Giải mã những chuyện huyền bí quanh đền thờ 'đứa con thần nước' Yết Kiêu
Nhờ tài bơi lội “nhập thuỷ như phúc bình địa hỹ”, Yết Kiêu đã lập hàng loạt công lao, được vua ban tặng danh hiệu Trần triều đệ nhất đô soái thuỷ quân.
Sự tích đứa con "thần nước"
Về huyện Gia Lộc, Hải Hương đến với Đền Quát tại Hạ Bì (vốn là một làng chài ở tả ngạn sông Đáy) là nơi thờ Yết Kiêu - danh tiếng thời Trần nổi danh với tài thủy chiến.
Yết Kiêu có tên thật là Phạm Hữu Thế, sinh 13/2 năm Bính Ngọ (1242) tại làng Hạ Bì xưa, cha là Phạm Hữu Hiệu làm nghề chài lưới bên sông Quát, mẹ là bà Vũ Thị Duyên bán hàng nước ở bến đò. Cha mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cậu bé Phạm Hữu Thế theo phụ mẹ bán nước cạnh bờ sông. Cuộc sống trên sông nước nên cậu bé Thế bơi lội rất giỏi.
Tương truyền năm 15 tuổi, một buổi sáng tinh mơ cậu ra sông gánh nước. Sương trắng mù mịt, cậu thấy 2 con trâu trắng húc nhau liền dùng đòn ống can ngăn. Khi hai con trâu biến mất còn dính lông ở đòn ống, khi đặt xuống nước thì nước rẽ làm đôi. Nghĩ là lông trâu thần, cậu nuốt luôn vào bụng, từ đó thân thể cậu hùng cường, trí lực, bơi lội tài giỏi, đi trong nước như ở trên đất bằng vậy.
Đây là một cách lý giải tài bơi lội phi thường của Phạm Hữu Thế nhằm tăng tính phi thường của ông, khẳng định tài bơi lội này giống như được thần linh mang lại.
Công lớn đánh giặc
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai và lần ba, Phạm Hữu Thế cùng biệt tài “nhập thuỷ như phúc bình địa hỹ” đã lập nhiều công lao, được vua ban danh hiệu Trần triều đệ nhất đô soái thuỷ quân. Nhân dân cùng vua quan nhà Trần gọi ông là Yết Kiêu (tên một loài cá lớn ngày xưa).
Khi đó, nhiệm vụ của Yết Kiêu là đục thuyền giặc trong đêm. Đêm tới, Yết Kiêu đã tìm cách vượt qua hàng lính bảo vệ, mỗi thuyền đục hơn 20 lỗ, đục xong là lấy giẻ cuộc tròn và buộc dây đút lại. Những cuộc giẻ này buộc lại với nhau bằng một sợi dây. Yết Kiêu đục được 30 thuyền giặc một đêm, đến gần sáng xong việc, ông kéo dây khiến những nút giẻ trôi khỏi thuyền, khiến hàng chục thuyền giặc bị đắm rồi nhẹ nhàng bơi về bờ an toàn.
Cuộc chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Yết Kiêu được cử làm tướng hộ vệ cho Bảng nhãn Lê Đỗ sang Nguyên triều đi sứ. Khi đó, vua Nguyên mến mộ tài năng Yết Kiêu và ngỏ ý gả công chúa Nguyên triều vốn rất xinh đẹp cho ông. Yết Kiêu liền từ chối khéo, lấy lý do về xin nếu vua Đại Việt đồng ý thì sẽ sang làm lễ cưới.
Lo sợ mất một viên tướng tài giỏi, vua quan triều Trần không đồng ý. Đợi mãi không thấy Yết Kiêu sang, công chúa Nguyên triều xin vua cha sang đất Đại Việt để làm lễ thành hôn với Yết Kiêu. Vì muốn ngăn cản hôn nhân, vua quan nhà Trần báo tin Yết Kiêu qua đời khi công chúa Nguyên triều mới đi đến vùng biển Quảng Đông.
Thương xót khôn cùng, công chúa thuê người tạc tượng mình thả xuôi sang nước ta, lập đàn cầu siêu cho linh hồn Yết Kiêu rồi gieo mình xuống biển Quảng Đông để tỏ lòng chung thuỷ. Hai võ quan và chín nàng hầu cũng nhảy xuống biển tự vẫn để theo hầu công chúa… Đây cũng là lý do ngày nay Đền Quát vẫn thờ cụ bà và 9 nàng hầu để tưởng nhớ về một “người vợ” danh chính ngôn thuận nguyện theo chồng mà gieo mình xuống dòng sông.
Yết Kiêu mất ngày 28 tháng chạp năm Ất Sửu (1303), hưởng thọ 61 tuổi. Vua Trần cho lập đền Quát ở bờ sông Hạ Bì. Thế kỷ XVII- XVIII, khu đền được tôn tạo khang trang và tu sửa nhiều lần vào triều Nguyễn.
Bí ẩn việc thờ cáo và cá
Nhiều người băn khoăn về việc đền Quát thờ cả cáo. Tương truyền trong một trận đánh, khi Yết Kiêu bị địch lùa vào hang nhỏ, bên trong chỉ có một con cáo. Quân địch đâm giáo sâu vào trong hang để kiểm tra, khi mũi giáo chuẩn bị đâm thẳng vào ngực Yết Kiêu thì con cáo bất ngờ nhảy ra khỏi hang, đỡ hộ mũi giáo. Sau này, nhân dân cho thờ cả cáo trong đền Quát để ghi dấu ơn cứu mạng cụ Yết Kiêu năm xưa.
Một câu chuyện khác kể lại, trong một lần đang đục thuyền giặc thì Yết Kiêu bị phát hiện. Để bắt ông, quân địch lấy sắt, uống thành móc câu rồi thả xuống hai bên mạn thuyền. Yết Kiêu bị móc câu mắc phải, sau đó bị bắt và trói vào thân tàu. Khi bị tra tấn, ông nhanh trí dẫn đường, cho rằng quân lính, anh em của ông đang tập kết ở Sáu Kho (Hải Phòng).
Ngay lập tức, địch cởi trói và đưa ông đến địa điểm trên. Nhưng vừa tới khu Sáu Kho, Yết Kiêu lao vút ra cửa tàu, nhảy xuống nước rồi lặn mất. Quân địch vội vàng tìm kiếm nhưng không có kết quả. Tức giận, địch bủa vây khắp các cửa sông để tìm kiếm. Đột nhiên, trên sông xuất hiện một con cá kình to lớn, Yết Kiêu suy nghĩ chốc lát rồi nhanh chóng nhảy lên lưng con cá lao qua sông trốn thoát. Do đó, ngày nay ở Đền Quát còn thờ cả cá kình.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận