"Vua Đen" Mai Hắc Đế: Vị hoàng đế hùng tài nhưng mang tiếng xấu từ thuở ấu thơ
Mai Hắc Đế là vị vua Việt thời Bắc thuộc, vị anh hùng dân tộc, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự chiếm đóng của nhà Đường vào đầu thế kỷ thứ 8.
Vị vua hùng tài nhưng mang tiếng xấu từ thuở ấu thơ
Mai Hắc Đế (670 – 723), tên thật là Mai Thúc Loan, sinh tại thôn Ngọc Trừng, Hoan Châu, nay là huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Theo Việt điện u linh, cha của ông là Mai Hoàn, mẹ là Mai An Hòa nguyên gốc Lộc Hà, Hà Tĩnh. Sau lưu lạc sang vùng Nam Đàn, Nghệ An sinh sống.
Cũng có một số tư liệu cho rằng, Mai Hắc Đế không có cha, nhà rất nghèo. Mẹ ông phải đi làm thuê làm mướn cho nhà giàu và kiếm củi nuôi con.
Cậu bé Mai Thúc Loan phải chịu tiếng con không cha, bị người đời chê vì nước da đen sạm xấu xí. Thế nhưng từ nhỏ lại bộc lộc sự thông minh, sáng dạ và sức khỏe tuyệt vời.
Lớn lên, Mai Thúc Loan làm lụng, lo toan giúp mẹ đủ việc. Cậu bé hết đi làm mướn cho bọn hào phú lại theo mẹ lên rừng kiếm củi.
Thế nhưng có một tai nạn khủng khiếp xảy ra vào giữa buổi hai mẹ con đi kiếm củi trong rừng sâu. Khi nghe tiếng kêu thét của mẹ, Mai Thúc Loan vừa chạy đến thì mẹ đã chết gục bên vũng máu cạnh một con hổ lớn đang gầm gừ, quần đảo cắn xé man rợ.
Căm hận ngút trời, Mai Thúc Loan xông vào đánh mãnh thú, buộc con vật đang say máu hung tợn phải bỏ chạy. Từ đó, Mai Thúc Loan sống đời mồ côi, cày thuê cuốc mướn cho các hộ trong làng để có cái ăn.
Nhà nghèo, Mai Thúc Loan không được học hành mà chỉ học lỏm để biết chữ, hiểu nghĩa sách. Lớn lên, Mai Thúc Loan trở thành 1 chàng trai phi thường. Cậu là đô vật lừng danh, từng ăn giải cạn ở nhiều nơi.
Có thời gian, Mai Thúc Loan theo phường săn học nghề rồi trở thành thợ săn. Nhiều lần Mai Thúc Loan giết được chúa sơn lâm khiến dân làng rất khâm phục. Vậy nên họ suy tôn Mai Thúc Loan làm chức "Đầu phu", thủ lĩnh quân sự địa phương của làng.
Khởi nghĩa Mai Thúc Loan và danh xưng "Vua Đen"
Ngày ấy, Châu Hoan bị giặc Chà Và (Gia-va), Côn Lôn (Mã Lai) cướp phá, nhất là ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường, làm cho nhân dân vô cùng cực khổ. Mai Thúc Loan chí lớn đã tập hợp thanh niên và nhân dân trong vùng khởi nghĩa nhằm đánh đổi chính quyền đô hộ nhà Đường, giành lại độc lập.
Vị thủ lĩnh trẻ được tôn thành anh hùng, hiệu triệu trăm họ hưởng ứng nghĩa lớn. Đồng thời chọn Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn làm căn cứ.
Vào tháng 4 năm Quý Sửu (713), Mai Thúc Loan quyết định ra quân đánh trước, đánh thẳng vào Châu Trị mở rộng địa bàn Hoan Châu cho cuộc khởi nghĩa. Mai Thúc Loan cũng phát hịch kể tội giặc Đường, kêu gọi người Việt đứng lên giữ gìn non sông. Từ cứ Hùng Sơn, Mia Thúc Loan mở rộng địa bàn, xây dựng thành Vạn An quy mô của một kinh thành.
Từ đây, Mai Thúc Loan tìm cách liên kết với các thủ lĩnh, nhân dân các châu miền núi, với Champa để có thêm lực lượng chống quân Đường. Trước khi tiến đánh thủ phủ đô hộ ngoài Giao Châu, Mai Thúc Loan được quân dân tôn phong lên ngôi Hoàng đế lấy vương hiệu là Mai Hắc Đế (Vua Đen họ Mai).
Chỉ trong một trận ác chiến, Mai Thúc Loan đã chiếm được phủ thành Tống Bình (Hà Nội), đánh đuổi trùm đô hộ Quang Sở Khánh về nước, lấy lại giang sơn. Đất nước được giải phóng, nhân dân khắp nơi nô nức theo Mai Hắc Đế, lực lượng nghĩa quân lên tới hàng chục vạn người.
Tuy nhiên thời kỳ đó nhà Đường còn mạnh nên vẫn nhăm nhe phục thù, chiếm lại nước Việt. Vào mùa thu năm 722, vua Đường huy động 10 vạn quân ồ ạt theo đường hiểm đánh ập vào thành Vạn An.
Không đương nổi đội quân hung hãn, Mai Hắc Đế phải rút vào rừng, sau bị ốm rồi mất. Nghĩa quân cũng vì thế tan vỡ. Nhân dân nhớ ơn Mai Hắc Đế, lập đền thờ, đề thơ ca tụng người anh hùng.
Vương triều của Mai Hắc Đế tồn tại bao nhiêu năm?
Chính sử và hết các tài liệu của nước ta từ bộ chính sử đầu tiên là Đại Việt sử ký toàn thư đến bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của nhà Nguyễn đều dựa theo thư tịch Trung Quốc, chủ yếu là Đường thư mà viết rằng cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan nổ ra vào năm Khai Nguyên thứ 10 (tức năm 722) và sau đó không lâu nhà Đường cho quân sang đàn áp, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thất bại.
Tuy nhiên, thực chất cuộc khởi nghĩa do Mai Thúc Loan nổ ra sớm hơn và tồn tại trong một thời gian dài. Theo sách An Nam chí lược do Lê Tắc biên soạn vào đời Trần trong thời gian sống lưu vong tại Trung Quốc, ở phần nói về viên tướng đã đàn áp cuộc khởi nghĩa chống Đường là Quang (Nguyên) Sở Khách thì năm Mai Thúc Loan nổi dậy là năm đầu niên hiệu Khai Nguyên, mà theo lịch thì đó là năm Qúy Sửu (713), đoạn viết đó như sau: “Nguyên Sở Khách, người Giang Lăng, năm đầu niên hiệu Khai Nguyên đổi làm An Nam đô hộ, cùng Dương Tư Húc dẹp yên cuộc nổi loạn của người Man là Mai Thúc Loan”.
Trong cuốn Tân đính hiệu bình Việt điện u linh cũng chép rõ ràng về thời điểm Mai Thúc Loan khởi nghĩa, chiếm châu huyện và xưng đế là vào “năm Quý Sửu mùa hạ, tháng tư, vào thời Đường Huyền Tông, niên hiệu Khai Nguyên thứ nhất”.
Sau thắng lợi, Mai Thúc Loan xưng đế, xây dựng kinh đô tại vùng Sa Nam (nay thuộc Nam Đàn, Nghệ An) thuộc trị sở của châu Hoan và đặt tên kinh đô là Vạn An như một cách đối chọi lại với kinh đô Trường An của nhà Đường. Ngoài ra xung quanh kinh đô là hệ thống các đồn lũy, căn cứ hỗ trợ, bảo vệ là Vệ Sơn, Hùng Sơn, Liên Sơn...
Các địa danh ở vùng Sa Nam như Cồn Trận, Đồng Bắn, đồi Guông Cung, Cồn Ngự, truông Cắm Cờ… phản ánh phần nào quy mô cũng như sự bố trí lực lượng của Mai Thúc Loan. Để quản lý điều hành, ông còn thiết lập bộ máy quan lại gồm hai ban văn thần, võ tướng.
Chính quyền của Mai Thúc Loan tồn tại đến năm Qúy Hợi (723), sau khi nhà Đường cho một lực lượng lớn kéo sang đàn áp, kinh đô Vạn An thất thủ, các vua triều Mai lần lượt tử trận trong năm này. Riêng về Mai Thúc Loan, sách Tân đính hiệu bình Việt điện u linh viết: “Nhà vua dấy binh năm Qúy Sửu, mất năm Nhâm Dần, ở ngôi báu mười năm rồi chết”.
Xem thêm: Những sự thật và đồn thổi sai lệch về khởi nghĩa Hai Bà Trưng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận