Cụ bà 80 tuổi vẫn miệt mài may chăn, quần áo tặng người nghèo

Thấy những người thợ may mang vải vụn, vải thừa đi vứt, bà Vàng thấy lãng phí vô cùng. Trầm tư suy nghĩ, cụ bà 80 tuổi nảy ra ý định mang những miếng vải vụn may thành chiếc chăn, quần áo gửi tặng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Vân Đức
10:41 13/04/2021 Vân Đức
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bên trong căn chòi lá nằm giữa huyện Bình Chánh, TP. HCM có một cụ bà 80 tuổi hàng ngày vẫn miệt mài với công việc may chăn ấm, quần áo để gửi tặng người nghèo, người lang thang trên đường mỗi đêm và giao cho các hội từ thiện. Đó là việc làm thiện nguyện của cụ bà Trần Thị Vàng (hay còn gọi là cụ Tư, 80 tuổi).

Ngồi bên trong căn chòi lá, bà Tư vẫn miệt mài công việc may chăn, quần áo, dường như chẳng màng tới chuyện bên ngoài. Ngồi trên bàn làm việc, đôi tay của bà vẫn uyển chuyển một cách điệu nghệ, chân phải đều đều đạp bàn máy may một cách nhịp nhàng.

“Tôi may như vậy đã 7 năm rồi. Trước đây, tôi chỉ ráp nối các mảnh vải vụn lại thành chăn để tặng cho người cần. Sau này, sợ tôi vất vả, con gái mua vải mới cho tôi vay”, bà Tư vui vẻ nói.

Ba tran thi vang 1
Đôi tay của bà Vàng uyển chuyển một cách điệu nghệ.

Thuở nhỏ, bà Tư sinh ra trong một gia đình rất nghèo. Lớn lên, bà được cha mẹ cho đi học nghề may để sau này “có cái nghề lận lưng". Về sau, khi các con yên bề gia thất, bà vẫn nhớ đến nghề cũ.

Vào một ngày của 7 năm trước, bà Tư tình cờ nhìn thấy cánh thợ may vứt bỏ nhiều vải vụn, bà tiếc lắm. Sau đó, bà trầm tư suy nghĩ, rồi nảy ra ý định tận dụng số vải này may thành chăn tặng người nghèo.

Không giống như những thợ may khác, để may hoàn thiện một chiếc chăn hoàn chỉnh, bà Tư lại phải ngồi phân loại vải, màu sắc,… rồi ráp, nối từng mảnh vải lại với nhau thành những tấm chăn lớn. May xong, bà gấp, xếp gọn gàng, cho vào bao rồi buộc lại để vào một chỗ để chờ dịp gửi cho các đoàn từ thiện.

Kể về lần đầu tiên mang chăn đi gửi tặng, bà Tư nói: “Lần đầu tiên, tôi gửi tặng chăn là khi ra thăm ngôi chùa ở tỉnh Đồng Nai. Chùa nuôi rất nhiều trẻ lang thang cơ nhỡ, người già neo đơn. Tôi ngỏ lời với sư trụ trì là muốn tặng chùa 50 cái chăn tự may. Nghe vậy, sư trụ trì vui lắm. Sư thầy rất hoan nghênh”

Lúc đó, thấy việc làm của mình được đón nhận, bà Tư vui mừng khôn xiết. Kể từ lần đó, bà lại tiếp tục nhận vải vụn về tỉ mỉ phân loại rồi miệt mài may. Thấy mẹ vất vả khi vừa phải ráp, nối cho đến khi ngồi may, cô con gái thứ 6 tình nguyện bỏ tiền ra mua vải cho bà Tư may. Không chỉ có vậy, cô con gái thứ 6 còn thường xuyên giúp bà căng, đo, cắt vải và chị còn mua một chiếc máy may, những lúc rảnh rỗi ngồi may cùng mẹ.

“Sợ tôi vất vả nên con đi mua vải mới về cho tôi may. Mỗi lần như thế, con mua cả cây vải dài 50m. May chăn bằng vải mới nhanh, đẹp và được nhiều hơn may bằng vải vụn. Mỗi ngày, tôi có thể may được trên chục cái chăn từ những cây vải mới như thế này”, bà Tư chia sẻ.

Năm ngoái, bà Tư đã may và trao tặng cho các hội, nhóm từ thiện trên 1.000 chiếc chăn từ nhiều loại vải do con gái mua về. Còn với những nghèo, bà phải nhờ người cháu nội trực tiếp đem đi tặng bởi tuổi tác của bà đã cao.

“Tôi bảo cháu nội là chiều tối, sau khi đi làm về thì lấy xe, chở chăn đi tặng người nghèo. Hễ thấy ai ngồi ngoài đường hay đi lang thang, cháu lấy chăn tặng người ta. Chiều nào đi làm về cháu cũng chở chăn đi tặng”, bà Tư cho biết.

Dịp tết vừa qua, khi trời mới hửng nắng, cháu nội của bà Tư lại bắt đầu với công việc đem chăn đi tặng người nghèo. Lần này khác so với những lần trước, ngoài việc chở 50 chiếc chăn, cháu nội của bà Tư còn rủ thêm bạn rồi mua 50 chiếc bánh bao. Mục đích là khi đi trên đường, thấy người nghèo, lang thang thì tặng 1 chiếc chăn kèm theo 1 cái bánh bao.

Ngoài việc may chăn, bà Tư còn rất thích may quần áo cho trẻ em bởi bà biết, nhiều cháu bé ở vùng sâu vùng xa còn chưa đầy đủ quần áo. Bà nói: ““Các miếng vải vụn, vải lỗi quá mỏng không phù hợp cho việc may chăn, tôi đem may thành quần áo trẻ em. May cái này lâu hơn, tôi phải nhờ con dâu cắt vải. Con gái thứ 9 thấy thế cũng đòi đem về nhà vắt sổ để tôi may cho nhanh. Nhưng tôi nghĩ đem về nhà, con bận công việc, làm lâu nên tôi cứ để đây, tự tay làm.

Đợt vừa rồi, khi có đoàn từ thiện đến xã Hòa Tân (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) tặng quà cho các gia đình khó khăn, ngoài gửi chăn, tôi còn gửi thêm quần áo cho các cháu nhỏ”.

Cứ như vậy, đều đặn mỗi ngày bà Tư đều đi ra căn chòi để tiếp tục công việc. 7 năm thấm thoát trôi qua, tuy đã ở độ tuổi xế chiều, nhưng dường mắt bà vẫn nhìn tốt, vẫn rất yêu đời, yêu công việc may chăn, quần áo. Bà Tư cũng mong muốn có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc, tiếp tục gửi tặng những chiếc chăn, bộ quần áo trẻ em nhiều hơn nữa cho người nghèo, khó khăn. Bởi người ta đắp chăn, lòng bà cũng ấm.

Xem thêm: Người đàn ông dành 30 năm cuộc đời cho hành trình "xóa mù chữ" ở vùng đầm phá

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận