Can cớ gì mà các vua thời phong kiến không cho binh lính đi thi?

Thời xưa, thi cử là con đường tiến thân duy nhất của tầng lớp sĩ nhân. Thế nhưng từ thời Trần, triều đình quy định binh lính không được đi thi, tại sao vậy?

Đỗ Thu Nga
10:00 26/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong lịch sử phong kiến VIệt Nam, từ thời nhà Lý khai khoa cho đến nhà Nguyễn bãi Khoa cử (1919), nước ta đã tổ chức 185 lần thi, chọn ra được 188 vị Đại khoa và 2.990 vị Tiến sĩ.

Thế nhưng trong chuyện thi cử tiến thân vào chốn quan trường, từ thời Trần, triều đình phong kiến đưa ra quy định, binh lính không được đi thi vì "sợ khí lực kém". Tuy nhiên, vẫn có những người lính quyết tâm vượt qua rào cản này.

Cấm binh lính vì "sợ khí lực kém"

Quy định cụ thể được chính sử ghi là thời Trần Nhân Tông, năm Tân Tị, niên hiệu Thiếu Bảo thứ 3 (1281). Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Tháng Giêng, mùa xuân, lập nhà học ở phủ Thiên Trường. Cấm người hương Thiên Thuộc không được vào học”.

Quyển sử này cũng giải thích, trai tráng hương Thiên Thuộc, đất căn bản của nhà Trần, luôn được tuyển vào làm lính Thiên Thuộc luôn túc trực bảo vệ sát bên nhà vua, chú trọng vào sức khỏe, do đó triều đình cấm quân sĩ Thiên Thuộc không được học tập văn chương nghệ thuật vì “sợ khí lực kém đi”.

Song không vì lệnh cấm này mà những người lính Thiên Thuộc bỏ đi niềm đam mê với sách vở. Vì đến đời vua Trần Anh Tông, vào năm Quý Hợi, niên hiệu Đại Khánh năm thứ 10 (1321), "Toàn thư" đã chép một sự kiện đặc biệt: "Mùa xuân, tháng 8, ngày 22, vua ngự đến nhà Thái học. Có tên Mặc trong quân Thiên Thuộc ở Hoàng Giang đỗ khoa thi Thái học sinh (tức là đã đỗ kỳ thi Hội, tương đương với học vị tiến sĩ ở các triều đại Lê, Nguyễn).

Vi-sao-binh-linh-thoi-phong-kien-Viet-Nam-khong-duoc-di-thi-7
Binh lính thời phong kiến không được đi thi

Xem xét trường hợp này, vua Trần Anh Tông xuống chiếu bắt Mặc trở lại quân ngũ, làm lại điển (giúp chỉ huy việc sổ sách, giấy tờ) trong quân Thiên Đinh. Tuy nhiên, nhân vật tên Mạc này (sử cũ không chép rõ họ) lại là người văn võ toàn tài.

Sau đó có kỳ thi võ, Mạc thi đánh gậy, lại đỗ cao. Và do sự kiện này được chép trong quốc sử nên chắc chắn ông lại được trọng dụng trong con đường quân ngũ. Chủ tiếc rằng, tài văn của ông không có cơ hội để phát huy mà thôi.

Khi đọc sử do các sử quan nhà Nguyễn soạn, là bộ "Khâm định Việt sử thông giám cương mục", đến đoạn này, vua Tự Đức đã hạ bút son phê hai chữ "Thiên lệch!", tỏ ý chê bai các vua nhà Trần không biết phát huy tài năng văn học của người trong quân ngũ.

Sự thật lịch sử cho thấy, dù không được đi thi thì binh lính thời Trần cũng không thiếu người biết chữ, có thể đọc được tích, truyện xưa. Nên khi soạn bài thơ "Dự chư tì tướng hịch văn" nổi tiếng để động viên tinh thần quân sĩ dưới trướng trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Trần Hưng Đạo đã nêu một loạt tích, truyện nổi tiếng: 

"Thôi việc đời trước, hãy tạm không bàn. Nay ta lấy chuyện Tống, Thát mà nói: Vương Công Kiên là người thế nào; tỳ tướng của ông là Nguyễn Văn Lập lại là người thế nào, mà lấy thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu chống lại quân Mông Kha đông hàng trăm vạn; khiến cho sinh linh bên Tống đến nay còn đội ơn sâu. Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào, tỳ tướng của ông là Cân Ty Tư lại là người thế nào, mà xông pha lam chướng trên đường muôn dặm, phá quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay vẫn còn lưu tiếng tốt…”.

Vua Lê khuyến khích binh lính đọc sách nhưng không cho thi

Sang đến thời nhà Lê, vị vua sáng lập nổi tiếng là tài trí, giỏi văn, giỏi võ - Lê Thánh Tông đã khuyến khích quan sĩ đọc sách. Nhưng vẫn không cho thi cử.

Sử chép rằng: "Đinh Hợi, năm Quang Thuận thứ 8 (1467), vua hạ lệnh cho Dương Hải, quyền Thượng bảo tự khanh và Khiên Nhân Thọ, Thông chính tả thừa, dạy bảo luyện tập về việc đọc sách cho các hàng quân bộ binh, kỵ binh có tiếng mạnh khoẻ dũng cảm”.

Vua khuyến khích binh lính đọc sách nên trong quân đội, người có học thức cũng được dịp bày tỏ ý kiến lên nhà vua. Đó là sự kiện vua Lê Thánh Tông hạ lệnh cho quân ở năm phủ chế tạo binh khí theo dạng mới, được ít lâu lại đổi theo hình dạng khác, trong bọn quân nhân có người phàn nàn, than thở.

Văn Lư - một quân nhân trong vệ Oai Lôi dâng thư nói: "Tháng Giêng năm nay, bệ hạ đã ban ra hình dạng mới về binh khí, bắt quân chế tạo, nay lại thay đổi hình dạng khác, như thế là chính lệnh bất thường”. Nhận được thư này, nhà vua sai bộ Lại dụ bảo Văn Lư rằng: “Binh khí cùng một hình dạng ấy cả, lời nhà ngươi nói chỉ là nói càn mà thôi”. ViênThị lang Lương Như Hộc còn nói riêng với Văn Lư rằng: “Nhà ngươi không phải là người giữ chức ngôn luận, sao lại dám nói càn đến việc nước?”.

Vi-sao-binh-linh-thoi-phong-kien-Viet-Nam-khong-duoc-di-thi
Quyền thi Hội thời xưa

Tuy chỉ là một quân nhân nhưng Văn Lưa đã trả lời viên Thị lang rất khảng khái: "Nước lấy dân làm gốc rễ, mà lính là để bảo vệ dân; nay hiệu lệnh trước sau bất nhất, quân và dân đều sầu oán, thế mà ông là người bầy tôi thân cận của nhà vua, lại ngậm miệng, không nói gì, nay Lư này nói ra là yêu vua đấy”. Bọn Như Hộc nghe lời của Văn Lư, yên lặng không nói gì cả.

Đời vua Lê Uy Mục, khi lực lượng lại dịch ở các nha môn trong kinh và các địa phương thiêu shutj, triều đình đã cho quân và dân cùng dự thi.

Trong Toàn thư có chép: Uy Mục đế năm Đoan Khánh thứ 2 (1506), tháng 12, thi khảo quân và dân về môn viết chữ và tính toán ở sân điện Giảng Võ. Người ứng thi hơn ba vạn, lấy bọn Nguyễn Tử Kỳ 1.519 người trúng tuyển; trong số này trích lấy những người trội hơn được 144 người, thi khảo lại một lần nữa, lấy 25 người trúng tuyển cho sung vào Hoa Văn học sinh, ngoài ra đều cho sung làm lại dịch các nha môn trong kinh và ngoài các đạo”.

Tuy nhiên, sử sách không chép rõ về việc, trong số này có bao nhiêu người xuất thân từ quân ngũ.

Sang đến đời vua Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 3 (1722), triều đình đã đổi mới bằng lệnh rằng: Các hạng binh lính, người nào có học thức, khi gặp khoa thi hương được nộp đơn xin thi đợi xét, nếu xét quả là người thông hiểu nghĩa lý văn chương, sẽ được phép cùng với học trò ứng thí, nếu gặp khoa thi võ và kỳ thi viết chữ, tính toán, cũng được phép thi khảo ở ngay kinh đô.

Vào thời nhà Nguyễn, tuy binh lính không được phép dự thi Hương, nhưng được tham gia các kỳ thi võ cử như cuối thời Lê trung hưng để có thể giành các học vị võ tú tài, võ cử nhân, thậm chí võ tiến sĩ, như ở bên văn.

Xem thêm: Vì sao sử gia phong kiến không tiếc lời chê trách vua Trần thất tín?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận