hiện của kiến trúc, tôn giáo Việt. Trong đền, đồ thờ đều là những sản phẩm văn hóa vật thể để cầu phúc, cầu an.

Đền có cấu trúc hình chuôi vồ, gồm Tiền đường và Hậu cung. Đến năm 1938, Tiền đường được trùng du. Những dòng chữ trên đại tự của đền là sự kết hợp hài hòa giữa nét và chữ, giữa chữ với những mô típ trang trí xung quanh, giữa màu của chữ và màu của nền. Điều này khiến các bức phù điêu trong đền có giá trị nghệ thuật. 

su-tich-than-doc-cuoc-vi-than-ho-quoc-an-dan-cua-nguoi-viet-3

Hàng năm cứ vào ngày 12 đến 14-2 âm lịch, lễ hội đền Độc Cước được tổ chức có quy mô lớn nhất vùng với rước kiệu, yết tế, đua thuyền, đi cà kheo, đấu vật... thu hút đông đảo dân làng và du khách thập phương đến tham gia.

Năm 2010, đền Độc Cước được xếp  hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tục thờ thần Độc Cước mang những giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tiêu biểu, mang ý nghĩa cùng sức sống trường tồn trong đời sống và tâm linh của những người nông dân gắn liền với sông nước. 

Xem thêm: Giải mã những chuyện huyền bí quanh đền thờ 'đứa con thần nước' Yết Kiêu

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận