"Tràng An tứ hổ" gồm những ai và đã có ân đức gì với dân?

Sử chép, cả 4 vị danh sĩ này không chỉ có tài văn học, làm quan có tiếng tốt mà còn để lại nhiều ân đức cho dân chúng. Vậy các ông là ai.

Đỗ Thu Nga
10:00 06/08/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Tứ hổ" gồm các danh sĩ: Nhữ Đình Hiền, Vũ Diệm, Nguyễn Bá Lân và Nguyễn Công Thái. Cả 4 ông tuy đều quê ở tứ trấn nhưng lại nổi tiếng học giỏi ở đất kinh kỳ và sau này đều là những vị quan tài ba, có nhiều công lao để lại cho nhân dân dưới thời vua Lê - chúa Trịnh.

Danh sĩ Nhữ Đình Hiền

Danh sĩ Nhữ Đình Hiền quê ở làng Hoạch Trạch, tên nôm là làng Vạc, huyện Đường An, trấn Hải Dương (nay là huyện Bình Giang, Hải Dương). Ông được coi là thần đồng khi năm 17 tuổi đã thi đỗ hương cống. Năm 1680, ông 22 tuổi, đi thi tiến sĩ. Từ đó, ông gia nhập chính quyền vua Lê - chúa Trịnh, giữa chức Đốc đồng xứ Kinh Bắc. 

Sau đó, ông được cử làm phó sứ sang nhà Thanh năm 1697. Khi đi sứ, ông đã học được nghề làm tre (loại lược bí, răng dày), về dạy cho dân làng, nên được tôn làm ông tổ nghề làm lược. 

Suốt 3 thế kỷ sau đó, nghề lược tre ở làng Hoạch Trạch rất phát đạt, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Đến nay, nghề này vẫn được duy trì, nhưng do thị trường có nhiều thay đổi nên rất ít người dân dùng lược tre nên làng nghề không còn phát đạt như trước nữa.

Trang-An-tu-ho-gom-nhung-ai-va-da-co-an-duc-gi-voi-dan
Nhữ Đình Hiền - ông tổ nghề đan tre Việt Nam

Về sau, ông lần lượt trải qua các chức Ngự sử, sau thăng làm chức Thượng thư bộ Hình, tước tử. Nhữ Đình Hiền còn nổi danh là người có chính trị giỏi, nhất là xử kiện công bình, đúng đắn.

Trong sách Đại Nam nhất thống chí, phần về tỉnh Hải Dương, mục “Nhân vật chí” có ghi lại chuyện lúc ông giữ chức Thượng thư Bộ Binh, đã phá được vụ án một người con gái đi thăm chị rồi mất tích kéo dài tới 7 năm không tìm ra thủ phạm. Bằng biện pháp nghiên cứu thực địa, xác định trên đường nối giữa nơi xuất phát và nơi đến của nạn nhân chỉ có một ngôi chùa, cùng biện pháp đánh đòn tâm lý với thủ phạm, ông đã giải được vụ án tưởng như mãi bế tắc. Nhờ đó, người anh rể của nạn nhân được giải tiếng oan, nhân dân trong vùng đều kính trọng ông như Bao Công. 

Sách Hải Dương địa dư nhận xét về ông: "Các vụ án oan uổng đều được xét án, phần nhiều được làm sáng tỏ”. Gia đình Nhữ Đình Hiền liên tiếp có 5 đời thi đỗ tiến sĩ, nổi danh là dòng họ khoa bảng xứ Đông.

Nhữ Đình Hiền mất năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716), thọ 58 tuổi (có sách chép ông mất năm 1739, thọ 80 tuổi). Ông là người có tài chính sự, làm việc công bằng, chính trực, được người đương thời ca ngợi. Triều đình truy tặng ông làm Thiếu phó, tước quận công.

Danh sĩ Vũ Diệm

Danh sĩ Vũ Diệm quê ở xã Thổ Vượng, huyện Thiên Lộc (nay là xã Vương Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là người học rất giỏi nên ở Thăng Long lúc bấy giờ xuất hiện thành ngữ "Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc”, nghĩa là loại bút tốt nhất chỉ có ở hàng ngõ Cấm Chỉ, còn người học trò giỏi nhất quê ở Thiên Lộc (tức Vũ Diệm).

Theo giai thoại, thời nhỏ, Vũ Diệm làm văn hộ người đi thi nên bị án cấm thi, mãi năm Bảo Thái thứ 10 (1729), nghe tiếng ông học giỏi, triều đình mới xá tội, ông dự kỳ thi Hương, đậu đầu (giải nguyên). Năm 1732 triều đình mở khoa thi Hoành từ, ông dự thi và đỗ đầu, được bổ vào chức Thị nội (chức giúp việc giấy tờ ở trong phủ chúa Trịnh). Năm 1739, đời Vua Lê Ý Tông, ông dự kỳ thi Hội, đỗ Hoàng giáp.

Có giai thoại khác cho rằng, sau kỳ thi Đình năm đó, các giám khảo dâng danh sách lên vua duyệt, Vũ Diệm được xếp vào hạng Đệ nhất giáp, Đệ nhị danh (tức Bảng nhãn). Nhưng, khi nhà vua cầm bút ngự phê thì sơ ý ghi nhầm thành “Đệ nhị giáp, đệ nhất danh”, tức là Hoàng giáp - tụt mất một bậc so với hạng Đệ nhất giáp gồm tam khôi. Khi nghe tin, mọi người đều tiếc cho Vũ Diệm. Về sau nhà vua đã tặng cho ông đôi câu đối “Tam khoa thủ cứ khai tiền tích. Nhị giáp cao đề khả hậu tri”. Nghĩa là: Thi đậu cả 3 kỳ thi, mở ra một con đường trước; tên tuổi của hoàng giáp được đề rõ ở chốn cao để cho hậu thế đều biết.

Trang-An-tu-ho-gom-nhung-ai-va-da-co-an-duc-gi-voi-dan-0
Nhà thờ Vũ Diệm

Sau khi đỗ đạt, ông được triều đình nhà Lê giao nhiều trọng trách quan trọng, từ Hàn Lâm viện biên tu đến Đông các học sĩ, Đại lý tự khanh, Đốc đồng xứ Kinh Bắc, Võ tướng công...

Lúc sinh thời, ông cũng để lại nhiều ân đức cho đời, trong đó lớn nhất là đào tạo tài năng cho đất nước. Người đương thời gọi ông là “người nhà trời” bởi sức dạy không biết mệt mỏi, học trò có nhiều người đỗ đạt cao và làm quan thanh liêm.

Bên cạnh đó, khi cầm binh đánh giặc, ông cũng để lại ân đức khi dùng tài năng, đức độ và chiến lược “tâm công” (đánh vào lòng người) để cảm hóa kẻ địch. Cách đánh giặc của Vũ Diệm giành thắng lợi mà không phải tốn tên đạn, không phải đổ máu khiến cho đối phương cũng phải khâm phục.

Khi ông mất, cả triều đình và nhân dân đều thương tiếc. Nhà vua đã tổ chức tang lễ, chôn cất ông tử tế tại quê nhà và cấp ruộng nghĩa điền 10 mẫu để hằng năm phục vụ tế lễ ông. Triều đình gia tặng ông chức Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu, Đại lý tự khanh, lại lấy tên núi quê hương phong cho ông tước Hồng Lĩnh bá.

Danh sĩ Nguyễn Bá Lân

Danh sĩ Nguyễn Bá Lân quê ở xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong, trấn Sơn Tây (nay là Ba Vì, Hà Nội) nhưng theo sách Nhân vật chí của Phan Huy Chú thì quê tổ của ông ở Tiên Du, Bắc Ninh. 

Năm 18 tuổi, ông đỗ đầu kỳ thi Hương, 2 năm sau đỗ kỳ thi Hội, rồi vào thi Đình, đỗ Hoàng giáp năm 1731 đời Lê Đế Duy Phường, khi ông 32 tuổi.

Nguyễn Bá Lân từng giữ các chức vụ như Phiên tào, Lưu thủ trấn Hưng Hóa, Đốc trấn Cao Bằng, Bồi tụng thiêm đô ngự sử, tước lễ trạch hầu. Ông từng giữ chức Tả chấp pháp, nổi tiếng là vị quan trong sạch, cẩn thận. Phan Huy Chú nhận xét: “Khi bàn việc, ông giữ lòng trung thực, không che chở bênh vực ai, chúa khen là ngay thẳng dám nói”. Sau ông được thăng đến chức Thượng thư Bộ Công. Năm 65 tuổi, ông về hưu nhưng được ít lâu lại được gọi ra làm quan, chuyên coi việc kiện tụng.

Trang-An-tu-ho-gom-nhung-ai-va-da-co-an-duc-gi-voi-dan-8

Sinh thời ông cũng để lại công đức cho dân. Cụ thể, trong sự kiện năm Đinh Hợi (1767). Năm đó, chúa Tĩnh vương Trịnh Sâm cầm quyền, trời hạn hán, nhân dân khổ cực. Chúa thấy điềm dữ, trưng cầu ý kiến quần thần, Nguyễn Bá Lân dâng sớ xin xem xét án cho những người bị oan ức, khoan thứ cho những người bị tội lây, cứu vớt những người bị phiêu tán, tha cho những người bị thiếu thuế chồng chất. Các điều này đều được chúa Trịnh Sâm khen ngợi và thực hiện.

Ít lâu sau, khi có vụ nổi dậy của Hoàng Công Chất ở Hưng Hóa, Nguyễn Bá Lân xin được cầm quân dẹp loạn, chúa Trịnh Sâm đồng ý, cho ông cai quản cơ Tả Nhuệ và làm Tuyên phủ sứ đạo Hưng Hóa. Chưa được bao lâu, ông xin từ chức vì già yếu. Chúa Trịnh Sâm dụ rằng: “Khanh dẫu già nhưng sức còn làm được việc. Ta đang chọn người có thể thay cho khanh. Khi khanh làm quan cũng có nhiều kẻ gièm pha nhưng ta vẫn không ngờ vực. Nay khanh từ chức, nên ở lại kinh, để phòng khi hỏi đến”. Do góp công bàn tính chuyện dẹp giặc, ông được xét công đầu, thăng lên làm Thượng thư Bộ Lễ, rồi đổi sang Thượng thư Bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, bậc ngũ lão hầu chúa. Năm 1775, ông mất, thọ 83 tuổi, được tặng hàm Thái tể, tước quận công.

Danh sĩ Nguyễn Công Thái

Danh sĩ Nguyễn Công Thái là người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì (thời Lê thuộc phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Ông từ thuở đi học đã nổi tiếng văn tài, đến năm 1703 dự kỳ thi ở trấn đỗ thứ nhất, sau đó dự kỳ thi Hương đỗ đầu (giải nguyên), đến kỳ thi Hội năm 1715 đời Vua Lê Dụ Tông, ông lại đỗ đầu, đoạt danh hiệu Hội nguyên tiến sĩ.

Ông làm quan 40 năm và kinh qua nhiều chức vụ như Hiến sát sứ Nghệ An, Đốc đồng xứ Thanh Hóa, Tế tửu Quốc Tử giám, coi Binh phiên. Niên hiệu Bảo Thái đời Vua Lê Dụ Tông, có khoa thi Đông các, ông thi đỗ hàng thứ ba, được bổ kiêm chức Hiệu thư Đông các. Năm 1733, ông được thăng Tả thị lang Bộ Công, rồi Hữu thị lang Bộ Hình. Do có văn học, ông được chúa Trịnh Giang tín nhiệm, cho làm Bồi tụng, Tả thị lang Bộ Lại, tước Ứng quận công, sau đổi sang là Kiều quận công.

Khi chúa Trịnh Giang chơi bời quá độ, bỏ bê triều chính, ông cùng Tri hộ phiên Nguyễn quý Cảnh bàn mưu suy tôn em chúa là Trịnh Doanh lên ngôi năm 1740, nhờ đó chốn triều đình và cung cấm được yên lặng. Khi chúa thưởng công, ông được phong Suy trung dực vận công thần, cùng với Nguyễn Quý Cảnh đều làm Tham tụng. Bấy giờ ông 57 tuổi, mấy lần được thăng đến Thượng thư Bộ Lễ, sau vì có lỗi phải ra trấn Thanh Hóa, rồi lại làm Tham tụng. Cũng như ông Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Công Thái đã về nghỉ hưu rồi lại được gọi ra làm quan, làm Thượng thư Bộ Lại, hàm Thái tử thái phó, rồi làm Tham tụng.

Ông đã có công tham gia đấu tranh bảo vệ biên giới lãnh thổ, tranh biện và bẻ lý đòi lại đất đai bị bọn thổ ty phủ Khai Hóa, Mông Tự thuộc Vân Nam của nhà Thanh chiếm đóng, giữ lại được mỏ đồng Tụ Long ở châu Vị Xuyên, giành lại 4 xã ở Bảo Sơn (nay thuộc Cao Bằng).

Nguyễn Công Thái là thầy học của chúa Trịnh Sâm nhưng ông không màng tài sản, đất lộc điền vua ông mang chia hết cho con cháu và dân làng cày cấy. Sự giản dị, thanh khiết của ông còn thể hiện ở đời sống, dù làm quan to nhưng nhà ông chỉ làm bằng tre nứa đã cũ, các con đều ăn cơm hẩm và đi bộ...

Theo Nhân vật chí của Phan Huy Chú, dù trong sạch, giản dị, có công lập ngôi chúa, nhưng khi về già, ông bị các bề tôi yêu của chúa gièm pha nên không thi hành được chí của mình, khiến dư luận lấy làm tiếc.

(Theo ANTG)

Xem thêm: Cao Bá Quát và vụ sửa bài thi chấn động sử Việt: Tiếc nhân tài nhưng không tiếc mạng mình

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận