Vì sao Gia Long lập con dâu của Quang Trung làm phi?

“Số đâu có số lạ lùng/ Con vua lại lấy hai chồng làm vua” - đó là câu ca dân gian truyền lại nhắc về số phận kỳ lạ của nàng Lê Ngọc Bình. Bà là công chúa nhà Lê sau trở thành phi của nhà Tây Sơn và tiếp đó là phi tần của nhà Nguyễn.

Đỗ Thu Nga
08:00 09/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mối thù không đội trời chung của Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ

Sử chép, năm 1775, Nguyễn Nhạc lúc ấy là chúa Tây Sơn đã cử Nguyễn Huệ (khi ấy mới 23 tuổi) làm chủ tướng mang quân vào Nam đánh chúa Nguyễn. Trong thời gian ngắn, Nguyễn Huệ đã liên tục thắng trận, chiếm được Phú Xuân. Đến cuối năm, Nguyễn Nhạc lại điều Nguyễn Huệ từ Phú Yên ra đánh tan quân Nguyễn lấy Quảng Nam. Trong thời gian đó, Nguyễn Huệ đánh đâu thắng đó. 

Nhà Nguyễn khi đó không chỉ bị áp lực bởi nhà Tây Sơn mà còn bị quân nhà Trịnh ở Đàng Ngoài đánh vào. Bên cạnh đó, nội bộ lục đục nên chúa Nguyễn Phúc Thuần không giữ được binh quyền, quân đội rơi vào tay Lý Tài và Đỗ Thành Nhân mà Nhân và Tài lại bất hoà với nhau.

Cuối 1776, viên kiêu tướng Lý Tài ép Nguyễn Phúc Thuần phải nhường ngôi cho Đông cung là người cháu Nguyễn Phúc Dương. Đông cung vì nỗi sự thế đương ngặt nghèo, bất đắc dĩ phải vâng mệnh, xưng là Tân Chính vương (chúa thứ 10 nhà Nguyễn), tôn Định vương Nguyễn Phúc Thuần làm Thái thượng vương.

Đến tháng 3/1777, Nguyễn Nhạc lại cử Nguyễn Huệ làm tướng mang thủy quân đánh vào Gia Định. Lý Thái thua trận bỏ chạy khỏi thành và đưa 2 chúa Nguyễn về Hóc Môn. Sau đó, Lý Tài rút khỏi Hóc Môn về Ba Giồng bị Đỗ Thanh Nhân nhân cơ hội đón đường giết chết trả tư thù.

Vi-sao-Gia-Long-lap-con-dau-cua-Quang-Trung-lam-phi-8
Nguyễn Ánh coi Quang Trung là kẻ thù không đội trời chung

Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần theo Đỗ Thanh Nhân giữ Tranh Giang, chúa Nguyễn Phúc Dương liền theo tướng Trương Phúc Thận giữ Tài Phụ. Nguyễn Huệ chia đường đánh bại cả hai cánh quân Nguyễn. Nguyễn Phúc Thuần và Đỗ Thanh Nhân phải bỏ chạy về Cần Thơ cầu viện Tổng binh Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ, còn Nguyễn Phúc Dương bỏ chạy về Ba Việt (Bến Tre).

Vào tháng 8/1777, Nguyễn Huệ mang quân bao vây tấn công Ba Việt, bắt sống chúa Nguyễn Phúc Dương và toàn bộ quân tướng. Chúa Nguyễn thứ 10 (Phúc Dương) và 18 tướng tùy tùng bị đưa về Gia Định xử tử vào tháng 9/17777. Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần bại trận bỏ Cần Thơ sang Long Xuyên nhưng bị quân Tây Sơn đuổi đến, bắt mang về Gia Định xử tử vào tháng 10/1777. 

Nguyễn Anh, Đỗ Thanh Nhân và Mạc Thiên Tứ trốn thoát mỗi người một nơi. Nguyễn Ánh thời gian này đi cùng Nguyễn Phúc Dương cũng xém bị bắt giết, may một đứa trẻ con nhà kép hát đã che giấu nên trốn thoát được. 

Chỉ trong vòng ít tháng, Nguyễn Huệ đánh thắng như chẻ tre và bắt sống xử tử cả hai chúa Nguyễn là Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương. Riêng Nguyễn Ánh, cháu gọi Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần bằng chú, đã thoát được.

Sau cái chết của 2 chúa, năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Ánh khi này mới 17 tuổi được các tướng tôn làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính lãnh đạo quân đội còn sót lại của nhà Nguyễn bước vào cuộc chiến gần 1/4 thế kỷ với quân Tây Sơn. Nhiều lần Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đưa quân vào đánh quân Nguyễn Ánh nhưng chỉ chiếm ưu thế chứ không tiêu diệt được tận gốc.

Giai thoại Gia Long lập con dâu Quang Trung làm phi

Năm 1786, sau khi đánh thắng nhà Nguyễn ở Đàng Trong, Nguyễn Huệ (lúc ấy còn có tên là Nguyễn Quang Bình) kéo quân ra Bắc với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Mặc dù khi ấy đã có chính thất Phạm Thị Liên ở đất miền Nam song Nguyễn Huệ vẫn nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh mai mối để lấy công chúa Ngọc Hân.

Chuyện tình này cũng được tiểu thuyết thêm thắt một số giai thoại. Hoàng lê nhất thống chí kể: Khi quyết định lấy Ngọc Hân, Nguyễn Huệ đã nói câu nói để đời: “Vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về; bọn trẻ nó cười cho thì sao. Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không”.

Kết hôn được mấy ngày, nhân lần đi cáo yết Thái miếu nhà Lê, Nguyễn Huệ cùng công chúa gióng kiệu đi cùng, Nguyễn Huệ đã tự hào hỏi Ngọc Hân: “Con trai con gái nhà vua, đã có mấy người được vẻ vang như nàng chăng?”. Nàng công chúa “cành vàng lá ngọc” đã trả lời đức phu quân: “…thiếp có duyên, lấy được lệnh công, ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời, được sa vào chốn lâu đài như thế này, là sự may mắn của thiếp mà thôi”. Đó là công chúa lấy ý từ câu ca cổ: “Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các, hạt ra cánh đồng”. Hoàng Lê Nhất thống chí cho biết Nguyễn Huệ nghe Ngọc Hân trả lời như vậy thì thích thú lắm.

Đến năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi và phong Ngọc Hân là Hữu cung Hoàng hậu. Lại có giai thoại, năm 1789, khi dẫn đại quân vào Thăng Long, tương truyền, Nguyễn Huệ đã vào làng hoa Ngọc Hồi chọn 1 cành đào đẹp nhất cho phi ngựa mang về Phú Xuân báo tiệp để Ngọc Hân biết.

Vi-sao-Gia-Long-lap-con-dau-cua-Quang-Trung-lam-phi-0
Tranh minh họa công chúa Ngọc Bình

Năm 1792, niên hiệu Quang Trung thứ 5, vua băng hà ở tuổi 39. Tương truyền, Ngọc Hân chính là tác giả bài Tế vua Quang Trung và AI Tư Vãn. Bà đã viết những lời da diết này để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực cũng như nỗi tiếc thương vô hạn với người chồng vắn số.

Sau khi vua Quang Trung qua đời, Thái tử Quang Toản 10 tuổi lên ngôi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Năm 1795, Lê Ngọc Hân đã làm mai để công chúa Ngọc Bình, em cùng cha khác mẹ với Ngọc Hân lấy Cảnh Thịnh. 

Năm đó, Cảnh Thịnh 13 tuổi, còn công chúa Ngọc Bình 11 tuổi (bà sinh năm 1895). Cuộc hôn nhân chính trị của hai người đã tạo ra mối quan hệ phức tạp. Ngọc Hân là vợ Quang Trung, Ngọc Bình em ruột của bà lại lấy con trai Quang Trung. Vậy là hai chị em ruột lại lấy hai cha con Quang Trung.

Song câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Vào năm 1801, Nguyễn Ánh kéo quân ra Bắc, cả triều đình Tây Sơn bỏ chạy khỏi kinh thành Phú Xuân. Ngọc Bình chạy theo không kịp và ở lại Phú Xuân. Mặc cho triều thần can ngăn đó là "vợ giặc ngụy", vua Nguyễn Ánh vẫn bỏ ngoài tai tất cả khi trả lời bề tôi cả nước có cái gì không phải của nhà Tây Sơn, sá chi một người đàn bà.

Công chúa nhà Lê, Hoàng hậu nhà Tây Sơn đã trở thành phi tần của vua Gia Long nhà Nguyễn - triều đại đối nghịch và nợ máu với nhà Tây Sơn.

Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc xuất bản (Nxb Thuận Hóa - Huế, 1995) cho biết: Năm Nhâm Tuất (1802) bà vào hầu Thế Tổ (tức Gia Long) và được phong là Tả Cung tần. Bà sinh với vua Gia Long hai hoàng tử là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân, Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự; 2 công chúa là Nguyễn Phúc Ngọc Khuê và Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn. Bà mất năm Canh Ngọ (1810), hưởng dương 26.

Sau khi qua đời, bà được tôn làm Đức Phi, chỉ dưới Thừa Thiên cao Hoàng hậu (Tống Thị Lan, người sinh Hoàng tử Cảnh) và Thuận Thiên cao Hoàng hậu (Trần Thị Đang, người sinh Minh Mạng). 

Xem thêm: Trước khi lâm chung, vua Quang Trung đã có dự cảm nhà Nguyễn sẽ báo thù?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận