Lý lẽ đanh thép đòi lại đất của vị quan Đại Việt Lê Văn Thịnh khiến sứ thần nhà Tống "cứng họng"
Được phong làm Chánh sứ, Lê Văn Thịnh đã dùng luật Tống để khiến sứ thần nhà Tống "cứng họng", đòi lại được đất.
Thái sư Lê Văn Thịnh là ai?
Tài liệu ghi chép về Thái sư Lê Văn Thịnh (黎文盛) không nhiều, chỉ biết ông là vị Trạng Nguyên đầu tiên của Nho học Việt Nam. Theo Ngọc phả, Lê Văn Thịnh sinh năm 1050 ở làng Gủ, thôn Bảo Tháp, trang Đông Cứu, lộ Bắc Giang. Thân phụ ông là một thầy lang giỏi tên Lê Văn Thành, mẹ ông là bà Trần Thị Tín, cả hai đều là người nhân từ, thường giúp đỡ người nghèo.
Cha ông vừa dạy học vừa bốc thuốc trong làng, ngay từ khi còn nhỏ Lê Văn Thịnh đã được dạy dỗ cẩn thận. Được biết, ông nổi tiếng thông minh, lại vô cùng chăm học, ngày nào cũng chong đèn đọc sách đến khuya. Năm 13 tuổi, ông đã thông thạo kinh sử, học một biết mười, người dân trong vùng gọi ông là thần đồng. Năm ông 15 tuổi, cha mẹ qua đời, ông tới trang Chi Nhị (nay là thôn Chi Nhị, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) và mở lớp dạy học ở đây.
Năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho mở kỳ thi Nho học năm Ất Mão, kỳ thi Minh kinh bác họ và nho học tam trường đầu tiên. Lê Văn Thịnh liền đi thi, đỗ đầu trong số 10 người trúng tuyển. Khi ấy, danh hiệu Trạng nguyên chưa có, nhưng những triều đại sau này đều suy tôn ông là vị Trạng nguyên đầu tiên.
Ban đầu, ông được vời vào cung hầu vua Nhân Tông học, sau được thăng chức Sư phó Nội cấp. Đến tháng 12 cùng năm, ông được bổ chức Thị lang Bộ Binh, là người có đóng góp trong việc bình Chiêm, phá Tống.
Nhà Tống chiếm đất Đại Việt
Sau thất bại nặng nề trên sống Như Nguyệt vào năm 1075-1077, chủ tướng Quách Quỳ của nhà Tống lui về phía Bắc, chiếm châu Quảng Nguyên (nay là Coa Bằng) để lần trốn. Khi đó, nhà Lý đã dành được chiến thắng vang dội, nhưng vì muốn giữ tinh thần "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" nên không đem binh đi lấy lại đất.
Đến năm 1078, vua Lý Nhân Tông sai Đào Tông Nguyên dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Trung Quốc để kết giao, tiện đề nghị họ trả lại những vùng đất của Đại Việt bị chiếm giữ. Cuộc đàm phán này kéo dài đến 5 năm.
Tháng 6/1083, hội nghị ngoại giao bàn định cương giới giữa Đại Việt và nhà Tống diễn ra tại trại Vĩnh Bình. Lúc này, Đào Tông Nguyên yêu cầu sứ giả nhà Tống là Thành Trạc phải trả lại hai châu là Vật Dương, Vật Ác cho Đại Việt, nhưng họ không đồng ý. Không thể đòi lại đất, Đào Tông Nguyên rất tức giận, bày tỏ ý muốn đòi lại đất rồi bỏ về.
Lúc này, vua Lý Nhân Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan quyết định cử Binh bộ Thị lang Lê Văn Thịnh đi thương thảo, phong là Chánh sứ với hi vọng đòi được đất.
Lý lẽ đanh thép để đòi lại đất
Cuộc thương thảo lần này cũng diễn ra vô cùng căng thẳng, nhưng với lý lẽ đanh thép và hợp tình hợp lý, Chánh sứ Lê Văn Thịnh đã đòi lại được phần đất của tổ tiên.
Theo sách "Kể chuyện sứ thần Việt Nam", trước khi đi Lê Văn Thịnh đã suy nghĩ rất nhiều. Đến hội nghị, ông nói: "Đời Gia Hữu, Nùng Trí Hội nước tôi đã phản bội triều đình, đưa động Vật Ác nộp cho vua Tống, vùng đất này được đổi thành châu Thuận An. Sau đó lại lấy động Vật Dương nộp và được đổi tên thành châu Quy Hóa. Vậy đất Quy Hóa và Thuận An chính là đất của Giao Chỉ, xin các ngài hãy tâu về triều đình, mở lòng khoan dung mà giao trả đất cho vua chúng tôi".
Dù Lê Văn Thịnh nói rất có tình có lý, nhưng sứ thần nhà Tống vẫn không chịu trả đất. Thành Trạc đáp lại: "Hai châu Thuận An và Quy Hóa đã thuộc về thiên triều. Đất đã có chủ, nay cớ sao các ông lại đòi? Đất mà quân của hoàng thượng đi chiếm lấy thì trả lại cho Giao Chỉ, còn đất mà các người đã đem nộp thì khó mà trả lại".
Thấy vậy, Chánh sứ Lê Văn Thịnh liền đáp: "Ngài vừa nói đất thì có chủ. Các viên quan coi giữ mang nộp mà trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Chủ không giao cho mà tự lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay tàng trữ vật ăn trộm thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay chúng lại mang đất ăn trộm để dâng lên làm bẩn sổ đất nhà vua".
Nghe xong, sứ thần Thành Trạc vô cùng tức giận, mặt đỏ tía tai. Thế nhưng, ông ta vẫn không chịu trả lại đất, nói rằng "đất ấy là do họ Nùng tự giao nộp". Thấy không thể thuyết phục được Thành Trạc, Lê Văn Thịnh đã đi một nước cờ cao tay.
Ông viết một lá thư gửi cho Hùng Bản - cấp trên của Thành Trạc, với lý lẽ vô cùng đanh thép và sắc bén làm sứ thần nhà Tống "cứng họng". Theo đó, khi các quan viên được giao một phần lãnh thổ để canh giữ, nếu đem bán hay hủy bỏ đều có tội. Các thổ quan Đại Việt kia được triều đình tin dùng, đời đời ăn lộc vua, nhưng phản bội và đem đất tổ tiên đem nộp cho đại quốc. Việc trao đổi để xin thuần phục đó là xâm phạm lãnh thổ Đại Việt, nhà Tống cố tình chiếm giữ đất cũng là hành động bất hợp pháp, không đúng với tinh thần hòa hiếu.
Cuối cùng, nhà Tống đành phải chấp nhận, trả lại cho Đại Việt 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên mà họ đã chiếm, cho thông sứ như cua. Vô cùng tiếc của vì đã mất phần đất này, người Tống có đoạn thơ rằng:
"Nhân tham Giao Chỉ tượng,
Khướt thất Quảng Nguyên kim".
(Vì tham voi Giao Chỉ,
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên).
Theo sử liệu, sau lần đi sứ này, Chánh sứ Lê Văn thịnh được vua Tống ban chức Long Đồ các Đãi chế. Sau khi trở lại Đại Việt, ông được vua Lý Nhân Tông ban thưởng 200 tấm vải, sau đó được cất nhắc lên làm Thái sư, thụy hiệu Lê Thái sư Đại vương.
Thái sư Lê Văn Thịnh 'hóa hổ' giết vua - vụ án hoang đường nhất sử Việt
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận