Vua Lê Hy Tông và chuyện đăng cơ "bất đắc dĩ"

Sử sách chép rằng, Lê Hy Tông đăng cơ một cách "bất đắc dĩ". Tuy nhiên, ông lại là vị hoàng đế duy nhất của thời Lê Trung Hưng để lại dấu ấn khá đậm nét trong lịch sử dân tộc.

Đỗ Thu Nga
07:00 08/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lê Hy Tông (1663 – 1716) tên húy là Lê Duy Cáp hay Lê Duy Hiệp, là vị vua thứ 10 của nhà Lê Trung hưng và thứ 21 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông là con thứ tư của Lê Thần Tông với cung nhân Nguyễn Thị Ngọc Trúc (hay Nguyễn Thị Ngọc Tấn), sinh ra sau khi vua cha đã mất (9/1662) khoảng 5 tháng.

Theo ghi chép của Khâm định Việt sử thông giám cương mục, mẹ ông người xã Đông Khối, huyện Gia Định (tức huyện Gia Bình sau này), không phải tộc thuộc của họ Trịnh ở Sóc Sơn. Trước khi qua đời, Lê Thần Tông dặn Tây vương Trịnh Tạc trông nom giúp đỡ người con sắp chào đời. 

Chuyện lên ngôi khác thường của Lê Duy Cáp

Theo báo Pháp luật Việt Nam, chuyện lên ngôi của Lê Duy Cáp cũng rất khác thường. Chính sử có chép: Vào ngày mồng 3 tháng 4 năm Ất Mão (1675), vua Gia Tông băng hà nhưng mãi đến tháng 6 triều đình mới rước linh cữu về Thanh Hóa an táng tại xã Phúc Lộc, huyện Thụy Nguyên gọi là lăng Phúc An.

Đến ngày 12 tháng 6, quần thần mới lập Lê Duy Cáp lên nối ngôi và trong thời gian 2 tháng 8 ngày đó, đất nước không có vua, trái quan điểm truyền thống “Nước một ngày không thể không có vua”.

Mặc dù lên ngôi từ tháng 6 năm Ất Mão (1675) nhưng mãi đến đầu năm sau Lê Hy Tông mới đặt niên hiệu. Trong thời gian ngồi trên ngai vàng, Lê Hy Tông đã dùng lần lượt 2 niên hiệu: Vĩnh Trị (1676 – 1679) và Chính Hòa (1680 – 1705). Về danh nghĩa là vua Lê Hy Tông không có thực quyền, mọi việc vẫn do chúa Trịnh kiểm soát, điều hành. Vậy nên sách Đại Nam quốc sử diễn ca có câu rằng: Hy Tông hoàng đệ thay anh/Ngôi không luống giữ, quyền hành mặc ai".

vua-le-hy-tong-va-chuyen-dang-co-bat-dac-di-0
Tranh vẽ vua Lê Hy Tông

Sử sách cũng chép rằng, vua Lê Hy Tông ở ngôi đến tháng 4 năm Ất Dậu (1705) thì nhường lại cho con (tại vị 30 năm). Sau khi nhường ngôi, ông làm Thái Thượng hoàng 11 năm (1705 - 1716), đến ngày Quý Mão tháng 4 năm Bính Thân (3/4/1716), ông mất ở điện Kiền Thọ, thọ 53 tuổi.

Triều đình đặt thụy hiệu là "Thông mẫu Anh quả Đon khoát Khoan dụ Vĩ độ Huy cung Chương hoàng đế”. Thi hài của vua Lê Hy Tông được đưa về an táng ở lăng Phú Lăng (có sách chép là lăng Phú Ninh) thuộc xã Phú Lâm, huyện Đông Sơn (nay thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Bàn về Lê Hy Tông, sử sách chép: Mặc dù làm vua trong hoàn cảnh mọi quyết sách về ngoại giao, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa đều do họ Trịnh quyết định nhưng Lê Hy Tông là vị vua duy nhất của thời Lê trung hưng để lại dấu ấn khá đậm nét trong lịch sử dân tộc. 

Ông được đánh giá là người nối giữ được nghiệp cũ, ngồi yên mà trị. Chính sự hơn trước, thưởng phạt nghiêm minh, công khanh đều xứng chức, quan lại giữ phép, nhân dân yên nghiệp, bình trị hơn cả các đời trong thời Trung hưng. Được như vậy là nhờ biết lo cho dân, bởi chính dân mới là người làm nên lịch sử. Không có quan thì làm vua với ai và không có dân thì cũng chẳng lấy ai mà làm quan. Vì thế không có dân thì cũng chẳng có vua. Tiếc rằng thời phong kiến không mấy vị vua hiểu và làm được điều này.

Chuyện tình của cha mẹ vua Lê Hy Tông

Chuyện tình của cha mẹ vua Lê Hy Tông cũng là điều thú vị được sử sách ghi chép. Cụ thể, sau sau thời gian 25 năm ở trên ngai báu, Lê Thần Tông nhường ngôi cho con cả là Lê Duy Hựu (Lê Chân Tông) để lên làm Thái thượng hoàng khi mới 37 tuổi. Nhưng chỉ 6 năm sau, ông lại lên ngôi lần thứ 2 vì Lê Chân Tông mất sớm, không có con.

Lúc này, Lê Thần Tông cho tuyển chọn nhiều mỹ nữ để mong có con nối dõi. Thậm chí nhà vua còn tổ chức các cuộc tuần du, vừa để xem xét đời sống nhân dân vừa để tìm kiếm mỹ nhân. Một hôm nọ, đoàn ngự giá dừng chân ở làng Đông Côi, dân làng bày hương án dọc đường làm lễ đón chào vua.

vua-le-hy-tong-va-chuyen-dang-co-bat-dac-di-7
Vua Lê Thần Tông

Làng Đông Côi nhỏ nhưng trù phú. Tên gọi của làng có nghĩa là viên ngọc quý ở phương Đông. Không những vậy, nơi đây còn là quê hương của nhiều cô gái xinh đẹp, chăm chỉ. Tiêu biểu là nàng Nguyễn Thị Ngọc Trúc.

Nàng Trúc nổi tiếng khắp vùng bởi đẹp người, đẹp nết. Dù mới đặt chân đến đất Đông Côi nhưng Lê Thần Tông đã thấy cảm mến cô gái này. Chức dịch trong làng biết chuyện liền nhanh chóng đưa Trúc đến trình diện vua. Lúc gặp mặt, vua Thần Tông ngay lập tức rung động.

Khi trở lại Kinh Thành, trong đoàn ngự giá của vua có thêm mỹ nhân họ Nguyễn của làng Đông Côi. Về đến hoàng cung, Lê Thần Tông chính thức sắc phong nàng trúc làm cung phi. Để tránh trùng tên với Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc nên cung phi mới phải đổi tên là Ngọc Tấn. 

Người con út có số may mắn

Vua Lê Thần Tông là vị hoàng đế có nhiều con làm vua nhất: Lê Duy Hựu (Lê Chân Tông); Lê Duy Vũ (Lê Huyền Tông); Lê Duy Cối (Lê Gia Tông) và Lê Duy Cáp (Lê Hy Tông). Nhưng lạ lùng thay, con trai của Lê Thần Tông yểu mệnh: Lê Chân Tông làm vua được 9 năm thì mất, thọ 19 tuổi; Lê Huyền Tông làm vua 9 năm thì mất, thọ 17 tuổi; Lê Gia Tông làm vua 4 năm thì qua đời ở tuổi 14, chỉ có Lê Hy Tông, người con út là may mắn sống thọ và ở ngai vàng lâu hơn cả so với các anh của ông. 

Sử sách chép rằng, vua cha ký thác việc kế vị ngôi báu cho ông từ khi chưa sinh ra. Bởi trước khi “về trời”, Lê Thần Tông gọi chúa Trịnh Tạc đến trước long sàng gửi gắm về đứa con còn chưa chào đời của mình.

Chuyện kể rằng, vào năm Nhâm Dần (1662) cung phi Ngọc Tấn mang thai trong niềm vui của nhiều người, ai cũng hi vọng Lê Thần Tông sẽ có thêm một hoàng tử nữa vì khi ấy trong cung chỉ có hai hoàng tử, một người lên 9 và một người mới tròn 2 tuổi. Không may đến tháng 11 năm đó, Lê Thần Tông ốm nặng. Biết không qua khỏi nên đã dặn chúa Tây vương Trịnh Tạc rằng: "Cung nhân của trẫm là Ngọc Tấn có thai mới được khoảng bốn tháng, chưa rõ là con trai hay con gái, sau này nó ra đời, nhờ vương trông nom giúp cho!”.

Chúa Trịnh Tạc nhớ lấy để bụng nhưng trước mắt ông cùng bá quan văn võ lập Lê Duy Vũ lên làm vua (tức Lê Huyền Tông).

vua-le-hy-tong-va-chuyen-dang-co-bat-dac-di-5
Triều đình nhà Lê

Nói về cung phi Ngọc Tấn, sử sách có ghi: Sau khi vua Lê Thần Tông qua đời, nàng liền xin được trở về quê để chịu tang vua. Tại làng Đông Côi, nàng quay lại nếp sống gần gũi với bà con chòm xóm, tuy có thiếu thốn nhưng luôn được yêu thương.

Hàng ngày tuy mang bầu nhưng Ngọc Trúc vẫn cùng người làng đi mò trai bắt ốc ở sống Cụt để đem bán lấy tiền đổi gạo. Đến ngày 15 tháng 3 năm Quý Mão (1663), nàng sinh một người con trai bụ bẫm, đặt tên là Cáp (có nghĩa là con hến). Cậu bé Cáp lớn lên và được nhận xét là thông minh, đĩnh đạc, đúng phong thái hoàng tộc. 

Năm Cáp được 13 tuổi thì biến cố xảy đến, Lê Gia Tông chỉ ở ngôi được 4 năm thì mất (thọ 14 tuổi). Lúc này triều chính xảy ra khủng hoảng, bá quan văn võ không biết đưa ai lên kế vị. Lúc này, chúa Trịnh chợt nhớ lại lời gửi gắm của Lê Thần Tông năm xưa nên lập tức sai người đến làng Đông Côi dò hỏi và hết sức mừng rỡ khi biết cung phi Ngọc Tấn sinh hoàng tử.

Chúa Trịnh cùng ba quan văn võ chọn ngày đẹp rước Cáp vào cung. Lúc này, bà Ngọc Tấn chỉ biết gạt nước mắt để con trai quay về cung cấp làm tròn bổn phận hoàng tử của mình. Bà Ngọc Tấn sống ở quê nhà cho đến 17 tháng 4 (không rõ năm) thì qua đời.

Vào ngày 12 tháng 6 năm Ất Mão (1675), Lê Duy Cáp lên ngôi hoàng đế, đổi tên Cáp thành Lê Duy Hiệp (còn gọi là Hợp). Sau khi biết tin mẹ mất, Lê Hy Tông đã sai làm lễ tang trọng thể, cho lập đền thờ tại Đông Côi và hàng năm vào ngày 17 tháng 4 tổ chức cúng giỗ để ơn nhớ về người đã sinh hạ, chăm sóc, nuôi dưỡng mình, nhất là trong những tháng ngày gian khó, khổ cực.

Xem thêm: Vua Lê Thần Tông: 2 lần lên ngôi, có 4 con làm hoàng đế, lấy vợ ngoại quốc

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận