Xót xa cuộc đời đẫm lệ mẫu thân vua Bảo Đại: Vợ vua nhưng như người vô hình, không được ở gần con, mâu thuẫn với mẹ chồng
Cuộc đời buồn của một Hoàng Thái hậu ở triều Nguyễn, có tuổi thơ khốn khó, bị bán làm nô tì trong cung. Một bước trở thành vợ vua rồi lại bị mẹ chồng cách ly khỏi con trai, đến cuối đời lại quay trở về cuộc sống khốn khó.
Khi nhắc về các vị phi tần, hoàng hậu của vua chúa thời xưa thì đa số đều là những người có dòng dõi quý tộc hay hoàng thân quốc thích. Tuy nhiên, trong lịch sử của Việt nam lại có một vị Hoàng Thái hậu có tuổi thơ khốn khó, từ nô tì trong cung trở thành vợ vua nhưng bị mẹ chồng ghét bỏ, cách ly khỏi con trai, đến cuối đời phải sống một cuộc sống nghèo khó và đơn độc. Đó chính là Từ Cung Hoàng thái hậu, thụy hiệu là Đoan Huy Hoàng thái hậu, là phi thiếp của vua Khải Định.
Tuổi thơ buồn tủi, nghèo khó của vị Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn
Từ Cung Thái hậu tên thật là Hoàng Thị Cúc, bà sinh ngày 27/1/1890 tại làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cha của bà là ông Hoàng Trọng Tích, còn mẹ là bà La Thị Sơn.
Ngay từ ngày còn nhỏ, bà đã là một đứa trẻ thiếu thốn tình thương của mẹ, do mẹ của bà đã bỏ đi để lấy chồng khác. Bà sống cuộc sống nghèo khó cùng với cha và hai anh chị cùng cha khác mẹ. Tuy nhiên, cha của bà cũng qua đời không lâu sau đó và bà được người anh cả nuôi nấng. Nhưng vì gia cảnh nghèo mà anh trai lại quá ham mê cờ bạc nên bà đã bị anh mình bán vào trong cung làm nô tì để lấy tiền tiêu xài.
Từ đây cuộc đời bà đã chuyển sang một trang mới nhưng cũng không tươi sáng hơn là bao. Với bản chất hiền lành, lương thiện, nhu mì nên khi vào cung bà được đưa đến làm nô tì cho bà Tiên Cung – vợ góa của vua Đồng Khánh, cùng Hoàng tử Bửu Đảo (tức vua Khải Định sau này). Khi đó, Hoàng Tử Bửu Đảo đã có vợ là con gái của đại quan đầu triều và bản thân đang giữ chức Phụng Hóa Công. Tuy nhiên hai người sống với nhau đã lâu mà chưa có con, điều này khiến bà Tiên Cung vô cùng lo lắng.
Câu chuyện bắt đầu từ khi Hoàng Tử Bửu Đảo ghé thăm mẹ mình là bà Tiên Cung, thấy có tỳ nữ hiền dịu, nhu mì mà nhan sắc cũng không đến nỗi nên để ý và rồi tư tình qua lại. Cuối cùng chuyện gì đến rồi cũng đến, cuộc tình vụng trộm giữa Hoàng tử và tỳ nữ đã có kết quả. Sau một thời gian ngắn, vào năm 1913, bà Hoàng Thị Cúc sinh hạ công tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại sau này).
Khi bà Tiên Cung biết chuyện đã rất tức giận vì cho rằng con trai mình thuộc dòng dõi Hoàng tộc, trong khi Thị Cúc chỉ là một người hầu thấp hèn nên không thể xứng đôi vừa lứa. Nhưng dù vậy, bà Tiên Cung vẫn phải chấp nhận rằng Thị Cúc đã sinh cho mình một đứa cháu trai để duy trì quyền lực của hoàng tộc. Và từ đây Thị Cúc trở thành vợ của một Hoàng tử triều Nguyễn.
Vào năm 1916, Hoàng Tử Bửu Đảo lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Khải Định. Hai năm sau khi đăng cơ vua phong cho bà Thị Cúc trở thành Nhị Giai Huệ Phi.
Vợ vua nhưng như người vô hình, không được ở gần con, mâu thuẫn với mẹ chồng
Sau khi thành phi cứ tưởng cuộc sống của bà được “lên mây” nhưng hoàn toàn không phải. Bởi bà phải chịu cảnh gièm pha của “mẹ chồng” là Thái hậu Tiên Cung cùng với sự bất lực của chính người chồng đầu ấp tay gối.
Ngay khi Hoàng tử Vĩnh Thụy mới chào đời, bà Tiên Cung đã đón cháu nội về cung riêng để tự mình chăm sóc, nuôi nấng. Chỉ khi đứa trẻ khát sữa mẹ, bà Tiên Cung mới cho gọi Huệ phi đến cho bú rồi lại đuổi về. Huệ Phi bất lực chỉ biết ngồi trong cung mà khóc, không dám đến gặp con, cũng không dám kêu than với Khải Định. Đến khi con trai trưởng thành, cứ nghĩ sẽ được đoàn tụ, được con trai yêu thương thì Hoàng Tử lại đi du học Pháp khiến nỗi nhớ con cứ nhân lên bội phần.
Năm 1925 vua Khải Định băng hà, Hoàng Tử Vĩnh Thụy đang học bên Pháp được gọi về nối ngôi lấy niên hiệu là Bảo Đại rồi lại quay trở lại Pháp học tiếp. Năm 1932, vua Bảo Đại học xong về nước. Năm 1933, Huệ Phi được tôn phong thành Đoan Huy Hoàng Thái hậu, thường gọi là Từ Cung Thái hậu.
Cái kết của một cuộc đời buồn: Bất đồng với con dâu, xa cách con cháu, chết trong cô độc nghèo khó
Năm 1934 vua Bảo Đại kết hôn cùng Hoàng Hữu Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng Hậu. Trong khi Nam Phương Hoàng Hậu là một cô gái theo đạo Công giáo, có tư tưởng vô cùng tân thời thì Từ Cung Thái hậu lại là một người sùng đạo Phật, sống cùng những quy củ của triều đình Huế xưa. Chính vì sự khác nhau này khiến Thái Hậu và Hoàng Hậu có không ít mâu thuẫn và thường xảy ra cuộc chiến ngầm.
Khi nhà Nguyễn bước vào ngưỡng suy vong, vua Bảo Đại bận rộn với chính sự, con dâu thì không vừa mắt, cháu thì xa cách, Thái hậu Từ Cung phải sống lủi thủi một mình bên cạnh những người tì nữ. Sau này, vào năm 1955, nhà Nguyễn sụp đổ, bà rời khỏi cung và sống trong căn nhà số 79 phố Phan Đình Phùng, thành phố Huế cho đến cuối đời.
Tuy rằng cuối đời Thái hậu Từ Cung phải sống trong cô đơn và nghèo khó nhưng bà vẫn làm tròn phận sự của mình với tổ tiên nhà Nguyễn cho đến giây phút cuối cùng, bà nói: “Ta sinh ra ở đâu thì sẽ chết ở đó. Tổ tiên nhà Nguyễn còn ở Huế thì ta còn phải ở lại lo chuyện thờ cúng, chăm sóc lăng mộ các bậc tiền nhân. Nhà Nguyễn đã cho ta hưởng lộc cả đời. Ta có chết cũng chưa báo đáp hết được”.
Điều duy nhất bà ao ước là được một lần gặp lại con trai mình - vua Bảo Đại cùng những đứa cháu nội nhưng điều đó không bao giờ trở thành sự thực. Đến khi mất, chỉ có duy nhất cung nữ trung thành Lê Thị Dinh ở lại bên cạnh bà. Vậy là cuộc đời Hoàng Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn kết thúc trong nỗi buồn khôn tả.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận