Có 1 vị nhân tài cùng thời với Mạc Đĩnh Chi khiến sứ nhà Nguyên hống hách trở nên ôn hòa, lịch sự

Nguyễn Trung Ngạn chính là vị nhân tài đất Việt mà Sống Đẹp muốn nhắc đến. Ông đã vận dụng tài trí của mình để giữ uy danh cho Đại Việt và khiến sử giả nhà Nguyên từ hống hách chuyển sáng ôn hòa, lịch sự.

Đỗ Thu Nga
09:00 12/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Trung Ngạn là ai?

Nguyễn Trung Ngạn (1289–1370), tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. Ông là một nhà chính trị, một đại thần có tài, được xếp vào hàng "Người phò tá có công lao tài đức đời Trần". Cùng với Nguyễn Trung Ngạn là Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyên Đán. 

Theo Dân Việt, Nguyễn Trung Ngạn dự thi cùng năm với trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Mặc dù chỉ đỗ hoàng giáo nhưng bấy giờ ông mới 16 tuổi nên được xưng tụng là thần đồng. Đại Việt sử ký toàn thư chép về ông như sau: "Quý Mão, [Hưng Long] năm thứ 1 [1303], (Nguyên Đại Đức năm thứ 7) […] Tháng 3, thi kẻ sĩ trong nước. Ban cho trạng nguyên. Mạc Đĩnh Chi chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia; bảng nhãn Bùi Mộ chức chi hậu bạ thư mạo sam, sung làm nội lệnh thư gia; thám hoa lang Trương Phóng chức Hiệu thư quyền miện, sung làm nhị tư; Nguyễn Trung Ngạn đỗ hoàng giáp; tất cả 44 người đỗ thái học sinh. Dẫn 3 người đỗ đầu ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố 3 ngày. Số khác thì ở lại học tập. Trung Ngạn mới 16 tuổi, đương thời gọi là thần đồng".

Năm 1312, Nguyễn Trung Ngạn giữ chức gián quan (một chức quan trong Ngự sử đài). Năm 1314, khi vua Trần Minh Tông lên nối ngôi, ông cùng Phạm Ngộ sang nhà Nguyên báo tin và dâng cống. 

Năm Tân Dậu, Đại Khánh thứ 8 (1321), Nguyễn Trung Ngạn là Ngự sử đài Thị ngự sử. Sau do bàn bạc không hợp ý vua, ông bị giáng xuống làm Thông phán châu Anh Lãng rồi lại nhờ có tài trong việc cai quản ở nơi trị nhậm mà được điều về kinh giữ chức Thiêm tri Thánh Từ cung sự quản lý mọi việc ở cung Thánh Từ, tức cung của Thái thượng hoàng. 

Năm 1326, do sai sót trong việc ghi chép quan phục của quan lại, Nguyễn Trung Ngạn lại bị điều ra làm An phủ sứ Thanh Hoá. Năm 1329, Nguyễn Trung Ngạn theo Thượng hoàng Minh Tông đi đánh dẹp ở Đà Giang và phụng mệnh soạn sách Thực lục. Năm Nhâm Thân (1332), Nguyễn Trung Ngạn được thăng Nội mật viện phó sứ, giữ sổ sách ở nội sảnh cung Quan Triều (cung của vua Trần), nhưng vẫn kiêm An phủ sứ Thanh Hoá.

vi-quan-thoi-tran-nao-khien-su-nha-nguyen-hong-hach-tro-nen-on-hoa-0
Tranh vẽ công thần Nguyễn Trung Ngạn

Năm Giáp Tuất (1334), ông theo Thượng hoàng đi đánh giặc Ai Lao. Ai Lao trốn chạy, ông vâng mệnh ghi công ở bia Ma Nhai rồi về. Năm Đinh Sửu (1337), làm An phủ sứ Nghệ An rồi Giám tu Quốc sử viện. Ông cùng Trương Hán Siêu soạn sách Hoàng triều đại điển và bộ luật Hình thư. Năm Tân Tỵ (1341), Nguyễn Trung Ngạn được giao giữ chức Kinh sư Đại doãn trông coi mọi việc ở kinh thành Thăng Long và trở thành vị Đại doãn kinh sư nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử thành Thăng Long.

Ở Hà Nội ngày nay còn 7 ngôi đình đền thờ Nguyễn Trung Ngạn. Các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử ngày nay cũng cho rằng ông là vị quan có nhiều công trình tưởng niệm nhất ở Hà Nội.

Nguyễn Trung Ngạn được người dân tưởng nhớ không chỉ bởi ông là vị quan đứng đầu kinh thành mà còn là người liêm khiết, thương dân như con, luôn có gắng làm điều tốt cho dân. Vậy nên, tiếng thơm của ông nức tiếng gần xa. Ông xét xử các vụ việc cũng như đưa ra các hình phạt rất công tâm khiến không ai bị oan ức hay bị xử phạt quá đáng. Nhân dân ví ông là "Bao Công nước Việt".

Nguyễn Trung Ngạn là người có công soạn Thực lục, ghi chép lại sử nhà Trần, cùng Trương Hán Siêu soạn sách Hoàng triều đại điển và bộ luật Hình thư. Ngoài ra, ông còn có tài làm thơ, được nhiều người đánh giá rất cao, Phan Huy Chú ca ngợi: “Lời thơ hùng hồn mạnh mẽ, sở đắc nhiều phong cách thơ của Đỗ Thiếu Lăng – tức Đỗ Phủ đời Đường”. Cố giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có lời nhận xét: “Nguyễn Trung Ngạn cũng là người đầu tiên sáng tạo ra lối lục ngôn thể, mở đường cho thơ lục ngôn thể của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đời sau…”.

Sử sách có ghi rằng, mặc dù là người tài đức nhưng Nguyễn Trung Ngạn cũng có nhiều tật. Đầu tiên là tính sơ suất làm ông ghi sai tước vị hầu của Bảo Vũ Vương năm 1326, khiến ông bị đuổi ra làm quan ngoài triều. Sau đó là tính kiêu ngạo, vì bị đuổi như vậy mà ông vẫn tự phụ làm bài thơ:

Giới Hiên tiên sinh lang miếu khí,

Diệu kinh dĩ hữu thốn ngưu chí.

Niên phương thập nhị thái học sinh,

Tài đăng thập lục sung đình thí.

Nhị thập hựu tứ nhập gián quan,

Nhị thập hựu lục Yên kinh sứ.

Dịch là:

Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu(*),

Có chí nuốt trâu từ niên thiếu.

Tuổi mới mười hai thái học sinh,

Vừa đến mười sáu dự thi đình.

Hai mươi bốn tuổi làm quan gián,

Hai mươi sáu tuổi sứ Yên Kinh(**).

(*) Lang miếu ở đây có nghĩa là triều đình.

(**) Năm 26 tuổi, ông được lệnh đi sứ sang kinh đô nhà Nguyên.

Sau này, trải qua nhiều thăng trầm thì tính tình ông mới có chuyển biến. Và từ sau đó, ông lập được nhiều công trạng cho nhất nước. Trong đó, tài năng nhất chính là khả năng ngoại giao.

Vị công thần khiến sứ nhà Nguyên hết hống hách

Nói về chuyện bang giao thời nhà Trần, Đại Việt sử ký toàn thư có chép như sau: "Mùa hạ, người Nguyên tranh chấp biên giới. Sai Hình bộ thượng thư, ty Hành khiển là Doãn Bang Hiến sang Nguyên tranh biện. Hiến mất trên đường đi, vua rất thương tiếc”. 

Trong khi sự việc tranh chấp biên giới chưa được giải quyết thì vào năm 1323, hoàng đế nhà Nguyên mất, Dã Tôn Thiết Mộc Nhi nối ngôi, ban chiếu đến Đại Việt báo tin vui nhưng vẫn kèm theo lời nhắc nhở như muốn răn đe: "Mới đây kẻ thú thần ở Chiêm Thành có dâng biểu rằng bọn biên lại của khanh phát binh xâm lấn Chiêm Thành, ta lấy làm sốt ruột, không hiểu khanh vì cớ gì mà làm như vậy, khiến ta khó mà tin được. Ta làm vua cả thiên hạ, coi chỗ xa cũng như chỗ gần, miễn làm thế nào cho dân yên ổn, có chỗ làm ăn. Nhà ngươi phải thể theo ý ấy mà cấm ngăn chúng nó đừng làm loạn và lo giữ gìn dân sự trong nước, chớ quên lòng trung thuận đã có nhiều đời đối với nước ta. Vậy nay tỏ lời chiếu, phải nên tuân theo”.

vi-quan-thoi-tran-nao-khien-su-nha-nguyen-hong-hach-tro-nen-on-hoa-8
Hậu duệ đời thứ 21, 22 bên nhà bia trong Lăng mộ Nguyễn Trung Ngạn ở làng Thổ Hoàng (Ân Thi)

Để "lấy le" mình là nước lớn, vua Nguyên sai Lại bộ Thượng thư Mã Hợp Mưu và Lễ bộ Lang trung Dương Tông Thụy đi sứ sang Đại Việt. Sứ nhà Nguyên cạy mình nước lớn vô cùng nghênh ngang, cưỡi ngựa đến tận cầu Tây Thấu Trì, trong khi đó theo quy định thì ai cũng chỉ được phép đi bộ vào. Các quan được lệnh tiếp sứ dù đã cố thuyết phục suốt từ giờ Thìn đến giờ Ngọ (khoảng từ 8 giờ đến 12 giờ) nhưng không có kết quả, sứ nhà Nguyên muốn cưỡi ngựa đi thẳng tận vào trong.

Lúc này, vua phải sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn đến đón. Đại Việt sử ký toàn thư có chép chuyện này như sau: “Trung Ngạn lấy lẽ bẻ lại, Hợp Mưu đuối lý, phải xuống ngựa bưng chiếu đi bộ. Vua rất hài lòng”.

Sau đó, sứ nhà Nguyên không còn nghênh ngang nữa, các cuộc hội kiến suôn sẻ. Vua Trần Minh Tông tặng mỗi sứ thần nhà Nguyên một bài thơ, khen hai hai ông có lòng thành. Sau đó sứ nhà Nguyên là Lễ bộ Lang trung Dương Tông Thụy cũng có bài thơ đáp lại với lời lẽ ôn hòa lịch sự.

Với tài trí của mình, Nguyễn Trung Ngạn không chỉ giữ được uy cho Đại Việt mà còn khiến sứ giả phải nể trọng, giúp cho việc bang giao giữ hai nước tốt đẹp.

Liêm khiết, yêu dân như con

Nguyễn Trung Ngạn không chỉ giỏi việc bang giao mà còn nức tiếng là vị quan thanh liêm, hết lòng vì dân. Có chuyện ông xét xử được lưu trong sách sử như sau: 

Khi làm việc ở Thẩm hình viện, ông lập Bình doãn đường để xét xử ngục tụng, có lần ở huyện giải lên một người tên Đỗ Sinh, nghi phạm giết người cướp 10 lượng vàng. Nhưng thấy nghi phạm là người thật thà, ông nghi người này bị oan. Thế nhưng chứng cứ đều đổ dồn sự hoài nghi lên Đỗ Sinh.

Không muốn con dân của mình bị oan nên ông cất công giả làm lái buôn đến các nơi điều tra nhưng không có kết quả. Ông tiếp tục điều tra để tìm hung thủ và cuối cùng phát hiện ra sự thật, Đỗ Sinh không phải thủ phạm. Đỗ Sinh được ông thưởng 1 lượng vàng để ăn học.

vi-quan-thoi-tran-nao-khien-su-nha-nguyen-hong-hach-tro-nen-on-hoa-4
Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn ở Sài Gòn (Ảnh từ wikimapia.org)

Chuyện khác kể rằng, khi làm Tào vận sứ lộ Khoái Châu, ông có sáng kiến lập các kho Tào thương để chứa thóc tô kịp thời cấp cho dân lúc đói kém. Sáng kiến này được nhà Vua đánh giá cao và xuống chiếu cho các lộ áp dụng.

Sau này, Nguyễn Trung Ngạn còn tiếp tục được thăng làm Hành khiển coi việc ở viện Khu mật, rồi Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Đại hành khiển, Thượng thư Hữu bật, Đại học sĩ, hầu ở toà Kinh Duyên, Trụ Quốc, Khai huyện bá rồi Thân Quốc công. Ông mất năm 1370, thọ hơn 80 tuổi.

Đánh giá về Nguyễn Trung Ngạn, công thần Trần Nguyên Đán, ông ngoại đại thi hào Nguyễn Trãi, có bài thơ như sau:

Cơ Hành bính bính Đại thôi ngôi,

Cảnh ngưỡng dân quy Hữu nhị đài.

Thành vật công thâm phù thái vận,

Kình thiên lực đại đĩnh lương tài.

Tùng quan nại tuyết thương nhan cựu,

Mai phán trùng xuân lão bút khai.

Lịch sự ngũ triều thiên tử thánh,

Tiệm nhiên trâm hốt diện công hoài (hoè).

Dịch nghĩa:

Sáng rực như sao Bắc Đẩu, cao vòi vọi, như núi Thái sơn,

Dân đều ngưỡng mộ Hữu nhị đài.

Việc đã thành, công càng sâu, giúp cho vận hội thái hoà,

Chống nổi trời, sức thật lớn, rõ bậc tài năng đĩnh đạc.

Như cây tùng không ngại tuyết, vẻ xanh vẫn như cũ,

Tựa cây mai lại gặp xuân, ngọn bút lão luyện muốn vịnh.

Trải thờ năm triều vua thánh,

Hiên ngang trâm hốt, xứng mặt Tam công.

Tại quê hương Hưng Yên của Nguyễn Trung Ngạn, ngày nay nhiều con đường, công trình, trường học được mang tên ông.

Xem thêm: Lý lẽ đanh thép đòi lại đất của vị quan Đại Việt Lê Văn Thịnh khiến sứ thần nhà Tống "cứng họng"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận