Tết Hàn thực có phải Tết Thanh minh không?
Tết Hàn thực có phải Tết Thanh minh không là câu hỏi mà rất nhiều người còn đang phân vân. Trong bài viết dưới đây hãy cùng đi tìm câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc trên nhé.
Tết Hàn thực có phải Tết Thanh minh không?
Từ trước đến nay, chúng ta thường nghe nói đến Tết Thanh minh, Tết Hàn thực, nó cùng diễn ra vào một khoảng thời gian là tháng 3 âm lịch nên nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Tết Hàn thực có phải là Tết Thanh minh không?
Trên thực tế, Tết Thanh minh và Tết Hàn thực là hai dịp lễ tách biệt. Cả hai ngày Tết Thanh minh và Tết Hàn thực đều là những ngày lễ có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa cổ đại.
Tết Thanh minh là gì?
Tết Thanh Minh (hay còn gọi là tiết Thanh Minh) là 1 trong 24 tiết khí trong cách lập lịch theo quan niệm của nhiều quốc gia phương Đông vốn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại như Triều Tiên, Nhật Bản Việt Nam Trung Quốc
Tiết Thanh minh thường kéo dài trong nhiều ngày, thường bắt đầu từ ngày 4 - 5/4 Dương lịch đến ngày 20 - 21/4 Dương lịch, khi Tiết Cốc vũ bắt đầu. Dù Tiết Thanh minh không có ngày Âm lịch cố định nhưng theo quy luật của Âm lịch thì Tiết Thanh minh luôn phải nằm trong tháng 3 Âm lịch.
Tết Hàn thực là gì?
Trong khi đó Tết Hàn thực không phải là một dịp Tết kéo dài nhiều ngày như Tết Thanh minh mà nó chỉ có một ngày cố định là ngày 3/3 Âm lịch. Ngày Tết Hàn thực gắn liền với câu chuyện về vua Tấn Văn Công và người bề tôi Giới Tử Thôi.
Chuyện kể rằng, vào thời Xuân Thu ởTrung Quốc, có một vị vua tên là Tấn Văn Công. Vua có một người thuộc hạ trung thành, cùng mình vào sinh ra tử nhiều lần là Giới Tử Thôi. Tuy nhiên, sau khi lên ngôi, lúc ban thưởng vua đã quên mất không ban thưởng cho Giới Tử Thôi.
Sau khi Giới Tử Thôi cùng mẹ về núi Điền Sơn ở ẩn, vua mới sực nhớ ra người thuộc hạ trung thành này. Vua liền cho người tìm Giới Tử Thôi để gọi ra lĩnh thưởng nhưng ông không chịu rời núi. Vua bèn sai người đốt rừng, ý muốn thúc ép ông phải xuống núi. Tuy nhiên, Giới Tử Thôi vẫn không chịu tuân mệnh, rốt cuộc cả hai mẹ con ông đều chết cháy.
Vua vì chuyện này mà quá đau lòng, nên lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng nhớ công lao và ý chí kiên định của Giới Tử Thôi cũng như tỏ rõ sự ân hận về quyết định của mình. Ba ngày đó nằm trong khoảng từ mùng 3/3 đến mùng 5/3 Âm lịch hàng năm nên sau này, người Trung Quốc còn gọi khoảng thời gian này là Tết Hàn thực (tức chỉ ăn đồ lạnh).
Một năm qua đi, khi vua và quần thần đến viếng mộ Giới Tử Thôi thì phát hiện ra rằng cây liễu, nơi phát hiện ra thi thể của ông, nay đã lớn khỏe, đầy sức sống và mọc nhiều cành mới với lá xanh mơn mởn. Nhìn thấy điều này, nhà vua nhớ cụm từ “thanh minh” trong lời di cảo của Giới Tử Thôi, liền đặt tên cho ngày này là ngày Thanh minh.
Từ đó về sau, ngày Thanh minh đã trở thành một dịp lễ quan trọng của người Trung Quốc để tưởng nhớ tổ tiên, những người đã ra đi. Sau này, Tết Hàn thực cũng được sáp nhập luôn vào lễ hội Tết Thanh minh và trở thành ngày Thanh minh, ngày cho những người còn sống tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã khuất.
Như vậy, chúng ta cần hiểu rõ, Tiết Thanh minh là một trong 24 Tiết khí Nông lịch và kéo dài nhiều ngày trong tháng 3 Âm lịch nhưng không có lịch cố định (chỉ có ngày Dương lịch cố định). Còn Tết Hàn thực có lịch cố định là diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch. Sau này có thêm ngày Thanh minh nằm trong Tết Thanh minh và cũng trùng vào ngày 3/3 Âm lịch nên người ta thường tổ chức chung ngày Tết Thanh minh và Tết Hàn thực cùng với nhau.
Những hoạt động trong ngày Tết Thanh minh tại Việt Nam
Tết Thanh minh là ngày mà các thế hệ con cháu bày tỏ tấm lòng thành kính với ông bà, tổ tiên và người đã khuất bằng cách đi tảo mộ, thăm viếng và chăm sóc mộ phần của gia đình, dòng họ.
Ngoài ra, nhiều gia đình muốn xây dựng hay dọn dẹp lại mộ phần của ông bà, tổ tiên thường đợi đến ngày Thanh minh mới động thổ. Điều này là nguyên tắc được ông bà ta quy ước từ xưa để tránh cho con cháu gặp phải tai ương, xui xẻo khi động chạm vào mồ mả của người đã khuất.
Ngày Thanh minh trong Tết Thanh minh trùng với ngày Tết Hàn thực nên trong dịp này, người Việt thường dâng lên ông bà tổ tiên những đĩa bánh trôi - bánh chay. Người Việt không kiêng lửa như người Trung Quốc, thay vào đó chúng ta vẫn nấu nướng bình thường và dùng bánh trôi - bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - Hàn thực. Vì vậy, tại Việt Nam, Tết Hàn thực còn có một tên gọi khác là Tết bánh trôi - bánh chay.
Xem thêm: Văn khấn Tết Hàn thực 2021 theo văn khấn Cổ truyền Việt Nam chuẩn nhất
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận