Văn khấn Tết Hàn thực 2021 theo văn khấn Cổ truyền Việt Nam chuẩn nhất
Sống Đẹp xin gửi đến quý độc giả bài văn khấn Tết Hàn thực 2021 theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin).
Tết Hàn thực 2021 là ngày nào?
Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch. Đây là ngày lễ quan trọng của người Việt. Trong ngày này các gia đình sẽ chuẩn bị bánh trôi, bánh chay dâng lên gia tiên và các vị thần linh.
Tết Hàn thực 2021 rơi vào ngày thứ Tư, 14/4/2021. Người dân các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền xuôi còn gọi ngày này là ngày "bánh trôi bánh chay".
Vậy nguồn gốc, ý nghĩa của tết Hàn thực là gì? Hàn thực (thức ăn lạnh) vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc thông qua tích ông Giới Tử Thôi thời Đông Chu liệt quốc. Theo điển tích này, đời Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loại bỏ nước lưu vong, nay trú ở nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế.
Một ngày nọ, trên đường đi lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi lén lút cắt một miếng thịt đùi dâng vua. Vua ăn xong hỏi mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm.
Về sau, Tấn Văn Công giành được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng hậu hĩnh cho nhiều người nhưng quên mất Giới Tử Thôi. Thế nhưng, Giới Tử Thôi không oán giận mà nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.
Sau Tấn Văn Công nghĩ ra mới đi tìm nhưng Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng. Cuối cùng Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh.
Rốt cục, cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót đã lập miếu thờ, hạ lệnh trong dân gian kiêng lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 âm lịch hàng năm).
Còn theo các bài phân tích của Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương, Tết Hàn thực cũng như các ngày lễ, Tế liên quan đến âm lịch và nền văn minh lúa nước đều không phải của người Trung Quốc, mà nó hoàn toàn liên quan tới nền văn minh của người Việt.
Văn khấn Tết Hàn thực 2021 chi tiết nhất
Thông thường, trong ngày Tết Hàn thực các gia đình sẽ chuẩn bị bánh trôi bánh chay để cúng thần linh, gia tiên. Số lượng đĩa/bát bánh trôi, bánh chay trong mâm cúng nên để là 3 hoặc 5. Bánh trôi được nặn thành viên nhỏ với vỏ bánh màu trắng, bên trong có nhân đường đỏ. Bánh chay được nặn thành hình tròn dẹt có vỏ là gạo nếp trắng, không nhân hoặc nhân đậu xanh, mè đen... được ăn cùng nước đường.
Dưới đây là Văn khấn Tết Hàn thực 2021 chi tiết nhất cho mọi gia đình:
Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần. Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ chúng con là… Ngụ tại…
Hôm nay là ngày… (đọc ngày theo âm lịch) gặp tiết Hàn thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Một số việc nên làm trong ngày Tết Hàn thực 2021
Người Việt Nam vốn có truyền thống uống nước nhớ nguồn nên trong những dịp lễ như Tết Hàn thực thì thường làm một số việc sau:
- Đi tảo mộ: Tết Hàn thực là ngày để con cháu bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên, những người đã khuất. Ngày này cũng nằm trong dịp tết Thanh Minh nên nhiều gia đình ra nghĩa trang thăm viếng, sửa sang phần mộ tổ tiên.
- Làm mâm cúng: Trong ngày này, nhiều gia đình tụ họp để làm mâm cúng gia tiên, thần linh, cầu mong may mắn, an yên cho gia đình. Không cần cầu kỳ, các gia đình thường chuẩn bị những lễ vật cơ bản như: Hương, hoa tươi, hoa quả, trầu cau, bánh trôi, bánh chay... và các món ăn.
- Nói những điều hay: Trong ngày này các gia đình cũng cần tránh mâu thuẫn, tranh cãi. Nếu gặp vấn đề tranh chấp thì nên nhường nhịn, hòa giải. Không nên nói điều xui xẻo, tránh cho không khí gia đình nặng nề.
- Nhắc nhớ công ơn của người đã khuất: Trong ngày này, các gia đình quây quần bên nhau kể chuyện về ông bà tổ tiên, nhắc nhở con cháu đạo hiếu "uống nước nhớ nguồn".
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận